MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 25/06 - 01/07] Chứng khoán Việt ảm đạm , TTCK thế giới thiếu tích cực

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, VN-Index phục hồi đảo chiều, tuy nhiên các tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn đang cảnh báo rủi ro khả năng chỉ số sẽ còn sụt giảm về điểm số trong diễn biến tuần kế tiếp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần lễ ảm đạm. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới đi qua một tuần lễ giao dịch không mấy tích cực…

1. TTCK Việt Nam trải qua tuần lễ "ảm đạm"

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ ảm đạm khi chỉ số VN-Index đã có sự sụt giảm đáng kể tới 2,28% so với tuần lễ trước đó.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 960,78 điểm (giảm 2,28%) và HNX-Index chốt phiên ở 106,17 điểm (giảm 5,19%). Đi theo xu hướng tuần liền trước, thị trường trong phiên giao dịch mở đầu tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt giảm điểm trong những phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cũng chứng kiến sự sụt giảm về mặt thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.

[Điểm nóng TTCK tuần 25/06 - 01/07] Chứng khoán Việt ảm đạm , TTCK thế giới thiếu tích cực - Ảnh 1.

Ngay trong những phiên mở cửa tuần mới, thị trường trở lại không mấy khả quan khi VN-Index đã thu hẹp đà tăng. Mở đầu phiên giao dịch, chỉ số tăng điểm khá mạnh tại nhóm VN30 cho thấy tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư. Thông tin Nga và OPEC sẽ không tăng sản lượng đã tạo đà tăng cho nhóm dầu khí. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực cầu yếu dần, khiến đà tăng của các cổ phiếu lớn bị thu hẹp lại. Thanh khoản phiên giao dịch đầu tuần đang ở mức khá thấp.

Dường như tín hiệu xu hướng của những phiên sau đó vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cần thiết. Thanh khoản thấp cùng mức chênh hẹp giữa giá mở và đóng cửa khiến cho trạng thái giằng co, đi ngang vẫn giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, dấu hiệu chững lại của nhiều nhóm ngành dẫn dắt như tài chính, bất động sản chính là nguyên nhân lí giải cho nhịp rung lắc xuất hiện trong những phiên tiếp đó của tuần lễ.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, VN-Index phục hồi đảo chiều, tuy nhiên các tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn đang cảnh báo rủi ro khả năng chỉ số sẽ còn sụt giảm về điểm số trong diễn biến tuần kế tiếp. Về phân lớp cổ phiếu, nhóm Bluechips vẫn đang tiếp tục phân hóa mạnh. Đây có thể là nguyên nhân khiến dòng tiền vẫn tiếp tục do dự đứng ngoài khiến lực cầu không được cải thiện.

Một phần tâm lý do dự có thể đến từ áp lực bán ròng của nhà đầu tư ngoại tái diễn trong phiên và tập trung tại cổ phiếu trụ cột thị trường là VIC. Tuần giao dịch qua cũng chứng kiến hoạt động bán mạnh trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn của VN30 mỗi khi các chỉ số thị trường hồi phục trên mốc tham chiếu.

Theo các chuyên gia FPTS nhận định, nhà đầu tư nên quan sát, theo dõi thị trường và việc mua bán của khối ngoại. Hạn chế tối đa việc sử dụng margin trong giai đoạn này. Đối với các cổ phiếu đang nắm giữ sẵn trong danh mục thì nên tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc quản trị rủi ro trong trường hợp thị trường nối tiếp diễn biến xấu hơn trong thời gian tới.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch rất sôi động, đánh dấu mốc thanh khoản kỉ lục của thị trường phái sinh. Trong khi dòng tiền chảy vào thị trường cơ sở còn đang khá dè dặt thì tại thị trường phái sinh, các hoạt động mang tâm lý hứng khởi chủ yếu đến từ các vị thế long- short tranh đấu luân phiên mạnh mẽ.

Trước sự điều chỉnh của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh short lao vào chiến đấu với khối lượng cực lớn. Lượng giữ lệnh qua đêm cũng tăng lên đáng kể. Dù xu hướng chính tuần qua là giảm điểm nhưng với các nhịp rung lắc nhanh, mạnh diễn ra khá nhiều trong phiên đi cùng biên độ giá nới vô cùng rộng đã giúp cho hoạt động trading trong ngày trải qua nhiều cảm xúc hồi hộp theo từng phút.

So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng cao đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp trong tuần của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 580.542 hợp đồng – một con số kỉ lục đánh dấu cột mốc thanh khoản của thị trường phái sinh.

2. TTCK thế giới đi qua một tuần không mấy "tích cực"

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận sự sụt giảm điểm số trong tuần qua. Chỉ số S&P500 đóng cửa 2.718 điểm (giảm 0,9%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.271 điểm (giảm 0,78%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.510 điểm (giảm 1,6%). Các cổ phiếu ngành năng lượng đã tăng điểm tốt nhất khi giá dầu chạm mức cao nhất trong bốn năm qua.

Nhóm các cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng thiết yếu bị tụt dốc, xuống thấp hơn bởi các nhà khai thác thuốc trong bối cảnh lo ngại rằng việc Amazon mua lại hãng thuốc trực tuyến có ​​thể dẫn đến cạnh tranh về giá và lợi nhuận của các công ty trong ngành sẽ thấp hơn.

Hôm thứ Hai, chỉ số S&P500 chịu mức giảm tồi tệ nhất trong gần ba tháng qua, và chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa dưới mức trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ sau sự kiện Brexit năm 2016. Những lo ngại về chiến tranh thương mại tiếp tục là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới Phố Wall.

Các chỉ số chủ chốt của châu Âu bị suy giảm bởi nguy cơ về thương mại toàn cầu và những cuộc tranh luận chính trị về nhập cư. Khối lượng giao dịch giảm đáng kể vào đầu tuần là một dấu hiệu về sự do dự của nhà đầu tư về hướng đi của thị trường. Kết thúc tuần chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.636 điểm (giảm 0,6%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.306 điểm (giảm 1,53%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.323 điểm (giảm 0,5 %).

Cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm trong hầu hết các phiên giao dịch trong tuần, mặc dù họ đã phục hồi nhẹ vào cuối tuần. Các nhà phân tích đang lưu ý rằng cổ phiếu ngành ngân hàng châu Âu đang giao dịch ở mức P/E thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2016. Cổ phiếu các hãng ô tô cũng giảm điểm trong khi các cổ phiếu năng lượng tăng điểm.

Chứng khoán Nhật giảm điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9% và đóng cửa ở mức 22.304 điểm vào thứ Sáu. Chỉ số TOPIX Index cũng giảm khoảng 1% trong tuần, đóng cửa ở mức 1.730 điểm. Đồng yên suy yếu nhẹ và đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu ở mức 110,7 yên/đô la Mỹ. Kinh tế Nhật Bản đón nhận một tin tốt trong tuần qua là tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống 2,2% trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 1992.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Tỷ lệ việc làm/ứng viên nhích lên tới 1,60 (mức cao nhất kể từ đầu năm 1974), có nghĩa là có 160 việc làm cho mỗi 100 người tìm việc. Vào thứ Hai, một trận động đất 6,1 độ richter xảy ra tại Osaka, một khu vực công nghiệp trọng điểm và thành phố đông dân thứ ba của Nhật Bản, khiến nhiều người chết, bị thương và nhiều nhà máy đóng cửa. Tuy nhiên không có thiệt hại đáng kể nào được ghi nhận tại các cơ sở hạt nhân gần đó. Một số nhà kinh tế ước tính rằng trận động đất có thể sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản khoảng 183,5 tỷ yên.

Các chỉ số chính của chứng khoán Trung Quốc đều giảm điểm mạnh trong tuần. Chỉ số Shanghai Composite mất 1,93% trong tuần mặc dù đã tăng mạnh hôm thứ sáu sau khi Chính phủ chính thức tuyên bố sẽ tiếp tục mở cửa thị trường đối với đầu tư nước ngoài. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.955 điểm (giảm 1,27%).

Tháng Sáu là tháng tồi tệ nhất đối với chứng khoán Trung Quốc trong hơn hai năm qua. Lo ngại về một cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư Trung Quốc. Vào ngày 24/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho hầu hết các ngân hàng 0,5 điểm phần trăm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay.

Đây là lần cắt giảm RRR thứ ba của năm 2018. Các nhà phân tích hy vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục ổn định trừ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trở nên tích cực hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc cắt giảm RRR và sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể góp phần gây áp lực giảm đáng kể đối với đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này đã giảm 3,4% so với đô la Mỹ, chạm mức thấp nhất trong sáu tháng. Dường như đây đang là tháng tồi tệ nhất của đồng nhân dân tệ trong gần 20 năm qua.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên