MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì khiến cổ phiếu nắm giữ kỷ lục về thị giá trên TTCK Việt Nam tăng gấp rưỡi trong 3 tháng đầu năm 2017?

28-03-2017 - 07:20 AM | Doanh nghiệp

Năm 2007, cổ phiếu BMC có thời điểm leo lên mức giá 847.000 đồng và trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường, bỏ xa những tên tuổi đình đám xếp sau như SJS, FPT, DHG… Cho đến thời điểm hiện nay, TTCK Việt Nam vẫn chưa hề ghi nhận trường hợp nào có thị giá lớn hơn BMC năm 2007.

Cách đây 10 năm, CTCP khoáng sản Bình Định (BMC) là một trong những cái tên “hot” nhất nhì trên sàn chứng khoán Việt Nam. Khi đó, BMC có thời điểm leo lên mức giá 847.000 đồng và trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường, bỏ xa những tên tuổi đình đám xếp sau như SJS, FPT, DHG… Cho đến thời điểm hiện nay, TTCK Việt Nam vẫn chưa hề ghi nhận trường hợp nào có thị giá lớn hơn BMC năm 2007.

Cổ phiếu BMC đang nắm giữ kỷ lục về thị giá trên TTCK Việt Nam

Cổ phiếu BMC đang nắm giữ kỷ lục về thị giá trên TTCK Việt Nam

Có thể nói, đà tăng giá của BMC thời kỳ đó có nguyên nhân đến từ việc dòng tiền đổ vào TTCK quá lớn trong khi hàng hóa trên sàn còn ít, dẫn tới giá cổ phiếu tăng mạnh. Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của BMC cũng rất cô đặc càng khiến cho cổ phiếu dễ tăng giá.

Ngoài ra, một yếu tố thúc đẩy đà tăng của BMC còn bởi đây là doanh nghiệp khai thác quặng titan lớn nhất Bình Định. Trong quãng thời gian từ năm 2011 trở về trước, cơn sốt giá titan trên thị trường kéo theo kết quả kinh doanh của BMC tăng trưởng vượt trội và thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Đỉnh cao của hoạt động kinh doanh BMC cũng là năm 2011 – thời điểm giá titan đạt đỉnh và doanh nghiệp đạt hơn 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tuy vậy, kể từ năm 2012 trở đi, các doanh nghiệp sản xuất titan nói chung phải đối mặt với tình trạng giá titan giảm đáng kể. Số lượng tiêu thụ lẫn giá cả sản phẩm đều xuống rất thấp. Tại thời điểm cuối năm 2012, giá titan giảm hơn 60% so với đầu năm và kéo dài cho đến đầu năm 2016.

Bên cạnh đó, việc thuế môi trường gia tăng đối với hoạt động khai khoáng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn. Theo BMC, công ty đã phải cắt giảm 50% sản lượng so với trước đây để hạn chế áp lực hàng tồn kho ngày càng tăng. Ngoài ra, hoạt động khai thác của BMC chủ yếu vẫn chỉ dưới dạng khai thác thô, khó có thể đem lại biên lợi nhuận cao.

Báo cáo KQKD năm 2016 cho biết lợi nhuận BMC đạt được chỉ là 9,5 tỷ đồng, con số thấp nhất kể từ khi niêm yết trên TTCK đến nay. Kết quả cũng như triển vọng kinh doanh kém tích cực khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với BMC và thanh khoản cũng như giá cổ phiếu ngày càng sụt giảm. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BMC dao động quanh ngưỡng 15.000 đồng suốt năm 2016, giảm mạnh so với mức đỉnh cao gần 100.000 đồng năm 2007 (giá trước điều chỉnh là 847.000 đồng).

Lợi nhuận năm 2016 của BMC thấp nhất kể từ khi lên sàn

Lợi nhuận năm 2016 của BMC thấp nhất kể từ khi lên sàn

Sự trở lại của BMC cùng giá titan thế giới

Sau những năm tháng vật lộn trong khó khăn từ 2012 – 2016, cổ phiếu BMC đang dần trở lại trong thời gian gần đây. Kết thúc phiên giao dịch 27/3/2017, thị giá BMC đạt 22.500 đồng/cp, tăng gấp rưỡi so với giai đoạn đầu năm.

Việc cổ phiếu BMC bứt phá có nguyên nhân quan trọng từ việc giá titan thế giới đang phục hồi mạnh. Tại ngày 27/3, giá Ferro-titanium 30% tại Trung Quốc đã tăng 7% so với đầu năm và tăng 23% so với cách đây 1 năm. Tương tự, các sản phẩm khác như xỉ, quặng titan cũng hồi phục đáng kể trong thời gian gần đây.

Cổ phiếu BMC tăng gấp rưỡi so với đầu năm

Cổ phiếu BMC tăng gấp rưỡi so với đầu năm

Hiện tại, BMC đang có quyền khai thác vùng mỏ với diện tích 150 ha, trữ lượng 334.596 tấn khoáng sản (titan chiếm phần không nhỏ) và đây là tiền đề để công ty đẩy mạnh khai thác trở lại khi giá nguyên liệu đang có xu hướng phục hồi. Dù vậy, những vấn đề về thuế môi trường, xuất khẩu vẫn sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động khai thác của BMC.

Bên cạnh đó, mới đây BMC cũng chốt quyền chi trả cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2015 với tỷ lệ 4% và thông tin này phần nào cũng tác động tích cực tới giá cổ phiếu.

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên