MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điêu đứng vì bị giật hụi 120 tỉ đồng

25-08-2018 - 08:07 AM | Xã hội

Vì tin lời một phụ nữ, hàng trăm hộ dân ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã gom hết tiền bạc, thế chấp giấy tờ nhà đất để cho vay và bị giật hụi với số tiền lên đến 120 tỉ đồng

Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang thu thập tài liệu để mở rộng điều tra vụ án cho vay tài chính dẫn đến vỡ nợ, xảy ra tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hàng trăm hộ dân đã bị một phụ nữ giật hụi với số tiền lên đến 120 tỉ đồng.

Chồng phải tự tử chết

Theo thông tin xác minh ban đầu, bà Hoàng Thị Khanh (SN 1961; ngụ thôn Phấn Động, xã Tam Đa, huyện Yên Phong) đứng ra làm chủ hụi, huy động vốn từ anh em, bà con họ hàng và người dân trên địa bàn xã Tam Đa. Mỗi người cho bà Khanh vay lấy lãi từ hàng chục triệu đồng đến cả tỉ đồng, có trường hợp lên đến 5 tỉ đồng. Sau đó, từ ngày 5-8, bà Khanh tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn.

Làm việc với Công an huyện Yên Phong, bà Khanh khai nhận đứng tên vay với tổng số tiền 120 tỉ đồng, sau đó cho bà Trần Thị Bích (ngụ thôn Đại Lâm, xã Tam Đa) vay lại để lấy lãi. Tuy nhiên, qua đối chiếu sổ sách, lời khai của bà Bích thì bà Bích chỉ vay của bà Khanh 17 tỉ đồng.

Điêu đứng vì bị giật hụi 120 tỉ đồng - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Nguyễn Mạnh T. lo lắng vì vỡ hụi 2 tỉ đồng Ảnh: Minh Tuấn

Những ngày qua, sau khi hay tin bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, nhiều người đã đến nhà bà Khanh gây sức ép. Không có khả năng chi trả, cộng với sức ép lớn của các chủ nợ, ngày 21-8, ông Trần Văn Tr. (SN 1959, chồng bà Khanh) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử và tử vong sau đó.

Ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, cho biết bà Khanh vay của người dân từ nhiều năm nay nhưng… không thông báo chính quyền địa phương. Qua xác minh của xã, nhiều người còn thế chấp cả giấy tờ nhà đất để lấy tiền cho bà Khanh vay. "Sau khi sự việc xảy ra, hơn 30 người mới trình báo vụ việc. Tuy nhiên, lực lượng chức năng nhận định có hàng trăm hộ đã cho vay một lượng tiền mặt rất lớn"- ông Tôn nói.

Cho vay bằng niềm tin

Cuộc sống yên bình của người dân xã Tam Đa đang bị xáo trộn nghiêm trọng trước vụ vỡ hụi gây chấn động này.

Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, bà Trần Thị S. (53 tuổi, ngụ xã Tam Đa) cho biết gia đình bà đã cho bà Khanh vay 650 triệu đồng. Trước đây, bà S. từng cho bà Khanh vay mỗi lần mấy chục triệu đồng, lãi suất 20% đến 30%, cứ đến tháng được trả đầy đủ. Vì tin tưởng, cách đây 1 năm, bà S. gom vốn của vợ chồng và con gái cho bà Khanh vay với số tiền lớn nói trên. "Chị Khanh nói vay tiền để hùn vốn kinh doanh gỗ với một phụ nữ khác. Lúc chị Khanh phá sản, tôi hỏi thì chị ấy bảo gỗ buôn mất hết rồi, nghe xong tôi chết điếng người và chỉ biết khóc. Giờ tôi chỉ biết trách mình chứ không hy vọng gì nữa" - bà S. nghẹn ngào.

Vì tin lời bà Khanh, ông Nguyễn Mạnh T. thế chấp giấy tờ nhà đang ở để vay tiền ngân hàng rồi cho bà Khanh vay gần 2 tỉ đồng. Gia đình bà Hoàng Thị Th. cho bà Khanh vay với số tiền còn nhiều hơn, lên đến 3,1 tỉ đồng. Số tiền này là khoản tích cóp sau nhiều năm vất vả lao động của hai vợ chồng bà Th., cộng với tiền góp vốn làm ăn của một số người thân trong gia đình. "Do chưa sử dụng tiền ngay và bà Khanh sang hỏi mượn, hứa ít ngày sẽ trả nên tôi cho vay mà không kèm theo điều kiện gì. Đến ngày hẹn trả, tôi sang đòi thì bà Khanh không chịu trả và sau đó tuyên bố phá sản" - bà Th. bức xúc. Từ lúc xảy ra sự việc, vợ chồng bà Th. lục đục, cãi vã thường xuyên.

Theo nhiều người dân địa phương, trước kia, vợ chồng bà Khanh làm nghề giết mổ lợn, sau đó chuyển sang buôn gỗ, ván dăm. Bà Khanh luôn trả lãi đúng hạn nên được nhiều người tin tưởng, không ngần ngại mang toàn bộ tài sản cho vay.

Đòi tiền bằng cách nào?

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết chơi hụi là một trong những giao dịch dân sự có tính chất hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Trong trường hợp có tranh chấp thì hai bên giải quyết bằng thương lượng hoặc khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. "Nếu trong quá trình giải quyết vụ việc mà các bên không thể thỏa thuận được thì tòa án có quyền ra quyết định về thời hạn cũng như số tiền trả nợ. Trường hợp chủ hụi không có tiền mặt để trả nợ thì tòa án có quyền kê biên tài sản khác như nhà, đất… để thực hiện nghĩa vụ trả nợ" - luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, hiện nay, việc cho vay mượn tiền trong cộng đồng bị biến tướng thành các hoạt động cho vay nặng lãi, huy động vốn trái pháp luật với nhiều rủi ro pháp lý. Trong trường hợp vỡ hụi, nạn nhân nên làm đơn trình báo sự việc tới cơ quan công an để được giải quyết; tránh tụ tập đông người, đập phá tài sản, bắt giữ người và đòi nợ trái pháp luật.


Theo Nguyễn Hưởng - Minh Tuấn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên