MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 23/09 – 29/09] VN-Index nỗ lực chinh phục mốc 1.000 điểm, chứng khoán thế giới đồng loạt giảm

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index đã nỗ lực hồi phục giữa sóng gió thị trường thế giới…

1.TTCK Việt Nam nỗ lực đảo chiều tăng điểm tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index đã nỗ lực hồi phục. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa tăng lên tiệm cận sát ngưỡng 1.000 điểm, dừng ở mức 997,84 điểm và HNX-Index chốt phiên ở 104,77 điểm.

[Điểm nóng TTCK tuần 23/09 – 29/09] VN-Index nỗ lực chinh phục mốc 1.000 điểm, chứng khoán thế giới đồng loạt giảm - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây


VN-Index đã có một tuần hồi phục so với tuần liền kề trước đó. Cùng với sự khởi sắc của nhóm ngân hàng chung, các Bluechips như FPT, REE, VNM,VCB, MWG,…cũng đồng loạt hồi phục giúp đà tăng thị trường được củng cố vững chắc. Trong đó, nổi bật là VNM với mức tăng ấn tượng gần 7% và đóng góp đến hơn 4 điểm vào đà tăng của VN-Index.

Theo các chuyên gia VDSC, nhịp hồi phục của VN-Index vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. VN-Index tiếp tục tăng điểm và hướng về gần vùng kháng cự 1000 điểm. Chỉ báo kỹ thuật MACD và RSI hồi phục trở lại vùng đỉnh gần.

Điều này cho thấy mặc dù thất bại trước vùng 1000 điểm trong thời gian gần đây nhưng VN-Index vẫn được hỗ trợ và tiếp tục thử thách tại vùng này thêm lần nữa. Hiện tại, động lực tăng điểm của chỉ số vẫn còn, thể hiện qua các chỉ báo kỹ thuật, nhưng vùng 1000 điểm (biên trên của mô hình tam giác) vẫn đang đóng vai trò là vùng cản quan trọng của VN-Index. Do đó, tạm thời chỉ số sẽ giằng co thăm dò tại vùng 1000 điểm trong 1-2 phiên tới.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 72.392 hợp đồng.

2. TTCK Thế giới tiếp tục tuần giảm điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần, do các biến động của môi trường chính trị chi phối tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.820 điểm (giảm 0,12%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.939 điểm (giảm 2,06%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2961 điểm (giảm 0,74%).

Tuần qua các diễn biến về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cũng có những tác động không nhỏ. Vào thứ ba sau khi Tổng thống Donald Trump phát biểu trước Liên Hợp Quốc, cáo buộc Trung Quốc về ăn cắp tài sản trí tuệ và cho biết rằng Mỹ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận bất lợi với Trung Quốc. Thị trường sau đó tiếp tục giảm điểm sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xác nhận chính thức một cuộc điều tra đối với Tổng thống Trump.

Các thị trường chứng khoán ở châu Âu trừ Anh Quốc đã giảm nhẹ trong tuần, do dữ liệu kinh tế yếu và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng trên toàn khu vực. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.426 điểm (tăng 1,12%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.380 điểm (giảm 0,42%).

Đồng euro mất 1,2% so với đồng đô la Mỹ. Chỉ số PMI của khối eurozone đã giảm xuống mức tồi tệ nhất trong gần bảy năm, với 45,6 điểm trong tháng 9. Trong đó PMI sản xuất của Đức đã giảm xuống còn 41,4 trong tháng 9, mức tệ nhất trong hơn một thập kỷ. Sự suy yếu cũng được nhìn thấy trong lĩnh vực dịch vụ, với PMI giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng.

Trong tuần thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm, với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.878 điểm (giảm 1,14%). Đồng yên đóng cửa ở mức 108,15 yên/đô la Mỹ. Các số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản đã giảm ở mức nhanh nhất kể từ tháng 2 do suy thoái kinh tế toàn cầu và lo ngại về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo báo cáo của Reuters, PMI của Nhật Bản đã giảm xuống 48,9 trong tháng 9. Các yếu tố khác cũng làm tổn thương các nhà sản xuất Nhật Bản bao gồm cả mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian qua, cũng như việc tăng thuế tiêu thụ sắp tới áp dụng vào tháng Mười.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã ký một thỏa thuận thương mại có hiệu lực vào đầu năm 2020. Thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc giảm thuế đối với nông nghiệp và các hàng hóa khác của Mỹ trong khi cho phép miễn thuế mặt hàng kỹ thuật số giữa hai nước . Trong khi khả năng thuế quan của Mỹ đối với ô tô của Nhật Bản không được giải quyết, hai nước dự kiến ​​sẽ bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại mở rộng hơn vào cuối năm 2020.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm vì thiếu động lực tích cực cho các nhà đầu tư. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.932 điểm (giảm 2,2%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.954 điểm (giảm 1,92%). Tuần qua, Trung Quốc báo cáo rằng lợi nhuận tại các công ty công nghiệp đã giảm trong tháng 8, trong bối cảnh sản xuất suy giảm giá hàng hóa giảm.

Đây là một thước đo quan trọng cho nhu cầu công nghiệp ở Trung Quốc, là điều đáng lo ngại đối với Bắc Kinh, bất chấp các biện pháp nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế chậm lại.

Lê Hằng

Trở lên trên