MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 07/08 - 13/08] Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên và tin đồn tạo ra phiên giảm mạnh nhất của VN-Index trong vòng 2 năm

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã khiến giới đầu tư trên toàn thế giới lo lắng. Chứng khoán Mỹ đã có những phiên giảm điểm trong tuần qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã bị phá vỡ chuỗi tăng điểm vào hôm thứ 4. Nỗi lo sợ tăng lên đã khiến nhu cầu cho các tài sản trú ẩn gia tăng…

TTCK Việt Nam: Tình hình TTCK phái sinh cho thấy, NĐT đang thận trọng trong ngắn hạn và kỳ vọng nhiều vào dài hạn

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn và không thể thiếu cả những phen chao đảo đáng nhớ.

Cột mốc quan trọng đầu tiên là ngày 10/08, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với 2 sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các hợp đồng tương lai được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Phái sinh Việt Nam (HNX) và thanh toán bù trừ qua Trung tâm Bù trừ (VSD).

Trong đó, hợp đồng VN30F1708 vào ngày giao dịch cuối cùng của tuần qua đã có tới 510 giao dịch. Hợp đồng đáo hạn vào tháng 09/2017 (VN30F1709) giảm 3,1 điểm xuống còn 745,7 điểm.

Ngược lại, các hợp đồng đáo hạn vào 12/2017 (VN30F1712) tăng 3,7 điểm lên mức 756 điểm. Còn hợp đồng tháng 3/2018 (VN30F1803) lại tiếp tục tăng 4,0 điểm lên mức 760 điểm cho thấy có vẻ đa số nhà đầu tư vẫn đang thận trọng trong ngắn hạn và đặt kỳ vọng vào mức tăng trưởng cho chỉ số này trong kỳ hạn dài hơn.

Đối với thị trường CK cở sở, tuần qua đã diễn ra phen chao đảo mạnh nhất trong vòng 2 năm qua khi những tin đồn về cựu chủ tịch BIDV lan truyền vào ngày 09/08 trong bối cảnh chỉ số chung cũng như mặt bằng giá cổ phiếu đã lên đến mức khá cao. VN-Index tuần qua ghi nhận 4 phiên giảm điểm. Chốt tuần, Chỉ số VN-Index đã đóng cửa ở con số 772,08 điểm, giảm 16,6 điểm (-2,15%) và chỉ số HNX – Index dừng lại ở 100,86 điểm, giảm 1,08 điểm (-1,07%) so với tuần liền trước.

Đặc biệt, cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển vào ngày 09/08 đã giảm sàn. Điều đó như 1 ngọn đuốc có sức lan tỏa mạnh đến thị trường. Áp lực chốt lời tại nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khiến thị trường giao dịch giằng co. Cùng ngày hôm đó, cuối phiên giao dịch nhà đầu tư còn phải chứng kiến cảnh tượng cổ phiếu SAB bị “dìm” bán bất ngờ, 2 sàn đã có phiên mất hơn 2 tỷ USD vốn hoá thị trường.

TTCK thế giới: Cũng một tuần sóng gió

Lo ngại gia tăng về nguy cơ xung đột trên Bán đảo Triều Tiên và một số báo cáo thu nhập doanh nghiệp đáng thất vọng đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đã chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng điểm vào hôm thứ ba vì lời căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang, khi Tổng thống Donald Trump nói rằng Triều Tiên sẽ phải đón nhận "lửa thịnh nộ".

Trong ngày, chỉ số Nasdaq Composite của các công ty công nghệ cao giảm 2,13%, chỉ số S&P 500 giảm 1,45%, và chỉ số Dow Jones giảm gần 1%. Thị trường đã phục hồi trở lại vào thứ sáu. Các cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ và các công ty công nghệ cao trên sàn Nasdaq vẫn có những thành công đáng kể từ đầu năm đến nay, trong khi các cổ phiếu nhỏ và vừa đang có mức tăng thấp hơn.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng khiến chứng khoán châu Âu sóng gió. Chỉ số Stoxx 600 của Châu Âu ghi nhận ba ngày liên tiếp giảm điểm, kết thúc tuần giảm gần 3% - một trong kết quả tồi tệ nhất trong năm nay. Chỉ số FTSE 100 của Anh xuống mức thấp nhất trong 3 tháng vào thứ sáu. Trong khi đó vào ngày thứ Năm, chỉ số DAX 30 của Đức đã giao dịch dưới mức 12.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 4.

Nỗi lo sợ tăng lên đã khiến nhu cầu cho các tài sản trú ẩn gia tăng. Một trong những nơi mà dòng tiền hướng tới là trái phiếu. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức giảm xuống dưới 0,42% vào cuối ngày thứ năm, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 Stock Average giảm 223 điểm (1,1%) và đóng cửa ngày thứ năm ở mức 19.729,74. Cho đến nay, chỉ số Nikkei đã tăng 3,2%. Cùng với đó chỉ số TOPIX tăng 6,5%, và TOPIX Small Index đã tăng lên khoảng 13,3% trong năm nay. Tỷ giá đồng Yên cũng tăng so với đồng bạc xanh trong tuần thứ năm liên tiếp, đóng cửa gần mức 109 yên/đô-la, cao hơn 6,8% so với mức 117 yên/đô-la vào cuối năm 2016.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng hơn kỳ vọng trong tháng 7 lên mức cao nhất trong 9 tháng qua, báo hiệu rằng các nỗ lực của Bắc Kinh để kiềm chế dòng vốn đã thành công. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, dự trữ ngoại hối tăng trong tháng thứ 6 liên tiếp, đạt 3.081 nghìn tỷ USD, tăng 23,93 tỷ USD so với tháng 6. PBOC vẫn đang thực hiện các biện pháp nhằm làm cho các nhà đầu tư và các công ty Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài, khiến áp lực gia tăng lên đồng nhân dân tệ .

Hoa Lê

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên