MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều hành linh hoạt giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng

22-04-2020 - 14:36 PM | Thị trường

Giá xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lớn đến các chi phí đầu vào và mặt bằng giá cả trong nước cũng như tới mức lạm phát và túi tiền của người tiêu dùng. Vì vậy, điều hành linh hoạt giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng ở nước ta.

Giá dầu WTI (viết tắt của West Texas Intermediate - dầu thô sản xuất tại Mỹ, còn được gọi là dầu thô ngọt nhẹ của Texas) lần đầu tiên trong lịch sử đã xuống mức giá dưới 0 đồng.

Thời điểm đóng cửa thị trường ngày 20/4/2020, giá dầu thô WTI giao tháng 5 đã được chốt giá âm 37,63 USD/thùng và có thời điểm xuống mức âm 40 USD/thùng vào phiên giao dịch đêm 20/4/2020.

Hiện nay, giao dịch dầu thô trên thị trường gồm 3 loại: Thị trường tương lai, thị trường quyền chọn và thị trường giao ngay. Giá dầu âm nói trên thuộc thị trường tương lai, là giá hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020.

Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 21/4 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020. Khi đó, người mua hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu này hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất, bên mua phải thực hiện việc giao nhận và thanh toán tiền hàng thật, tốn thêm chi phí chuyên chở, kho bãi…

Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng này đã quyết định "bán tháo" với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên.

Như vậy, thực chất giá -37,63 USD/thùng (âm) là mức giá được giao dịch giữa các "nhà buôn" trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (nhà máy lọc dầu).

Hơn nữa, số lượng dầu giao dịch ở mức -37,63 USD/thùng này chỉ vào khoảng 600.000 thùng, một lượng không đáng kể trong tổng số giao dịch dầu mỏ của thế giới trung bình là khoảng 100 triệu thùng/ngày. Nghĩa là, giá âm không phản ánh giá mua-bán thời điểm thực tại của thị trường dầu mỏ thế giới…

Giá dầu hay giá xăng dầu của Việt Nam không chịu tác động từ giá dầu WTI của Mỹ mà vẫn căn cứ theo giá dầu Brent. Ngày 21/4, giá dầu Brent trên thị trường vẫn giao dịch ở mức trên 25 USD/thùng. Mặt khác, giá dầu WTI không ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm tại Singapore, trong khi giá xăng dầu trong nước lại sử dụng giá tham chiếu từ thị trường Singapore.

Ngoài ra, theo liên Bộ Tài chính-Công Thương, giá xăng RON 95 thành phẩm bình quân trên thế giới 15 ngày trước kỳ điều chỉnh 29/3/2020 là 25,668 USD/thùng. Như vậy, một lít xăng RON 95 nhập về cảng có giá gốc 0,16 USD, tương đương 3.827 đồng/lít.

Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu chỉ ra cơ cấu giá xăng phải "cõng" 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 20% (tương ứng 765 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 383 đồng), VAT 10% (tương ứng 383 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.

Ngoài ra, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (tối đa 300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (tại kỳ điều chỉnh 29/3 với xăng RON 95 là 1.150 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tổng của 4 sắc thuế và các loại phí là 8.031 đồng. Trong khi đó, mỗi lít xăng RON 95 hiện có giá bán lẻ trên thị trường là 12.560 đồng. Như vậy, tổng các khoản thuế, phí trong giá thành một lít xăng đã chiếm khoảng 64%, còn tính riêng các loại thuế chiếm 44%.

Hiện nay, hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng 70-80% nhu cầu trong nước. Nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến dầu thô từ mỏ Bạch Hổ - có chất lượng tốt và các mỏ khác trong nước như Rồng, Chim Sáo, Đại Hùng cùng một lượng nhỏ dầu nhập khẩu. Còn lọc dầu Nghi Sơn chế biến dầu thô nhập khẩu từ Kuwait.

Vì vậy, mức biến động của giá dầu WTI kể trên không làm ảnh hưởng nhiều đến giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu nhu cầu không cải thiện, dịch bệnh còn chưa được đẩy lùi thì giá xăng dầu vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.

Nhìn tổng thể, giá dầu mỏ thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm gắn với khủng hoảng kinh tế hoặc bị chính trị hóa. Song, sự sụt giảm giá dầu thế giới âm lần này là do dự cảm chênh lệch tổng cung lớn hơn tổng cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới sẽ kéo dài và đây là kết quả cộng hưởng của 2 sức ép: Cuộc chiến giá dầu và giành giật thị phần dầu mỏ giữa các nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất trên thế giới là OPEC, Nga (đại diện cho nguồn cung dầu mỏ khai thác theo công nghệ truyền thống) và Mỹ (đại diện cho nguồn cung mới từ công nghệ khai thác dầu khí đá phiến).  Đồng thời, đây còn là hệ quả trực tiếp của tổ  hợp các biện pháp phong tỏa  biên giới, cách ly y tế, cách ly và giãn cách xã hội, đóng băng hoặc thu hẹp các hoạt động kinh tế-xã hội gắn với đại dịch COVID-19, cả trên phạm vi quốc gia, cũng như quốc tế.

Giá xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lớn đến các chi phí đầu vào và mặt bằng giá cả trong nước cũng như tới mức lạm phát và túi tiền của người tiêu dùng. Vì vậy, điều hành linh hoạt giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng ở nước ta.

Dừng nhập khẩu xăng dầu: Cần thận trọng

Trước tình trạng giảm sâu giá xăng dầu thế giới, hôm 10/4, PVN có văn bản kiến nghị gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước sản xuất được để hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước, nhất là giảm tình trạng tồn kho tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Thiết nghĩ, việc đề nghị dừng nhập khẩu xăng dầu cần thận trọng vì việc giảm giá dầu mỏ thế giới không phải là xu hướng vững chắc xét về góc độ lợi ích kinh tế. Hơn nữa, giá xăng dầu thành phẩm bán lẻ trong nước hơn giá thế giới nhiều do có sự khác nhau về cơ cấu thành phần và chi phí khai thác, chế biến như đã nêu trên.

Đặc biệt, xăng dầu là tài nguyên không thể phục hồi, cần ưu tiên nhập khẩu khi giá rẻ, thay vì triệt để khai thác nguồn ít ỏi trong nước và buộc người tiêu dùng tiêu thụ theo giá cao.

Việt Nam là nước vừa xuất và vừa nhập khẩu xăng dầu, thường nhập nhiều hơn xuất. Việc dừng nhập khẩu xăng dầu không chỉ đi ngược nguyên tắc kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi, mà còn làm thiên lệch lợi ích, thiếu tính nguyên tắc và dễ tạo mảnh đất dung dưỡng quán tính thích bảo hộ một chiều kéo dài, ngại nghĩ và ngại cạnh tranh và có thể tạo tiền lệ chính sách tiêu cực về quản lý nhà nước; tạo áp lực nhân rộng các đòi hỏi tương tự cho các đơn vị và ngành khác trong thời gian tới, trong khi việc thực hiện chủ động hội nhập và các cam kết trong khuôn khổ các FTA thế hệ mới ngày càng sâu, rộng và nghiêm ngặt hơn...

Theo Nguyễn Minh Phong

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên