MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 29/10 – 04/11] Chứng khoán Việt nỗ lực phục hồi, TTCK thế giới đồng loạt tăng mạnh

Những tín hiệu cùng sự vận động của dòng tiền trên sàn HOSE phản ánh lực cầu chủ động đang cố gắng củng cố và giành lại được sự tự tin chi phối thị trường.

1. Thị trường chứng khoán Việt Nam nỗ lực phục hồi

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường đang có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số VN-Index bất ngờ bứt phá trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần lễ. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 924,86 điểm (+2,67%) và HNX-Index chốt phiên ở 105,75 điểm, (+3,89%) so với tuần liền trước đó.

Trong phiên giao dịch thứ 2 đầu tuần, tâm lý tiêu cực tiếp tục chi phối phiên đầu tuần 29/10. Chốt phiên, Chỉ số VN-Index đánh mất 12 điểm và xuống còn 888,82 điểm, vùng giá nơi có sự tiệm cận khu vực đáy cũ tháng 7. Những nỗ lực cân bằng trong phiên này mặc dù đều có xuất hiện nhưng khá yếu và vẫn không lôi kéo được dòng tiền đang đứng ngoài quan sát.

[Điểm nóng TTCK tuần 29/10 – 04/11] Chứng khoán Việt nỗ lực phục hồi, TTCK thế giới đồng loạt tăng mạnh - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 3 tháng qua

Điểm đáng lưu ý tiếp theo là trong 2 phiên giao dịch tiếp theo sau đó, đà tăng xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 30/10 và 31/10 đã giúp thị trường tạm ngắt chuỗi giảm điểm liên tiếp. VN-Index trở lại tái lập tại mốc 914,76 điểm. Hai cổ phiếu trụ cột là VCB, BID và VHM tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ tâm lý trong những phiên này. Rõ ràng tâm lý nhà đầu tư đã rõ ràng và tích cực hơn phiên liền trước.

Dòng tiền dường như đã có sự lan tỏa cả sang các Bluechips khác có sức mạnh thị trường lớn hơn như CTG, PVD, VJC, VRE…Những tín hiệu cùng sự vận động của dòng tiền trên sàn HOSE phản ánh lực cầu chủ động đang cố gắng củng cố và giành lại được sự tự tin chi phối thị trường.

Đáng nói hơn cả yếu tố mang tới bất ngờ được đẩy lên trong 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần lễ mang 2 sắc màu đối ngược. Tâm lý thận trọng quay lại trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 phiên ngày thứ 5. Chốt phiên, chỉ số VN-Index đảo chiều giảm 6,80 điểm và lùi về 907,96 điểm.

Quán tính tăng giá từ phiên trước chỉ duy trì trong nửa đầu phiên sáng, thị trường sau đó quay lại trạng thái suy yếu. Tuy nhiên ngay phiên giao dịch ngày thứ 5, VN-Index đã lấy lại sắc xanh hồi phục.

Theo các chuyên gia FPTS, kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư về thị trường chung được đánh giá là xuất phát từ tin tức căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để ngỏ khả năng được "xoa dịu" trong thời gian tới.

Sự vận động luân phiên của dòng tiền trong nhóm cổ phiếu trụ cột là cơ sở căn bản để VN-Index hình thành pha tăng điểm mới. Những cổ phiếu được chúng tôi đề cập về khả năng thu hút dòng tiền trong 03 phiên vừa qua sẽ là tiêu điểm để nhà đầu tư theo xu hướng theo dõi nhằm tìm kiếm cơ hội phù hợp với chiến lược lướt sóng.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động quá lớn khi VN-Index liên tiếp "chao đảo" xung quanh khu vực 900 điểm, tạo cơ hội cũng cho vị thế long - short giao dịch tranh đấu trong phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đang rất lớn, tương ứng đạt 165.768 hợp đồng (tăng 6% so với tuần liền trước đó).

2. Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng mạnh

Các chỉ số chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng vững chắc trong tuần, giúp thị trường lấy lại sự cân bằng sau một khoảng thời gian dài biến động mạnh. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.723 điểm (tăng 2,45%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.270 điểm (tăng 2,36%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.356 điểm (tăng 2.64%).

Trong các nhóm ngành, ngành vật liệu cho thấy dấu hiệu tích cực nhất, trong khi các cổ phiếu dịch vụ tiện ích bị tụt dốc. Cổ phiếu ngành công nghệ cũng kém hiệu quả, nhất là trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu. Một số nguồn tin cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị các phương án đối với Trung Quốc sau cuộc họp sắp tới giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina.

[Điểm nóng TTCK tuần 29/10 – 04/11] Chứng khoán Việt nỗ lực phục hồi, TTCK thế giới đồng loạt tăng mạnh - Ảnh 2.

Chứng khoán Châu Âu quay đầu tăng điểm trong tuần qua. Chỉ số FTSE 100 đóng cửa ở 7.094 điểm (tăng 2.23%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.518 điểm (tăng 2,84%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.102 điểm (tăng 2,72%).

Tuy nhiên, tháng 10 vẫn là tháng tồi tệ nhất của chứng khoán châu Âu kể từ tháng 1 năm 2016. Thị trường chứng khoán châu Âu đã tăng trở lại vào giữa tuần, khi thị trường Mỹ tăng điểm và sự giảm bớt căng thẳng của thương mại toàn cầu đã thúc đẩy tâm trạng nhà đầu tư lạc quan hơn. Đồng bảng Anh tăng lên so với đô la Mỹ sau khi có các báo cáo mới rằng thỏa thuận Brexit dự kiến đã đạt được, và Ngân hàng Anh (BOE) có một lập trường nghiêng về khả năng tăng lãi suất trong tương lai.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng hồi phục trong tuần qua, khi chỉ số Nikkei 225 Stock Average đóng cửa ở mức 22.243 điểm (tăng 5.0%). Kết quả đạt được đã chấm dứt chuỗi bốn tuần giảm điểm liên tiếp của chỉ số. Vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đồng Yên đóng cửa ở mức 112,93 Yên đổi 1 USD. Sau cuộc họp chính sách của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) vào ngày 30–31 tháng 10, họ đã thông báo sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại của mình. BoJ cũng cắt giảm dự báo lạm phát, với mức dự báo lạm phát tiêu dùng cốt lõi sẽ là 1,5% trong năm tài chính 2020.

Các chỉ số thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ đã tăng trở lại sau khi có tin tức rằng Tổng thống Trump muốn đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề thương mại vào cuối tháng này. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 26.486 điểm (tăng 7,16%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 2.676 điểm (tăng 3%). Vào thứ Năm và thứ Sáu, đồng nhân dân tệ tăng mạnh, sau khi đạt mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua so với đồng đô la Mỹ vào đầu tuần.

Tuy nhiên ngoài vấn đề chiến tranh thương mại, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với các vấn đề khác như những dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng nhanh hơn dự kiến của nền kinh tế. Tuần qua chỉ số PMI tháng 10 chỉ đạt 50,2 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên