MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Diễn biến phức tạp, liệu lạm phát cuối năm có "nổi loạn"?

Quý III đã chứng kiến những diễn biến phức tạp hơn của chỉ số giá tiêu dùng, theo thông tin của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sáng 17/10.

Báo cáo của CIEM cho biết CPI giảm 0,09% trong tháng 7, sau đó tăng lần lượt 0,45% và 0,59% trong các tháng 8 và 9 so với tháng trước. CPI bình quân tăng 4,14% trong quý III và 3,57% trong 9 tháng đầu năm.

Lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm là có, theo CIEM. Tuy nhiên, cơ quan nghiên cứu này nhận định khả năng đạt mục tiêu lạm phát cả năm bình quân 4% là không nhỏ.

Lạm phát cơ bản hiện tương đối ổn định ở mức thấp. Bình quân 9 tháng, lạm phát cơ bản ở mức 1,41% so với cùng kỳ năm trước, tăng rất ít so với bình quân 6 tháng và bình quân 3 tháng đầu năm.

Như vậy, điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng không làm tăng áp lực đối với lạm phát.

Phân tích của CIEM cho thấy trong 9 tháng đầu năm, CPI chủ yếu chịu tác động từ các nhân tố bao gồm:

- Tăng giá nhóm hàng lương thực - thực phẩm, đặc biệt là từ tháng 6. Đến tháng 9 đã tăng 4,96% so với tháng 12/2017 và tăng 5,17% so với cùng kỳ năm 2017

- Tăng giá nhóm dịch vụ công theo lộ trình của y tế, giáo dục

- Xu hướng tăng giá xăng dầu thế giới dẫn tới điều chỉnh giá xăng dầu trong nước

- Điều chỉnh kỳ vọng lạm phát nếu Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Trong khi đó, mặc dù có nhiều khó khăn hơn trong điều hành tỷ giá, tác động truyền tải từ giá thế giới đối với mặt bằng giá Việt Nam dường như chưa nhiều.

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng được CIEM nhắc đến. Đơn vị này cho biết hiện hành động này chưa có tác động trực tiếp ngay với mặt bằng giá năm 2018.

Dù vậy, việc điều chỉnh này cũng có một số bất cập. Thứ nhất, CIEM cho rằng hành động điều chỉnh diễn ra khá cứng nhắc, không tính toán đến bối cảnh giá dầu thế giới tăng và tác động giúp tăng thu NSNN từ dầu thô.

Thứ hai, CIEM cũng nhận định giải trình về việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường nói riêng và các khoản thu khác cho NSNN còn thiếu đầy đủ, thiếu hợp lý.

Thứ ba, việc điều chỉnh này kéo theo tác động "chi phí đẩy" đối với lạm phát, làm giảm dư địa cho chính sách tiền tệ trong việc điều hành lãi suất và tỷ giá trong quý IV/2018 và đầu năm 2019.

Vấn đề này CIEM nhận định là đáng lưu ý khi không ít dự báo cho rằng CPI vẫn sẽ chịu tác động đáng kể từ xu hướng giá cả trong nước hay từ yếu tố bên ngoài.

Áp lực tăng giá trong quý cuối năm vẫn lớn, phía công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá. Theo đó, rủi ro lớn nhất đối với chỉ số CPI trong 3 tháng cuối năm, đơn vị này cho rằng vẫn chủ yếu đến từ nhóm hàng giao thông và hàng ăn, dịch vụ ăn uống.

Cụ thể như việc giá dầu thô thế giới đang tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ chỉ gây áp lực lên nhóm hàng giao thông nói riêng mà còn liên đới, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các nhóm hàng khác, đặc biệt là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Hay đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ CPI, diễn biến sẽ rất khó lường, đặc biệt trong quý cuối năm do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ lớn.

Theo đánh giá của Bảo Việt, các chương trình bình ổn giá thường chỉ có tác dụng nhất định và hạn chế cho một nhóm nhỏ các mặt hàng, tại các khu vực cụ thể. Nhân tố sâu xa hơn ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trên thị trường chính là độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đã liên tục ở mức khá cao 16-18% trong giai đoạn 2013-2017 có thể đã tích tụ đủ những rủi ro và hiện là thời điểm bắt đầu tác động rõ nét lên lạm phát.

Tuy nhiên, dù có nhiều diễn biến khó lường, nhưng quan điểm của Chứng khoán Bảo Việt, tương tự CIEM, cho rằng mục tiêu lạm phát của Việt Nam dưới 4% vẫn đạt được.

Ở kịch bản trung bình với xác suất xảy ra cao nhất, đơn vị này dự báo CPI cuối quý IV sẽ có mức tăng 1,3% so với cuối quý III. Qua đó, CPI vào cuối năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái sẽ tăng 4,5% và lạm phát trung bình cho cả năm 2018 sẽ tăng 3,74%.

Ở kịch bản tiêu cực, các con số lần lượt sẽ ở mức 5,2% và 3,9%. Ở kịch bản tích cực, các mức lạm phát này sẽ lần lượt ở mức 3,9% và 3,6%.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên