MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN than chống chuyển giá "bắn trượt": Sẽ báo cáo Chính phủ

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn cho rằng, không có chuyện nghị định trái luật; chỉ có vấn đề chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại và không có việc không thực hiện Nghị định của Chính phủ…

Liên quan đến Nghị định số 20/2017/NĐ -CP, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định khoản chi phí tài chính, tức là lãi vay ngân hàng quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Theo ông Nam, quy định này đặc biệt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, đặc biệt các tập đoàn quy mô lớn.

“Nếu áp dụng, mỗi năm các doanh nghiệp lớn phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng cho cơ quan thuế, nộp đúng không sao nhưng theo quan điểm của tôi khoản này là không đúng”, ông Nam nói.

DN than chống chuyển giá bắn trượt: Sẽ báo cáo Chính phủ - Ảnh 1.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, quy định tại khoản 3 điều 8, Nghị định 20 của Chính phủ về chống chuyển giá không phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.....

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, hiện các tập đoàn lớn đứng ra vay tiền và phân bổ vốn cho các công ty con để đầu tư nhưng nếu theo quy định này thì doanh nghiệp lớn không được trừ thuế.

“Tổng cục thuế và Bộ Tài chính giải thích là để chống chuyển giá, nhưng mục tiêu của chúng ta bắn trượt, bắn luôn cả quân ta, toàn bắn trúng doanh nghiệp trong nước. Quy định đó không phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Nam kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cần sửa đổi phù hợp và trong lúc chờ sửa cần tạm dừng áp dụng khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20.

Nói về câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) chia sẻ ví dụ trường hợp một doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Hà Nội nhưng phát triển bất động sản tại các địa phương khác.

“Ở một số địa phương, được nhà nước đã có chính sách quy hoạch phát triển, giá bất động sản ở những nơi này sẽ tăng lên, trong khi các nhà đầu tư lại có mong muốn đầu tư, gia tăng lợi nhuận ở những nơi này. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể “chèo lái” lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này lại phát sinh nhiều vấn đề nên các địa phương đòi hỏi có nguồn thu chính đáng, tránh “nước chảy chỗ trũng”. Ngân sách là của hơn 90 triệu dân không thể để doanh nghiệp “lái”. Cùng với tạo điều kiện qua luật thu nhập thuế thì việc khuyến cáo, ngăn chặn và tránh chuyển giá, tránh thuế là điều cần thiết. Do đó Nghị định 20 ra đời để quản lý vấn đề này”, ông Phụng nói.

Ở góc độ khác, ông Phụng cho rằng, hệ quả của chính sách trải thảm đầu tư những năm qua là có quá nhiều ưu đãi thuế suất theo từng vùng miền như miễn thuế 4 năm, giảm thuế 15-20%, các địa phương khác nhau ưu đãi thuế khác nhau, các doanh nghiệp có thể điều hành lợi nhuận qua các nguồn vốn vay ở từng địa phương, ví dụ Phú Quốc vẫn là huyện đảo Phú Quốc, ưu đãi thuế vẫn thấp. Do đó, Nghị định 20 là để giải quyết vấn đề này.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, với khoản 3 điều 8 Nghị định 20, doanh nghiệp được giới hạn chi phí lãi vay tính vào chi phí tính thuế không quá 20% lợi nhuận thực tế trước khi tính thuế và khấu hao. Do đó, quy định chỉ tiêu lợi nhuận lãi vay khi vay vốn là một trong những giải pháp công bằng để đảm bảo người vốn ít cũng như vốn nhiều có công bằng khi vào cùng thị trường, làm một dự án. Chúng ta cần 1 triệu doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phải bình đẳng và phát triển khỏe mạnh.

Đồng tình cần điều chỉnh như doanh nghiệp phản ánh, ông Phụng cho hay cần phải có số liệu cụ thể, ví dụ vốn thực bao nhiêu, áp vào 20% là bao nhiêu, sẵn sàng công khai minh bạch...

“Nghị định trái luật thì sẽ bị “tuýt còi” nên ở đây không có chuyện nghị định trái luật. Chỉ có vấn đề là chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại. Hai tuần nữa chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo lên Chính phủ về khoản 3 điều 8 Nghị định 20. Các doanh nghiệp cần khai bổ sung, khai điều chỉnh theo Nghị định 20 tránh bị phạt khai sai 20%, không có việc không thực hiện Nghị định của Chính phủ” - ông Phụng cho biết thêm.



Theo Minh Thư

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên