MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Diễn biến sản xuất mía đường lạ lùng của Thái Lan và tác động gì đến Việt Nam?

Trong 120 quốc gia có ngành công nghiệp mía đường, Thái Lan được coi là nước có diễn biến sản xuất – tiêu thụ kỳ lạ nhất khi giá đường thế giới ngày càng giảm, nhưng lượng sản xuất của Thái Lan tăng chóng mặt, với 70% dành cho xuất khẩu, ông Antoine Marriot, chuyên gia nghiên cứu mía đường người Pháp chỉ ra.

Ông Antoine Marriot cho biết giá đường đã đạt đỉnh trong giai đoạn 2010 – 2011. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, giá đường thế giới cơ bản xuông thấp. "Về bản chất, tất cả các nước sản xuất đường đều lỗ", ông nhận định và liệt kê những cái tên quen thuộc trong ngành như Thái Lan, Brazil.

"Nhìn chung mức giá hiện nay đang ở mức dưới trung bình của nhiều năm. Đối với Brazil, giá còn cao hơn giá trung bình nên vẫn còn sản xuất được. Các nước có giá thành xấp xỉ giá bán thì có thể giảm chi phí để duy trì ngành, khi giá đường lên sẽ khôi phục rất nhanh. Còn một số nước đã chuyển sang cây trồng khác", ông Antoine phân tích.

Nhưng ông Antoine cũng chỉ ra một điểm lạ trong ngành sản xuất đường của Thái Lan. Thông thường, việc sản xuất tuân theo quy luật cung cầu nhưng Thái Lan đang làm ngược lại. "Giá đường thế giới giảm nhưng nước này vẫn tìm đủ mọi cách để tăng sản xuất", ông nói và nhận định đây là điểm bất thường.

Với những số liệu có được, ông Antoine cho biết Chính phủ Thái Lan đã trợ cấp cho ngành đường nước này, và hành động đó đang và sẽ gây hại cho các nước khác. Ấn Độ cũng đã có động thái tương tự.

"Hành động tăng xuất khẩu của các nước này không nhằm mục đích giá mà để giành lấy thị phần thế giới", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2015, Thái Lan sản xuất 100 triệu tấn đường và đặt mục tiêu tăng them 15 triệu tấn nữa trong bối cảnh thị trường đường đang lao dốc về giá. 3 năm sau, sản lượng nước này đạt 130 triệu tấn, tăng 30%. Con số này là rất lớn nếu so sánh với nhu cầu sử dụng đường tại Việt Nam, chỉ 2 triệu tấn/năm.

Mặt khác, nhờ được Chính phủ trợ cấp nên giá đường của Thái Lan đang thấp hơn nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Những điều này đặt ngành đường Việt Nam vào thế khó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp bước vào cánh cửa hội nhập. Với việc thực thi Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ được xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu. Đường Thái Lan, với chính sách như đã kể trên, sẽ tràn ngập thị trường nội địa. Mặt khác, đường Thái Lan cũng thường xuyên nhập lậu vào các nước, tác động tiêu cực lên thị trường.

Theo ông Antoine, việc đường Thái Lan chiếm lĩnh thị trường, vượt mặt Brazil không phải do năng lực cạnh tranh của nước này cao mà chủ yếu do họ không tuân thủ luật chơi.

"Úc là đất nước sản xuất đường hiệu quả nhất nhưng suốt thời gian qua có tăng được đâu. Họ tuân thủ quy luật của thị trường", ông nói.

Vị chuyên gia này cho rằng ngành đường Việt Nam đã đạt được những thành tựu tốt, do vậy, không nên cho người nông dân, doanh nghiệp trong ngành chịu thiệt thòi ngay trên sân nhà vì những hành vi không tuân thủ luật.

Thừa nhận khi Việt Nam càng hội nhập, việc kiểm soát sẽ càng khó nhưng chuyên gia này cho rằng đó là điều bắt buộc phải làm.

"Các bạn phải hành động ngay lập tức nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp, nông dân trên cánh đồng mía, nếu không cái chết sẽ xảy ra rất nhanh", ông nhấn mạnh. "Hội nhập nhằm khuyến khích thương mại nhưng không thể gây hại cho thị trường. Không phải chúng ta không thực hiện cam kết nhưng phải đảm bảo trên cơ sở cân bằng và ổn định".

Hà Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên