MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì đằng sau quyết định đổi mã chứng khoán STB và chuyển niêm yết Sacombank về sàn Hà Nội của ông Dương Công Minh?

Thị trường chưa từng có tiền lệ đổi mã chứng khoán nếu không hình thành pháp nhân mới. Theo quy định của Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD), mã chứng khoán đã được VSD cấp sẽ không được thay đổi trừ trường hợp Tổ chức phát hành hủy đăng ký chứng khoán.

Chiều ngày 10/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB ) gây bất ngờ cho thị trường chứng khoán khi công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch. Theo đó, ngân hàng dự kiến đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM và hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển sang sàn HNX.


Diễn biến giá cổ phiếu STB trong 6 tháng qua.

Diễn biến giá cổ phiếu STB trong 6 tháng qua.

Đây quả thực là quyết định kỳ lạ nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Thứ nhất, thị trường chưa từng có tiền lệ đổi mã chứng khoán nếu không hình thành pháp nhân mới. Theo quy định của Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD), mã chứng khoán đã được VSD cấp sẽ không được thay đổi trừ trường hợp Tổ chức phát hành hủy đăng ký chứng khoán.

Đối với Sacombank, ngân hàng này sẽ thực hiện theo các bước: Hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); hủy đăng ký, niêm yết STB tại HoSE; Đăng ký chứng khoán SCM tại VSD và sau cùng là niêm yết SCM trên Sàn giao dịch Hà Nội HNX.

Theo quy định của VSD, việc huỷ bỏ đăng ký đối với chứng khoán tại VSD được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Chứng khoán đăng ký hết hiệu lực lưu hành.
- Chứng khoán của các công ty đại chúng đã đăng ký tại VSD nhưng không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và có yêu cầu huỷ đăng ký.
- Tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tự nguyện huỷ đăng ký chứng khoán.

Sacombank không rõ sẽ hủy đăng ký chứng khoán theo dạng nào.

Các trường hợp đổi mã chứng khoán từng xảy ra là do hợp nhất các doanh nghiệp tạo thành một pháp nhân khác, ví dụ như CTCK Hải Phòng đổi từ mã HPC thành HAC sau khi hợp nhất với chứng khoán Á Âu tạo thành một công ty mới dù vẫn giữ tên gọi ban đầu.

Thứ hai, các doanh nghiệp chuyển sàn từ trước đến nay, nếu không phải trường hợp “rớt hạng” từ HOSE/HNX xuống UpCom thì đều chọn chuyển từ HNX sang HOSE để nâng cao thương hiệu doanh nghiệp và có nhiều cơ hội để các tổ chức uy tín lựa chọn đầu tư. Sacombank làm ngược lại.

Ngay khi động thái ngược đời của Sacombank được công bố, giới đầu tư đã xôn xao bình luận về những điều sẽ xảy ra đối với cổ phiếu này nếu chuyển về sàn Hà Nội. Dễ thấy nhất chính là việc STB sẽ không còn đủ điều kiện nằm trong danh mục của quỹ FTSE ETF do quỹ này chỉ lựa chọn cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE. Hiện tại, STB đang chiếm tỷ trọng 3,08% trong danh mục của FTSE ETF.

Nhiều quỹ cũng có tiêu chí chỉ đầu tư vào các cổ phiếu trên HOSE, họ sẽ không còn lựa chọn STB.

Tương tự, với việc không nằm trong VN30, STB cũng không thể có mặt trong danh mục của các quỹ đầu tư chỉ số dựa trên VN30. Như vậy, cổ phiếu của Sacombank sẽ đối mặt với việc bị các quỹ nói trên bán ra nếu chuyển sang sàn HNX.

Liệu đây có phải là quyết định kém sáng suốt của Chủ tịch HĐQT mới Dương Công Minh?

Một doanh nhân giàu kinh nghiệm thương trường như ông Minh thường không quyết định làm điều gì mà không tính toán kỹ càng. Ông Minh nói đổi mã chứng khoán để thoát khỏi hoàn toàn cái bóng cũ. Dù chưa biết Sacombank giải quyết chuyện hủy đăng ký chứng khoán và đổi mã chứng khoán như thế nào, nhưng việc chuyển sang sàn Hà Nội và khiến cổ phiếu gặp áp lực bán, có lẽ không hoàn toàn chỉ mang lại điều tiêu cực cho ông chủ này. Việc các quỹ bán STB tạo ra cơ hội thu gom cổ phiếu (có thể là giá thấp) để tập trung quyền lực hơn, hoặc ít ra cũng bớt đi tiếng nói từ các cổ đông tổ chức (vốn hay nêu ý kiến trái chiều) đối với những nội dung trình cổ đông của ngân hàng.

Ông Dương Công Minh nổi tiếng với phát ngôn: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình tôi là người quyết định thôi. Và người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi”. Áp dụng quan điểm quản trị này đối với ngân hàng có hàng vạn cổ đông như Sacombank có lẽ khó hơn đối với Him Lam hay LienvietPostbank, nơi ông Minh và các cá nhân, tổ chức liên quan nắm tỷ lệ sở hữu lớn.

Mới đây, ông Minh đã mua 18 triệu cổ phiếu STB để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 3%.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên