MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 09/09 – 15/09] Chứng khoán Việt Nam và thế giới đồng loạt nỗ lực hồi phục

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường Việt Nam và thế giới có một tuần giao dịch tích cực…

1.TTCK Việt Nam nỗ lực đảo chiều tăng điểm mạnh

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index đã nỗ lực hồi phục. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa tăng mạnh lên ngưỡng 987,22 điểm (+1,34%) và HNX-Index chốt phiên ở 102,2 điểm, (+1,3%) so với tuần liền trước đó.

[Điểm nóng TTCK tuần 09/09 – 15/09] Chứng khoán Việt Nam và thế giới đồng loạt nỗ lực hồi phục - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

VN-Index đã có một tuần hồi phục so với tuần liền kề trước đó. Cùng với sự khởi sắc của nhóm ngân hang chung, các Bluechips như FPT, REE, VJC, VIC, PNJ, MWG,…cũng đồng loạt hồi phục giúp đà tăng thị trường được củng cố vững chắc. Thị trường mặc dù sụt giảm mạnh trong những phiên đầu tuần và giữa tuần tuy nhiên VN-Index đã có những phiên đảo chiều tích cực vào gần cuối tuần.

Theo các chuyên gia VDSC, tiếp nối đà hồi phục trong phiên trước, VN-Index tiếp tục hồi phục và tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch. Kết phiên, chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên và vượt ngưỡng cản 985 điểm. Chỉ báo kỹ thuật MACD tiếp tục hồi phục trở và tiệm cận đường tín hiệu, RSI tăng mạnh.

Điều này cho thấy VN-Index đã thoát khỏi xu hướng tiêu cực nhờ dấu hiệu hỗ trợ tại biên dưới của mô hình tam giác. Hiện tại xu hướng hồi phục vẫn còn nhờ dấu hiệu vượt ngưỡng cản 985 điểm và hướng trở lại vùng 1000 điểm, đây là vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn và cũng là vùng quyết định xu hướng trong tương lại của VN-Index.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về điểm số trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 42.000 hợp đồng.

2. TTCK Thế giới đồng loạt hồi phục

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với một loạt các chính sách đầy hy vọng. Các chỉ số chứng khoán chính đã tiếp tục tiến lên mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 27.219 điểm (tăng 1,31%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.176 điểm (tăng 0,99%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 3.007 điểm (tăng 0,64%).

Các cổ phiếu ngành khai khoáng và nguyên vật liệu, tài chính và công nghiệp đã có ​​mức tăng mạnh nhất trong số các nhóm ngành. Nguyên nhân chính tác động lên tâm lý của giới đầu tư trong tuần qua là việc cả phía Mỹ và Trung Quốc đều có các bước đi giảm bớt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại. Hôm thứ Tư, các quan chức Trung Quốc tiết lộ một danh sách nhỏ các sản phẩm của Mỹ sẽ được miễn thuế, ​​có hiệu lực vào ngày 17/ 9. Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng trả lời bằng cách tweet rằng Mỹ sẽ hoãn tăng 5% với 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 15 tháng 10, với lý do mong muốn không gây ảnh hưởng tới lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Vào thứ Sáu, Trung Quốc đã thực hiện một bước nữa để giảm leo thang. Tân Hoa Xã tuyên bố rằng cơ quan hải quan nhà nước Trung Quốc sẽ loại trừ đậu nành, thịt lợn và các sản phẩm nông nghiệp khác khỏi thuế quan, trong khi các quan chức cũng khuyến khích các công ty Trung Quốc mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Động thái này cũng có thể phản ánh mong muốn kiềm chế giá thịt lợn tăng vọt ở nước này sau khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Thị trường chứng khoán châu Âu bật tăng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố một kế hoạch kích thích tiền tệ mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.367 điểm (tăng 1,17%). Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.468 điểm (tăng 2,11%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.655 điểm (tăng 0,87%). ECB đã cắt giảm lãi suất huy động của mình xuống 10 điểm cơ bản, từ -0,4% xuống -0,5% và khởi động lại chương trình nới lỏng định lượng, đồng thời cho biết họ sẽ mua 20 tỷ EUR trái phiếu mỗi tháng kể từ ngày 1 tháng 11.

Chủ tịch ECB Mario Draghi nói rằng ngân hàng thực hiện động thái này chủ yếu là do tỷ lệ lạm phát thấp trong khu vực, vốn vẫn thấp hơn so với mục tiêu 2%. Ông lưu ý rằng căng thẳng thương mại toàn cầu đang diễn ra và mối lo ngại về Brexit đã làm tăng rủi ro cho khu vực đồng euro nhưng cho biết nguy cơ suy thoái vẫn còn nhỏ. Trong khi đó Viện Ifo của Đức đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Đức trong năm nay xuống 0,5% từ 0,6% và hạ ước tính cho năm tới xuống 1,2% từ 1,7%. Viện cảnh báo rằng sự chậm lại trong sản xuất có thể lan sang lĩnh vực dịch vụ và gây ra sự gia tăng thất nghiệp.

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong tuần, khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện trong bối cảnh hy vọng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu quả vào tháng Mười. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.988 điểm (tăng 3,65%).

Trong khi triển vọng toàn cầu dường như được cải thiện phần nào, dữ liệu kinh tế của Nhật Bản lại không được khả quan. Chỉ số GDP mới nhất cho thấy nền kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng với tốc độ là 1,3% so với ước tính trước đó là 1,8%. Ngoài ra, cuộc khảo sát của Reuters Tankan về niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất đã giảm trong tháng thứ tư liên tiếp và giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu năm.

Về chính trị, vào thứ Tư, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố thay đổi Nội các của mình, với 13 bộ trưởng mới được bổ nhiệm. Một trong những ý định của ông Abe trong vài năm tới là thay đổi Hiến pháp của Nhật Bản, được xây dựng trong thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ 2 và duy trì cho tới nay. Cùng lúc đó quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn căng thẳng. Trong tuần, Seoul đã chính thức khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quyết định của Tokyo vào tháng 7 về hạn chế xuất khẩu một số hóa chất liên quan đến công nghệ sang Hàn Quốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm trong tuần, khi Trung Quốc và Mỹ tiến hành các bước đi xoa dịu cuộc chiến thương mại của họ và kỳ vọng của giới đầu tư về việc Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.031 điểm (tăng 1,17%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.352 điểm (tăng 2,28%).

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã đóng cửa vào thứ Sáu cho Tết Trung thu. Trong tuần, Trung Quốc báo cáo rằng doanh số bán xe trên đại lục, một trong những chỉ báo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đã giảm lần thứ 14 trong 15 tháng qua. Hàng loạt dữ liệu yếu đã làm tăng kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn để kích thích nền kinh tế, một tuần sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả các ngân hàng lần thứ ba trong năm nay.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên