MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồ Tàu tốt với giá rẻ giật mình, "kèn cựa" hết thảy các đại gia Samsung hay Apple, công thức của Xiaomi là gì?

26-01-2020 - 18:07 PM | Thị trường

Từ một startup nhỏ của Trung Quốc, Xiaomi vươn mình thành hãng điện thoại có thị phần lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Samsung, Huawei và kém một chút so với Apple. Tính hết quý 2/2019, “hạt gạo nhỏ” của Trung Quốc đã giữ 9% thị phần smartphone toàn cầu, trong khi ông lớn thành lập hơn 40 năm là Apple cũng chỉ đạt mốc 10%.

Công thức "Ngon-bổ-rẻ" tưởng như thật khó tồn tại trong lĩnh vực công nghệ, nhưng Xiaomi đã làm được, và làm rất tốt. Với mức giá thấp trong khi cấu hình cao, Xiaomi tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ của mình. Dù nhiều điện thoại Trung Quốc khác đã gần tiệm cận với giá Xiaomi nhưng vẫn chưa thể bằng được, và đương nhiên giá Xiaomi bỏ xa các tên tuổi lớn như Samsung, Apple, Sony, LG... Vì sao Xiaomi có thể làm được chuyện này?

1. Tiết kiệm chi phí marketing

Trong năm 2013, Samsung từng gây sốc khi công bố ngân sách mà hãng dành ra cho marketing lên đến 14 tỷ USD, khoản phí thậm chí còn lớn hơn GDP của một đất nước như Iceland. Những chiến dịch quảng cáo với sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng trên thế giới, kèm theo việc là nhà tài trợ những sự kiện lớn như Olympics, đã khiến Samsung tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ. Và để bù đắp lại cho phần chi phí đó, giá bán mỗi sản phẩm của hãng trên thị trường đều bị đội lên.

Khác với Samsung, Xiaomi không tốn tiền thuê ngôi sao nổi tiếng để quảng bá sản phẩm của mình hay chú trọng chạy quảng cáo truyền hình. Ngược lại, Xiaomi dựa vào sức mạnh Internet và mạng xã hội để xây dựng cộng đồng fan của riêng mình. Ngoài ra, Xiaomi cũng liên tục tổ chức các buổi fan meeting, các buổi tiệc cho fan, các hoạt động cộng đồng, cuộc thi ảnh...

Đồ Tàu tốt với giá rẻ giật mình, kèn cựa hết thảy các đại gia Samsung hay Apple, công thức của Xiaomi là gì? - Ảnh 1.

Diễn đàn của fan Xiaomi.

Nhờ việc chú trọng xây dựng cộng đồng người dùng, tận dụng phương pháp truyền miệng trên mạng xã hội, Xiaomi có thể tiết kiệm chi phí và giảm giá bán thiết bị của mình. Tất nhiên, họ vẫn chi cho marketing nhưng mức chi ít hơn so với đối thủ. Theo số liệu của Bernstein Research vào năm 2015, trong khi Samsung chi 8% doanh thu cho sales và marketing, thì Xiaomi chỉ chi 3,2%.

2. Lấy lợi nhuận từ quảng cáo để bù đắp

CEO Lei Jun của Xiaomi từng khẳng định duy trì lợi nhuận kinh doanh các thiết bị phần cứng không vượt quá 5%. Thực tế đằng sau hành động này, công ty Trung Quốc vẫn kiếm được những khoản tiền không nhỏ từ chính người dùng thông qua việc tích hợp quảng cáo trực tiếp vào các phần mềm mặc định của smartphone.

Ngoại trừ một số dòng chạy Android One, các điện thoại thông minh của Xiaomi đều dùng MIUI - một phiên bản Android với nhiều tùy chỉnh riêng của hãng. Tại đây, Xiaomi đã tích hợp quảng cáo trực tiếp và hầu như ở khắp mọi nơi, từ trang tổng quan khi người dùng vuốt sang trái đến ứng dụng Mi Music, Mi Video hay quản lý tập tin.

Đồ Tàu tốt với giá rẻ giật mình, kèn cựa hết thảy các đại gia Samsung hay Apple, công thức của Xiaomi là gì? - Ảnh 2.

Tất nhiên Xiaomi không phạm luật gì cả, họ đã thông báo về điều này trong Thỏa thuận sử dụng dịch vụ, và người dùng cũng có thể thay các app Xiaomi bằng app bên thứ ba. Nhưng không phải ai cũng làm chuyện đó nên Xiaomi vẫn kiếm được doanh thu từ quảng cáo

3. Không chỉ tập trung bán điện thoại

Xiaomi nổi tiếng từ điện thoại nhưng họ không chỉ bán điện thoại mà còn sản xuất đồng hồ, TV, các thiết bị điện tử gia dụng,... Điện thoại Xiaomi xem như để làm thương hiệu và để cái tên Xiaomi chạm được tới nhiều người hơn, sau đó họ sẽ lấy tiền lại của người dùng từ những sản phẩm khác.

Một số sản phẩm do Xiaomi tự làm, một số do họ đầu tư vào các startup, số khác thì do 2 bên cùng hợp tác. Lợi nhuận từ những dòng sản phẩm này sẽ bù lại cho phần lỗ từ của điện thoại Xiaomi.

Ngoài nguồn thu từ các sản phẩm phần cứng, Xiaomi còn triển khai các dịch vụ trực tuyến đi kèm. Các dịch vụ này bao gồm phim và truyền hình online, được tính phí theo danh mục hoặc trả theo phí tháng 7,5 USD cho mỗi tháng. Xiaomi thậm chí còn điều hành một dịch vụ trực tuyến cung cấp các khoản vay nhỏ cho người dùng điện thoại Xiaomi, ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để đánh giá mức độ tin cậy của người vay vốn.

Kết luận

Công thức "ngon-bổ-rẻ" rõ ràng đã mang lại thành công cho Xiaomi. Chính bản thân CEO Lei Jun cũng từng khẳng định:"Chúng tôi rất khác biệt với họ bởi chúng tôi sản xuất và đem đến cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao và mới mức giá phải chăng. Nếu so sánh với các nhãn hàng khác, nếu chúng ta lấy chuẩn là thông số kỹ thuật thì ở cùng thông số, chúng tôi luôn luôn ở mức giá là 1/2 hoặc 2/3 của đối thủ. Nếu lấy giá làm chuẩn thì các thông số kỹ thuật của chúng tôi sẽ cao hơn thông số kỹ thuật của đối thủ 2 lần. Đó là sự khác biệt. Chúng tôi không sản xuất những sản phẩm rẻ tiền. Đây là những thiết bị cao cấp nhưng giá vừa phải".

Tuy nhiên về lâu dài, duy trì chiến lược này sẽ khiến Xiaomi khó khăn trong việc tái đầu tư vào R&D để mang đến những công nghệ đột phá. Ngoài ra, khi đã đóng đinh ở phân khúc giá rẻ, "hạt gạo nhỏ" sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dùng rút ví ở những sản phẩm cao hơn, vốn sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn.

Theo Nhật Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên