MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 15/04– 21/04] Chứng khoán thế giới đồng thuận phục hồi, thị trường Việt Nam trải qua sóng gió

Thanh khoản tiếp tục suy yếu cho thấy tâm lý thị trường đang duy trì trạng thái yếu cùng tâm lý chờ đợi lan tỏa ở các thị trường trong khu vực trước kỳ nghỉ lễ phục sinh. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu xác nhận rõ rệt hơn trong những phiên sắp tới…

1. Chứng khoán Việt Nam đi qua tuần bão táp

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản lẫn điểm số đáng kể. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 966,21 điểm (-1,68%) và HNX-Index chốt phiên ở 105,88 điểm, (-1,7%) so với tuần liền trước.

[Điểm nóng TTCK tuần 15/04– 21/04] Chứng khoán thế giới đồng thuận phục hồi, thị trường Việt Nam trải qua sóng gió - Ảnh 1.

Trong những phiên giao dịch đầu tiên, thị trường khởi đầu với sắc đỏ bao trùm khi đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực.

Thêm vào đó giá dầu thế giới suy yếu ngày 15/4 sau khi Nga cho biết có thể cùng OPEC tăng sản lượng để tranh thị phần với Mỹ. Các cổ phiếu dầu khí, nhóm ngân hàng và các cổ phiếu bluechips cũng chịu lực bán mạnh khiến chỉ số 3 sàn nhanh chóng sụt giảm. Đã có thời điểm VN-Index giảm gần 20 điểm với độ rộng thị trường áp đảo hoàn toàn thuộc về số mã giảm giá. Tuy nhiên về cuối phiên các chỉ số dần thu hẹp đà giảm nhờ nỗ lực hồi phục của các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Bước vào phiên giao dịch giữa tuần, dấu hiệu điều chỉnh từ cuối phiên trước tiếp tục diễn ra trên thị trường. Các cổ phiếu vốn hóa lớn hầu hết chìm trong sắc đỏ bởi lực cung đè nặng và ảnh hưởng xấu tới các chỉ số. Thêm vào đó giá dầu thế giới giảm nhẹ vào đêm qua không giúp nhóm cổ phiếu dầu khí có được trạng thái giao dịch tốt nhất.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mặc dù xuất hiện nhiều thông tin tốt nhưng nhìn chung vẫn chưa có được sự khởi sắc. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư thêm phần lo lắng, qua đó gián tiếp làm áp lực bán lan tỏa rộng ra các nhóm ngành khác. Thị trường về cuối phiên giao dịch tiếp tục đi theo hướng khá tiêu cực khi mức độ giảm ở các cổ phiếu vốn hóa lớn là khá cao và số lượng mã giảm điểm xuất hiện ngày càng nhiều

Càng về gần cuối tuần, phiên giao dịch diễn ra với những dấu hiệu phục hồi sau khi giảm mạnh ngày hôm thứ 5. Trái ngược phiên trước, các blue trở lại với hầu hết các cổ phiếu tăng giá đưa chỉ số VN-Index bật tăng hơn 8 điểm ngay sau ít phút mở cửa. Sắc xanh cũng lan tỏa tốt qua các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, bất động sản xây dựng, dệt may… Tuy nhiên đà hưng phấn nhanh chóng suy yếu bởi theo thời gian thanh khoản thị trường không được cải thiện. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư chưa thực sự sẵn sàng cho chiều hướng tăng điểm lại của thị trường. Cổ phiếu SAB sau phiên rơi mạnh ngày hôm qua thì nay cũng tăng trở lại giúp Vn-Index duy trì sắc xanh. Trong khi đó cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam ngược chiều thị trường giảm trong ngày diễn ra ĐHCĐ thường niên 2019.

Theo quan điểm của các chuyên gia BSC, thị trường có phiên hồi phục nhẹ sau 4 phiên liên tiếp giảm điểm. Thanh khoản tiếp tục suy yếu cho thấy tâm lý thị trường đang duy trì trạng thái yếu cùng tâm lý chờ đợi lan tỏa ở các thị trường trong khu vực trước kỳ nghỉ lễ phục sinh. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu xác nhận rõ rệt hơn trong những phiên sắp tới.

2. Chứng khoán thế giới hồi phục

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong tuần. Mặc dù một loạt báo cáo thu nhập quý 1 đã được công bố, khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp nhất trong tám tháng trở lại đây. Sự thận trọng trên Phố Wall cũng có nguyên nhân do tuần giao dịch được rút ngắn trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh.

[Điểm nóng TTCK tuần 15/04– 21/04] Chứng khoán thế giới đồng thuận phục hồi, thị trường Việt Nam trải qua sóng gió - Ảnh 2.

Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.559 điểm (tăng 0,56%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.905 điểm (giảm 0,07%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.998 điểm (tăng 0,18%). Cổ phiếu của ngành công nghiệp tỏ ra vượt trội hơn các ngành khác trong tuần qua.

Các chỉ số chứng khoán châu Âu tăng điểm trong tuần nhờ các dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và sự mở rộng thời hạn đàm phán Brexit của Vương quốc Anh. Trong khi một số chỉ báo vẫn cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm, chỉ số DAX 30 của Đức vẫn đóng cửa ở 12.222 điểm (tăng 1,86%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.459 điểm (tăng 0,3%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.580 điểm (tăng 1,42%). Mùa báo cáo thu nhập quý 1 của Châu Âu cũng đã bắt đầu và đã có một số doanh nghiệp công bố sớm kết quả kinh doanh tích cực.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 22.200 điểm (tăng 1,51%) trong tuần, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12. Mặc dù dữ liệu kinh tế vĩ mô của Nhật Bản không được đánh giá cao, nhưng thị trường châu Á được hỗ trợ bởi báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tích cực của Trung Quốc và sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại.

Đồng yên đóng cửa ở mức 111,91 yên mỗi đô la Mỹ, mạnh hơn một chút trong tuần. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm khoảng 9%, được bù đắp bằng mức tăng khoảng 4% sang thị trường Mỹ. Về tổng thể, Nhật Bản tiếp tục duy trì thặng dư thương mại với các đối tác thương mại toàn cầu, nhưng thặng dư đã giảm khoảng một phần ba trong năm qua.

GDP của Trung Quốc tăng trưởng hơn dự kiến ​​trong quý đầu tiên của năm 2019, làm giảm bớt lo ngại về ảnh hưởng của xung đột thương mại với Mỹ đang làm tổn thương nền kinh tế. GDP của Trung Quốc đã tăng 6,4% so với một năm trước đó. Phản ứng trước tin tức tích cực, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đều tăng điểm trong tuần. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.270 điểm (tăng 2,57%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 29.963 điểm (tăng 0,18%).

Tuy nhiên một ngày trước khi Trung Quốc báo cáo về GDP, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ban hành một báo cáo dài để cảnh báo về những rủi ro từ chính sách kích thích kéo dài của nước này. Kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng có thể nâng cao dự báo tăng trưởng, theo OECD, nhưng nó có thể dẫn đến sự mất cân đối, và do đó tăng trưởng sẽ yếu hơn trong trung hạn. OECD cho biết, một số doanh nghiệp đã đạt đến mức độ không bền vững và có rủi ro cao.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên