MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 07/05 - 13/05] Chứng khoán Việt thử thách tinh thần NĐT, TTCK thế giới tăng điểm vững chắc

Khác với xu hướng tuần liền trước, thị trường đã trải qua rất nhiều diễn biến cảm xúc trái ngược. Tuần qua cũng là tuần lễ chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.

1. TTCK Việt Nam "thử thách" tinh thần NĐT

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch không quá khởi sắc tuy nhiên chỉ số VN-Index đã có sự phục hồi tiếp nối tuần giao dịch liền kề trước đó. Chốt tuần VN-Index vẫn giữ vững được cột mốc 1.000 điểm lịch sử nhờ lực cầu tham gia bắt đáy. Dường như TTCK Việt đang cố "thử thách" tinh thần nhà đầu tư khi từng có những phiên 5 lần xảy ra hiện tượng bulltrap kéo xả trong một phiên giao dịch.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.044,85 điểm (tăng 1,77%) và HNX-Index chốt phiên ở 122,77 điểm (tăng 0,16%). Khác với xu hướng tuần liền trước, thị trường đã trải qua rất nhiều diễn biến cảm xúc trái ngược. Tuần qua cũng là tuần lễ chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.

[Điểm nóng TTCK tuần 07/05 - 13/05] Chứng khoán Việt thử thách tinh thần NĐT, TTCK thế giới tăng điểm vững chắc - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 3 tháng

Nếu như đầu tuần sắc xanh chiếm ưu thế trên toàn thị trường với sự hồi phục của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, BVH, SAB, MSN… thì đến phiên giữa tuần thị trường lại một lần nữa chứng kiến một phen chao đảo khi có lúc VN-Index để rơi mất 28 điểm. Nhóm cổ phiếu Bluechips VN30 phân hóa mạnh trở lại trong các phiên giữa tuần. Dường như thanh khoản phiên ngày thứ 5 tăng rõ rệt cho thấy nhà đầu tư chưa thật sự tin vào khả năng hồi phục của thị trường và dễ bị cuốn theo tâm lý bán tháo khi có diễn biến bất lợi.

Phiên giao dịch ngày thứ 6 cuối tuần, tiếp tục diễn biến tiêu cực ngày hôm trước, thị trường đã giảm điểm và rung lắc mạnh vào phiên sáng. Những tưởng chỉ số sẽ tiếp tục dò đáy, thì phiên chiều bất ngờ với lực mua mạnh đã khiến VN-Index tăng mạnh lên 15,98 điểm. Đà hồi phục này đã làm tâm lý thị trường thoải mái và tích cực hơn. Nhóm ngân hàng, chứng khoán tiếp tục là những động lực đẩy chỉ số. Đặc biệt, VND đã đóng cửa tại mức giá trần dù vẫn tiếp tục khớp lệnh giá sàn trong đầu phiên giao dịch. Phiên hồi phục cuối tuần cũng giúp VN-Index và HNX-Index tránh khỏi một tuần giảm điểm liên hoàn kể từ một tháng qua. Đà bán tháo đưa mặt bằng giá của thị trường trở lại mức hấp dẫn, tuy nhiên vẫn còn những rủi ro hiện hữu. Theo như các chuyên gia BSC nhận định với phiên hồi phục này, tâm lý thị trường dường như đã có sự ổn định hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng margin không được khuyến khích, khi vẫn có thể có những phiên rung lắc trong thời gian tới.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá sôi động, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short – long luân phiên mạnh mẽ. Chính xu hướng giằng co của VN30-Index khiến các hợp đồng tương lai liên tục rung lắc trong tuần qua. Hoạt động kéo xả diễn ra thường xuyên trên thị trường phái sinh đã khiến VN30-Index xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh trong các phiên giữa tuần. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng lên đáng kể. Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường phái sinh trong tuần thứ 5 liên tiếp. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt hơn 70.100 hợp đồng (tăng gần 6% so với tuần liền trước).

2.TTCK thế giới ghi nhận tuần lễ tăng điểm "vững chắc"

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng vững chắc trong tuần qua, đưa tất cả các chỉ số chuẩn trở lại vào vùng tích cực cho năm nay. Chỉ số S&P 500 đã đóng cửa trên mức trung bình động 100 ngày lần đầu tiên kể từ giữa tháng Ba ở mức 2.727 điểm (tăng 2,2 %). Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.831 điểm (tăng 2,1%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.402 điểm (tăng 2,2%). Các cổ phiếu nhóm tài chính tăng khá mạnh. Những tin tức tốt trong các ngành riêng lẻ khác cũng thúc đẩy thị trường tăng điểm cao hơn. Vào cuối tuần, một số nhà phân tích đã ước tính rằng tổng thu nhập của các công ty trong S&P 500 quý này đã tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các chỉ số chủ chốt của châu Âu đều tăng điểm trong tuần do giá dầu tăng và tin tức tích cực của các công ty, bất chấp sự bất ổn chính trị, đặc biệt là ở Ý. Khối lượng giao dịch ở mức thấp và sự biến động giảm đã phản ánh một tâm lý khá bình tĩnh của các nhà đầu tư. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.724 điểm (tăng 3%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.001 điểm (tăng 1,4%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.541 điểm (tăng 0,5%).

Kết thúc quý 1, nhiều công ty châu Âu tiếp tục có kết quả kinh doanh vượt xa so với ước tính. Một trong những nguyên nhân có thể là do đồng Euro bắt đầu yếu đi so với đô la Mỹ kể từ tháng 2.

Đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng ghi nhận tuần lễ tăng điểm tích cực. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average và đóng cửa ở 22,758 điểm (tăng 1,27%), và chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.794 điểm (tăng 1,1%).

Trong khi số liệu chính thức vẫn chưa được công bố, một số nhà phân tích của Reuters cho rằng nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm lại trong quý 1, do nhu cầu xuất khẩu giảm và đầu tư nhà ở yếu. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng nó chỉ là vấn đề tạm thời. Dự báo của các nhà phân tích phần lớn dựa trên mức tăng trưởng tiêu dùng tư nhân tối thiểu trong giai đoạn này (tiêu dùng tư nhân chiếm khoảng 60% GDP của Nhật Bản). Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên giới đầu tư nên chú ý đến chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ cũng như các diễn biến trên thị trường tiền tệ.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là tiêu điểm của giới đầu tư khi cả hai bên bước vào vòng đàm phán thương mại thứ hai ở Washington. Tại Trung Quốc, giới đầu tư vẫn kỳ vọng các kết quả tích cực từ cuộc đàm phán nên chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh trong tuần qua. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 31.122 điểm (tăng 3,3%), và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3,163 điểm (tăng 2,2%).

Bất chấp những cam kết gần đây của Trung Quốc nhằm mở cửa một số ngành dịch vụ và giảm thuế, các nhà phân tích cho rằng quốc gia này sẽ không có nhiều thay đổi trong chương trình đổi mới chính sách kinh tế trong nước. Về lâu dài, các nhà phân tích tin rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận để tạo sự cân bằng thương mại. Tuy nhiên, trong tương lai gần, rất có thể Mỹ sẽ đưa ra thêm các đề xuất mới để cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên