MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 15/10 – 21/10] Chứng khoán Việt nỗ lực hồi phục không thành, TTCK thế giới biến động trái chiều

Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần…

1. TTCK Việt Nam nỗ lực phục hồi không thành

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi chỉ số VN-Index đã thất bại trong nỗ lực hồi phục.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 958,36 điểm (-1,21%) và HNX-Index chốt phiên ở 108,1điểm, (-1,52%) so với tuần liền trước đó. Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường Mỹ, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần.

[Điểm nóng TTCK tuần 15/10 – 21/10] Chứng khoán Việt nỗ lực hồi phục không thành, TTCK thế giới biến động trái chiều - Ảnh 1.

Cùng chung trạng thái với tâm lý bi quan của thị trường chứng khoán Châu Á, Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giảm điểm trong phiên đầu tuần và xóa bỏ phần lớn nỗ lực trong phiên liền trước. VN-Index hôm nay chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hàng loạt mã trụ cột đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày khiến tín hiệu xu hướng trở nên bi quan hơn.

Tuy nhiên ngay sau phiên giao dịch ngày thứ 2 đầu tuần, phiên giao dịch tiếp theo đó thị trường đã lấy lại cân bằng khi bất chấp áp lực từ lượng hàng bắt đáy về tài khoản, thị trường đã có phiên hồi phục trở lại. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 11,73 điểm và tạm dừng ở 963,37 điểm. Chiều tăng của VN-Index hôm nay được dẫn dắt chủ yếu bởi các cổ phiếu lớn là VIC, VHM, GAS và BID. Tuy nhiên, tín hiệu của các trụ cột này khá yếu nên đây có thể chỉ là một động thái mang tính điều tiết kỹ thuật tạm thời sau phiên giảm liền trước.

Phiên giao dịch cuối cùng của tuần – phiên ngày thứ 6, lực bán duy trì trên HOSE suốt trong phiên tuy nhiên lực cầu giá thấp vận động tích cực hơn đã giúp cả 2 sàn giảm bớt tín hiệu bi quan về xu hướng. Áp lực giảm sâu chỉ diễn ra trong khoảng 1 giờ sau phiên khớp lệnh mở cửa nhưng thanh khoản rất thấp. Sang đến phiên chiều, dòng tiền bắt đầu vận động tích cực hơn tại các Bluechips và có dấu hiệu lan tỏa dần về cuối phiên.Ba cổ phiếu VHM, MSN và HNG là những Bluechips hút dòng tiền tích cực giúp nâng đỡ VN-Index. Ở chiều ngược lại, các trụ cột như GAS, VIC, VNM, PLX …. lại trở thành gánh nặng của chỉ số. Sau mức biến động lớn của phiên sáng thì VN-Index đóng cửa chỉ còn co hẹp mức giảm về 5,11 điểm.

Theo các chuyên gia FPTS, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm điểm tuy nhiên thông qua việc theo dõi biến động, dường như tâm lý chung của đa số NĐT là không hoảng loạn mà thay vào đó là lực cầu đang có những dấu hiệu hoạt động mạnh hơn tại vùng giá thấp. Về kỹ thuật, tín hiệu xu hướng vẫn giữ ở mức trung lập và tuần giao dịch kế tiếp được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng để xác nhận vùng đáy mới của chỉ số.

Theo đó, nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ với các mã đang có thông tin cơ bản hỗ trợ và chờ đợi tín hiệu gia tăng tỷ trọng nếu kịch bản tăng được xác nhận trong tuần tới. Ngưỡng Fibonacci Retracement 61,8% tương ứng với vùng 935 – 938 tiếp tục giữ vai trò hỗ trợ trong trường hợp những rung lắc tái diễn.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đang khá lớn, tương ứng đạt 142.373 hợp đồng.

2. TTCK thế giới biến động trái chiều

Các chỉ số chứng khoán của Mỹ biến động hỗn loạn trong tuần qua. Các công ty chiếm khoảng 14% vốn hóa thị trường của S&P500 đã công bố báo cáo thu nhập trong tuần. Báo cáo thu nhập quý 3 của các doanh nghiệp hầu như đều tích cực, nhưng nhà đầu tư vẫn lo ngại về kinh tế vĩ mô và chính trị toàn cầu.

Chỉ số S&P500 đóng cửa ở 2.767 điểm (tăng 0,1%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.444 điểm (tăng 0,4%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.449 điểm (giảm 0,3%). Fed tuần qua cho biết họ vẫn kiên định với tốc độ tăng lãi suất hiện tại. Dữ liệu kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn tích cực khi sản xuất công nghiệp tháng 9 tốt hơn dự kiến, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhất lịch sử.

[Điểm nóng TTCK tuần 15/10 – 21/10] Chứng khoán Việt nỗ lực hồi phục không thành, TTCK thế giới biến động trái chiều - Ảnh 2.

Biến động chỉ số DJIA từ đầu năm

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng biến động khá mạnh sau tuần lễ. Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.049 điểm (tăng 0,7%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.553 điểm (tăng 0,3%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.084 điểm (giảm 0,2%).

Các cổ phiếu đã chịu áp lực bán mạnh khi sự bế tắc của Ý với EU về vấn đề ngân sách tăng lên. Những sự kiện khác, như khả năng Brexit "cứng" và quyết định của Tây Ban Nha yêu cầu các ngân hàng phải trả thuế thế chấp, cũng khiến thị trường phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, các báo cáo thu nhập doanh nghiệp quý 3 tích cực đã hỗ trợ tốt cho tâm lý của nhà đầu tư.

Chứng khoán của Nhật Bản cũng chịu áp lực giảm điểm trong tuần qua. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.532 điểm (giảm 0,72%). Chỉ số TOPIX Index cũng giảm điểm và đóng cửa ở 1.692 điểm (giảm 0,6%). Vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đồng yên đứng ở mức 112,53 yên / đô la Mỹ. Tuần qua, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết xuất khẩu của Nhật giảm 1,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước; đó là sự suy giảm đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2016.

Các nhà phân tích tin rằng các mối lo ngại chiến tranh thương mại đã làm giảm số lượng các chuyến hàng đến Mỹ và Trung Quốc và có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý 3. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ sự không hài lòng với thặng dư thương mại trị giá 69 tỷ USD của Nhật Bản với Mỹ - và đã yêu cầu đàm phán song phương để giải quyết tình trạng này.

Đáng chú ý nhất, là chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm điểm khá mạnh trong tuần, chạm mức thấp nhất 4 năm, trước khi hồi phục vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi các quan chức tài chính hàng đầu của nước này đã phát biểu trấn an nhà đầu tư.

Nguyên nhân chính được cho là sự lo lắng của nhà đầu tư trước căng thẳng thương mại với Mỹ và các bằng chứng về sự tăng trưởng chậm lại trong nước. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.550 điểm (giảm 2,1%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.561 điểm (giảm 0,9%). Đồng Nhân dân tệ (CNY) chạm mức thấp nhất trong gần hai năm qua vào thứ năm, gây lo ngại tỷ giá sẽ sớm phá vỡ ngưỡng 7 CNY cho mỗi đô la Mỹ.

Theo Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên