MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điệp khúc 'lúa rớt giá' trở lại: Làm gì để nông dân bớt khổ?

20-02-2019 - 16:16 PM | Thị trường

Vì sao lúa đông xuân 2018-2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào tình trạng ảm đạm? Làm sao để giảm bớt khó khăn trong tiêu thụ ở giai đoạn trước mắt hiện nay?

Xuất hiện thách thức mới

Trái ngược với cảnh hân hoan vì trúng giá, được mùa trong vụ lúa đông xuân 2017-2018, bước sang vụ đông xuân 2018-2019 này, hàng loạt khó khăn đã xuất hiện, trong đó, lớn nhất là giá lúa giảm, tiêu thụ khó khăn…

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ cuối 2018, giá lúa tươi IR50404 tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2-2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài OM 504 giảm còn 4.500 đồng/kg.

Nguyên nhân được đánh giá do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12-2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.

Ông Nguyễn Đình Bích , chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo cho rằng, thực trạng nêu trên đã thể hiện đúng tình hình hiện nay, đó là đầu ra của ngành lúa gạo hiện đang rất khó khăn.

Cụ thể, ông Bích dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, khó khăn hiện nay là vấn đề chung của các nước xuất khẩu, chứ không riêng Việt Nam. Bởi dù thế giới tiếp tục không được mùa (giảm gần 4 triệu tấn), nhưng sản lượng vẫn ổn định vì dự trữ tăng mạnh (đạt gần 162 triệu tấn). Trong khi thương mại thế giới không có đột biến, chỉ tương đương như năm 2018, tức đạt 45 triệu tấn.

Theo ông Bích, trong các nước xuất khẩu gạo, thì Việt Nam là khó nhất vì Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam - tiếp tục thắt chặt nhập khẩu. Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu gạo với Việt Nam vẫn tiếp tục cố gắng chiếm lĩnh thị trường này với khối lượng lớn, vì vậy khả năng “đẩy” gạo Việt Nam vào Trung Quốc là khó khăn.

Còn với các thị trường Đông Nam Á chủ yếu (Philippines, Malaysia, Indonesia), thì khả năng Indonesia sẽ không tiếp tục nhập khẩu gạo trong năm 2019. Trong khi đó Philippines lại không có thay đổi gì nhiều so với năm 2018.

“Như vậy, với 4 thị trường nhập khẩu gạo ở châu Á chủ yếu của Việt Nam (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines), mà có 2 thị trường khó khăn (Trung Quốc và Indonesia), thì chắc chắn Việt Nam gặp khó”, ông nhận định và cho rằng việc thương lái không mua lúa của nông dân hiện nay đã phản ánh đúng triển vọng ấy.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, một vị đại diện của Tổng công ty lương thực miền Bắc ( Vinafood 1) với tư cách cá nhân đã nhận định, giá lúa gạo năm 2018 tăng mạnh là rơi vào chu kỳ 5 năm mới có 1 năm tăng mạnh do nhu cầu đột biến, trong khi các nước nhập khẩu theo nhu cầu thật sự.

Tuy nhiên, bước sang năm 2019, sự đột biến như năm 2018 đã không còn, dẫn đến cung vượt cầu làm giá lúa giảm.

Mua tạm trữ chỉ là giải pháp trước mắt

Ông Phạm Thái Bình , Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho rằng, để giúp ngành lúa gạo vượt qua giải đoạn khó khăn trước mắt hiện nay không còn cách nào khác, Chính phủ phải thực hiện thu mua tạm trữ.

“Trước mắt, trong vụ đông xuân 2018-2019 này, chỉ có can thiệp của Chính phủ mới giúp giải quyết được khó khăn này thôi”, ông nói và giải thích sở dĩ doanh nghiệp hiện nay không dám mua vào vì đầu ra khó khăn, trong khi về khả năng tài chính để mua tạm trữ lâu, thì doanh nghiệp không đáp ứng nổi.

Điệp khúc lúa rớt giá trở lại: Làm gì để nông dân bớt khổ? - Ảnh 1.

Trước thực tế lúa gạo rớt giá ở Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương như TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp… phải họp “nóng” để tìm giải pháp thu mua lúa gạo cho nông dân. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019.

Chiều 19-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về tình hình lúa gạo xuống giá ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần việc gì có lợi cho người dân thì cố gắng làm và nêu rõ, các biện pháp đưa ra là biện pháp thị trường bình thường chứ không phải phi thị trường.

Nhà nước không can thiệp vào thị trường để bảo đảm hoạt động thị trường bình thường, theo quy luật giá trị. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là làm sao người dân có lợi ích tốt nhất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật cho phép.

Để giải quyết vấn đề giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ mặc dù người nông dân vẫn có lãi (nhưng mức lãi rất thấp), Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm”, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.

Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, nhất là khi chúng ta tham gia một số hiệp định thương mại mới gần đây trên cơ sở chất lượng gạo của Việt Nam được đánh giá không kém gì bất kỳ gạo ở nước ngoài.

“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”, Thủ tướng nêu rõ.

Do vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để gạo chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo có thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ cập. Đây là một trong giải pháp căn cơ để hạt lúa không mãi lập lại điệp khúc "giải cứu".

Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải có biện pháp xóa bỏ các khâu trung gian, bảo đảm công khai, minh bạch; cần nắm kỹ tình hình, có cơ chế đề xuất, báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp tránh bị động, không để tình trạng trung gian ép giá.

Tinh thần Chính phủ phục vụ người dân, "được mùa nhưng không rớt giá", "đồng tâm hiệp lực để đời sống người nông dân tốt hơn".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc



Theo Miền Tây

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên