MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điệp khúc hàng lậu ở Móng Cái ngày cuối năm

31-12-2016 - 11:54 AM | Thị trường

Tàu ghe tấp nập ra vào, “cửu vạn” hối hả bốc vác từng thùng hàng to kềnh, chằng lên xe máy hoán cải, vít ga chạy thẳng lên đường cái, ngược vào thành phố... Đó là điệp khúc của hàng lậu bên bờ sông Ka Long, Móng Cái, Quảng Ninh những ngày cuối năm này.

Trận địa hàng lậu

Những ngày cuối tháng 12/2016, phóng viên Tiền Phong có mặt tại địa bàn biên giới TP Móng Cái (Quảng Ninh) khu vực giáp thành phố Đông Hưng (Trung Quốc). Khu vực Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng du khách và cư dân biên giới qua lại tấp nập.

Tại đây, dễ dàng thấy nạn buôn lậu nóng nhất tập trung ở khu vực đường biên 2 bên cánh gà Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Ka Long, các bến tự phát khu vực đường biên Vàng Lầy, dọc sông biên giới từ km số 1 đến Km số 4, khu vực Lục Lầm.

Chỉ dẫn của một tài xế xe ôm trước bến xe khách Móng Cái, trong vai hành khách du lịch, chúng tôi tiến vào khu vực dọc sông biên giới từ Km số 1 đến 4 (thuộc các phường Ka Long, Hải Yên). Dọc các ngã tư thuộc đường Tuệ Tĩnh, Khúc Thừa Dụ, Lê Hữu Trác đi xuống bờ sông Ka Long (thuộc Km số 1 và 2 phường Ka Long), khá nhiều “chim mồi” mặc quần áo dân sự, đầu đội mũ cối, luôn thường trực trên tay bộ đàm và điện thoại canh gác, cảnh giới không cho người lạ ra vào. Lợi dụng lúc sơ hở, chúng tôi cuốc bộ nhanh theo đường Tuệ Tĩnh tiến sát bờ sông Ka Long.

Khi chỉ còn cách chốt biên phòng khoảng 100m lập tức có người đàn ông to cao, mặc áo khoác đen, đội mũ cối đi ra hỏi: “Các anh vào đây có việc gì”. “Bọn em vào tham quan du lịch dọc bờ sông” – tôi đáp. Người này liền vẫy tay xua đuổi: “Đây là khu vực quân sự, mời các anh ra ngoài”, rồi “áp tải” chúng tôi quay ra lại khu vực dân cư sinh sống và điện đàm về báo: “Ra ngoài rồi nhé”.

“Lượn lờ” ra khu vực bến xe một lúc rồi quay lại “mai phục” đầu đường Tuệ Tĩnh, chúng tôi bắt gặp liên tiếp từng nhóm khoảng 3-4 xe máy hoán cải chở hàng cồng kềnh, lao thoăn thoắt ra đường Hùng Vương, ngược vào khu trung tâm chợ Móng Cái.

Ngày hôm sau, chúng tôi làm sổ thông hành, đi sang TP Đông Hưng. Ở hai đầu cửa khẩu có thể bắt gặp hàng loạt cư dân biên giới, “cửu vạn” tay xác nách mang những túi hàng, thùng hàng. Men theo sông Ka Long bên phía Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy những tường rào được xây dựng kiên cố, cao 3 - 5m kèm dây thép gai và chốt biên phòng dày đặc. Dọc các con đường nhánh ven sông, rất nhiều xe tải dừng đỗ để tập kết hàng hóa. Trời giá rét nhưng các “cửu vạn”, trong đó có cả người Việt đều cởi trần, hùng hục vác những bao tải gạo, thùng hàng chất lên xe tải. Số khác đang cặm cụi ăn cơm hộp, mì tôm để tiếp tục “chiến đấu”. Hầu hết các xe chở hàng đều tập kết về chợ mậu dịch Đông Hưng, chuyển lên các ghe tàu rồi đưa sang Móng Cái.

Tình trạng vượt biên trái phép, tuồn hàng lậu qua biên giới vào nội địa “nóng” tại khu vực đường biên 2 bên cánh gà Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Móng Cái, Ka Long, các bến tự phát khu vực đường biên Vàng Lầy, dọc sông biên giới từ km số 1 đến km số 4 (phường Ka Long, Hải Yên) khu vực Lục Lầm (phường Trần Phú, Hải Hòa), TP Móng Cái (Quảng Ninh). Dù có lực lượng biên phòng và liên ngành hải quan, quản lý thị trường, công an... cùng phối hợp đấu tranh song hàng lậu vẫn “có cửa” tuồn vào nội địa. Nóng nhất là khu vực dọc sông biên giới tại km số 1 và số 2 (thuộc phường Ka Long).

Cứ Tết, lại diễn biến phức tạp

Trong suốt quãng thời gian “thập diện mai phục”, với chiếc máy quay siêu zoom, toàn bộ cảnh tập kết hàng hóa, qua mắt lực lượng biên phòng tuồn vào nội địa hiện rõ mồn một trước mắt chúng tôi.

Cụ thể hơn, đập vào mắt chúng tôi, ngoài hết ghe tàu này đến ghe tàu khác, tấp nập cập bờ thì luôn có hàng chục cửu vạn trai tráng cần mẫn như đàn kiến chuyển từng kiện hàng từ dưới sông xếp lên xe máy. Bám theo một số xe chở hàng, chúng tôi tận thấy hàng lậu được tập kết quanh khu vực chợ số 3 (đường Triều Dương) và chợ Vinh Cơ mới (đường Hoàng Quốc Việt), cùng thuộc phường Trần Phú. Từ đây, hàng hóa được phân loại, xé lẻ đưa lên các xe container, xe tải, xe khách đi về các tỉnh.

Ông Đoàn Thế Thăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Móng Cái cho biết, trên địa bàn thành phố có Ban chỉ đạo 389 thành phố, thường trực là Đội Kiểm soát Hải quan số 1, thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh chủ trì công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Lực lượng hải quan chủ yếu làm nhiệm vụ trong khu vực cửa khẩu và trạm kiểm soát liên hợp, tuyến biên giới chủ yếu do lực lượng bộ đội biên phòng quản lý, bên trong nội địa do lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường...

Hàng lậu tập kết về khu vực chợ số 3, đường Triều Dương, phường Trần Phú, TP Móng Cái.
Hàng lậu tập kết về khu vực chợ số 3, đường Triều Dương, phường Trần Phú, TP Móng Cái.

Theo ông Thăng, do đường biên giới trải dài hơn 70km, nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào các dịp lễ, Tết, vì lợi nhuận kinh tế nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm đa dạng, nhiều chủng loại, trong đó có các mặt hàng đáng lưu ý như vũ khí, công cụ hỗ trợ, ma túy, thuốc lá điếu, pháo nổ, động vật hoang dã, than, xăng dầu, hàng giả, hàng nhái... Đối tượng buôn lậu thường theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, thuê người vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tập kết vào các nhà dân lân cận hoặc dùng xe máy vận chuyển nhỏ lẻ vào nội địa tiêu thụ, giấu trên xe khách (chạy tuyến Móng Cái đi Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...), hoặc một số xe tải thùng kín, xe con để giấu hàng trong các hầm, thành vách được gia cố tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Ông Đoàn Tuấn Anh, Đội phó Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) cho biết thêm, tình trạng buôn lậu nóng nhất là khu vực đường biên Vàng Lầy, dọc sông biên giới từ km số 1 đến km số 4 (phường Ka Long, Hải Yên). Tại khu vực này, đội bố trí 6 cán bộ chiến sĩ phối hợp với lực lượng biên phòng, quản lý thị trường, công an...tăng cường tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, có những khu vực quân sự như tại km số 1 chỉ có lực lượng thuộc Đồn biên phòng số 7 chốt chặn, lực lượng hải quan cũng không được bước vào nếu không có phận sự.

Theo ông Đoàn Tuấn Anh, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả,...trong năm 2016 có phần giảm hơn so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường công tác quản lý biên giới, tuần tra kiểm soát 24/24h. Dọc tuyến biên giới, cứ mỗi điểm cách nhau khoảng 50-100m, họ lại bố trí 1 chốt trực canh gác nhằm kiểm tra, ngăn chặn, kiểm soát và bắt giữ các mặt hàng của Việt Nam xuất theo loại hình tạm nhập - tái xuất, kho ngoại quan như thuốc lá điếu, rượu, hàng đông lạnh... và các hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Cùng với đó, nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng ở nước ta từ Trung ương tới địa phương như Bộ Công an, Công an tỉnh, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường...

Xử lý nghiêm nếu có sai phạm

Sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên liên hệ làm việc với lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Đồn Biên phòng số 7) để xác minh thông tin.

Tuy nhiên, Trung tá Lê Văn Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng số 7 từ chối ngay: “Theo quy chế phát ngôn của ngành, các báo Trung ương khi đến liên hệ công tác cần có giấy giới thiệu của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Cục Chính trị, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sau đó lãnh đạo Đồn mới dám phát ngôn”.

Trả lời câu hỏi: “Có hay không thực trạng buông lỏng quản lý, để hàng lậu từ Trung Quốc tuồn lên khu vực trước trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng số 7 vào nội địa tiêu thụ”, Trung tá Lê Văn Tú khẳng định: “Việc kiểm tra hàng hóa thuộc trách nhiệm của hải quan, lực lượng biên phòng chỉ quản lý người và phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới”. Nói xong, ông Tú xin phép không trao đổi nữa.

Trái lại, khi được xem qua những hình ảnh hàng lậu hoạt động tấp nập ở bờ sông Ka Long, dọc đường biên từ km số 1 đến số 2, và tình trạng hàng lậu ngang nhiên đi qua trạm biên phòng số 7, Thượng tá Lê Xuân Men - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ yêu cầu đơn vị kiểm tra, báo cáo lại.

Theo Nhóm PV

Tiền phong

Trở lên trên