MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện than lên ngôi và 93% công suất đến từ nhiệt điện, PV Power (POW) sẽ "bật sáng" trong năm 2019?

19-12-2018 - 16:54 PM | Doanh nghiệp

Cơ hội hiện hữu, song PV Power lúc nào cũng phải đối mặt với rủi ro thiếu khí, từ đó gây áp lực giảm sản lượng điện. Cùng với đó, sản lượng tại các nhà máy điện cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết.

Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa ra quyết định chấp thuận niêm yết cho Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam – PV Power (POW) sau 9 tháng giao dịch trên UpCOM. Trên thị trường trải qua đợt lao dốc mạnh, đến nay cổ phiếu POW bắt đầu chuỗi ngày hồi phục, hiện giao dịch tại mức 14.900 đồng/cp.

Điện than lên ngôi và 93% công suất đến từ nhiệt điện, PV Power (POW) sẽ bật sáng trong năm 2019? - Ảnh 1.

Giao dịch POW thời gian qua.

Về PV Power, tiền thân là Công ty TNHH MTV trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tháng 12/2017, PV Power thực hiện IPO và chuyển đổi mô hình thành CTCP. Kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất điện năng, PV Power hiện là nhà sản xuất điện thứ hai cả nước với thị phần phát điện chiếm 9,6%. Công ty đang vận hành 4 dự án nhà máy nhiệt điện khí là Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2 với tổng công suất là 2.700 MW. Lợi thế các nhà máy này được đặt tại các tỉnh miền Nam, địa bàn có nhu cầu tiêu thụ lớn và thường xuyên thiếu điện, kết quả chi phí tiêu hao trong quá trình truyền tải của PV Power thấp hơn so với các đơn vị khác.

Ngoài ra, PV Power cũng thực hiện đầu tư hai thủy điện lớn có hồ chứa là Hủa Na (180 MW) tại Nghệ An và Đắk Đrink (125 MW) tại Quảng Ngãi. Cuối năm 2015, PV Power nhận bàn giao nhiệt điện than Vũng Áng 1 (1.200 MW) từ PVN. Toàn bộ sản lượng điện được bán cho Tổng Công ty Mua bán Điện (trực thuộc EVN). Sản lượng điện hằng năm ước tính ở mức 24 tỷ kWh điện/năm.

Dự tăng trưởng mạnh trong năm 2019

Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2018, PV Power đạt doanh thu thuần 24.789 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận gộp 3.456 tỷ đồng, giảm 7,8% trước áp lực:

(i) sản lượng điện tăng chậm (chỉ tăng 3% so với cùng kỳ) do tình trạng thiếu than và thiếu khí;

(ii) trong năm 2017, PV Power ghi nhận lợi nhuận đột biến 1.000 tỷ do EVN trả

cho nhiệt điện Vũng Áng 1 do không huy động hết Qc trong năm 2017.

Ngoài ra, trong kỳ Công ty chịu lỗ chênh lệch tỷ giá 447 tỷ, tăng mạnh so với cùng kỳ dấn đến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 21% về mức 1.412 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay nợ ngoại tệ lớn (EUR, USD) và rủi ro tỷ giá là hai yếu tố gây áp lực lớn trực tiếp đến lợi nhuận Công ty.

Mặt khác, sau chuyển đổi thành CTCP, khoản tạm trích lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 PV Power phải nộp về EVN là 1.656 tỷ, gây áp lực dòng tiền phải trả trong ngắn hạn, ghi nhận bởi Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS).

Điện than lên ngôi và 93% công suất đến từ nhiệt điện, PV Power (POW) sẽ bật sáng trong năm 2019? - Ảnh 2.

Kinh doanh giảm nhiệt là vậy, song trong vòng 2 năm tới, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ước tính tăng 10%/năm trong khi công suất phát điện chỉ tăng 4,7%/năm, EVN sẽ phải tăng huy động các nhà máy điện sẵn có để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ; và với công suất chủ lực thiên về nhiệt điện, PV Power dự sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2019.

2019 là năm của nhiệt điện than

Chi tiết, thị trường điện Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, theo đó giá điện thị trường dự kiến đạt đỉnh 5 năm. Như đã đề cập, tiêu thụ điện sẽ tăng trưởng ở mức 10%/năm giai đoạn 2018-2020, và để đáp ứng nhu cầu đó công suất phát điện phải tăng 4.000-5.000 MW/năm, tuy nhiên tiến độ triển khai nhiều dự án điện chậm, chưa kể công suất ước đưa vào vận hành trong 2 năm đến chỉ đạt từ 40-50% so với nhu cầu.

Ngay cả dự phòng điện nước ta bình quân 3 năm qua cũng chỉ đạt 10%, thấp hơn mức 25-40% của các nước trong khu vực và mức đề xuất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) là 25-30%. Nhu cầu điện ngày càng tăng trong khi nguồn phát điện tăng chậm chỉ 5%/năm khiến dự phòng điện ngày càng giảm.

Trong bối cảnh này, sản lượng thủy điện lại dự báo giảm khoảng 10 tỷ kWh trong năm 2019, khi mà hiện tượng El nino diễn ra từ tháng 11/2018 với xác xuất từ 60-70% sẽ kéo dài sang năm 2019 khiến lượng mưa giảm đáng kể trên tất cả các khu vực.

Điện than lên ngôi và 93% công suất đến từ nhiệt điện, PV Power (POW) sẽ bật sáng trong năm 2019? - Ảnh 3.

Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Kết quả là, thị trường đòi hỏi phải tăng huy động từ các nhà máy nhiệt điện hiện tại thêm 15% sản lượng, đồng thời chủ trương tăng huy động nhiệt điện than. Cuối tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Than Khoáng sản đã có chỉ đạo ưu tiên cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện miền Nam (bao gồm nhiệt điện Vũng Áng 1 của PVPower. Năm 2019, Tập đoàn than khoáng sản đạt mục tiêu cung cấp ít nhất 32 triệu tấn than cho nhiệt điện than (tăng 10%) nhằm đảm bảo đủ nhu cầu than cho nhiệt điện.

Với tỷ trọng nhóm nhiệt điện chiếm 93% công suất phát điện, PV Power kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn trong năm 2019, KIS cho biết, ước sản lượng điện của các nhà máy Nhơn Trạch 1&2 sẽ tăng trưởng 6%, Vũng Áng 1 tăng trưởng 18%. Tổng chung lại, sản lượng của PV Power ước đạt 24 tỷ kWh, tức 12% so với năm nay.

Rủi ro thiếu khí

Cơ hội hiện hữu, song PV Power lúc nào cũng phải đối mặt với rủi ro thiếu khí, từ đó gây áp lực giảm sản lượng điện. Cùng với đó, sản lượng tại các nhà máy điện cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Ghi nhận, khả năng cấp khí của các mỏ khí trong năm 2018 có dấu hiệu suy giảm, dẫn đến sản lượng khí tự nhiên cung cấp trong 9 tháng đầu năm 2018 đi ngang dù nhu cầu phát điện từ nhóm nhiệt điện khí tăng mạnh.

Mặc dù điểm sáng là cuối năm 2018, mỏ Phong Lan Dại sẽ đi vào hoạt động (công suất 500 triệu m3/năm) sẽ gia tăng nguồn cung tại cụm khí Đông Nam Bộ thêm 6% trong năm 2019. Song, ước tính sản lượng của nhiệt điện Nhơn Trạch 1&2 cũng chỉ tăng thêm 6%, KIS nhận định.

Điện than lên ngôi và 93% công suất đến từ nhiệt điện, PV Power (POW) sẽ bật sáng trong năm 2019? - Ảnh 4.

Nguồn: KIS Việt Nam tổng hợp.

Từ năm 2020 trở đi sẽ có thêm mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt và Sư Tử Trắng giai đoạn 2 gia tăng sản lượng khí 10%/năm đảm bảo bù lại phần thiếu hụt và tăng khả năng phát điện trong trung hạn. Sau 2021, sản lượng khí tự nhiên sẽ giảm đi đáng kể và đòi hỏi nguồn khí từ các mỏ mới hoặc LNG nhập khẩu.

Riêng năm 2019, KIS dự phóng doanh thu PV Power đạt 36.363 tỷ, tăng 7,7% và lợi nhuận gộp ước đạt 6.458 tỷ đồng, tăng hơn 46% do tăng trưởng chính từ Nhiệt điện Cà Mau 1&2 và Nhiệt điện Vũng Áng.

KIS cho biết thêm, áp lực lỗ tỷ giá và chi phí lãi vay tại PV Power sẽ giảm dần qua thời gian, với giả định tỷ giá trượt 2%/năm, lỗ tỷ giá trong năm 2019 ước tính tại mức 364 tỷ đồng (giảm 68% so với năm nay) và chi phí tài chính cũng giảm hơn 245 về 1.269 tỷ. Tương ứng, lợi nhuận ròng trong năm 2019 của PV Power sẽ tăng trưởng tốt, ước đạt 4,058 tỷ, tăng gần 75%.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên