MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đổ xô" tìm vốn trái phiếu: Giải pháp tình thế của ngân hàng?

25-10-2017 - 08:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Một loạt các ngân hàng đang tính phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và sẽ đẩy chi phí vốn của ngân hàng tăng.

Sôi động trái phiếu ngân hàng

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã CTG) vừa nhận được quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán 420.000 trái phiếu ra công chúng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo Bản cáo bạch phát hành, Vietinbank sẽ chào bán trái phiếu thành 02 đợt. Đợt 1, Vietinbank sẽ phát hành 200.000 trái phiếu trong tháng 9-10/2017 và đợt 2 là 220.000 trái phiếu dự kiến trong tháng 11/2017.

Tính đến 30/6, VietinBank đã phát hành tổng cộng 18.300 tỷ đồng trái phiếu trong đó có 16.300 trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm và 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, Trước đó, vào tháng 5/2017, nhà băng này đã tất toán khoản trái phiếu quốc tế 250 triệu USD huy động năm 2012.

Kế hoạch sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu sẽ dùng để cho vay trung, dài hạn bằng tiền đồng trong năm 2017. Đồng thời, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu thứ cấp còn được sử dụng để thay thế nguồn vốn ngắn hạn đã tài trợ cho các dự án thuộc các lĩnh vực theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước tại phương án phát hành trái phiếu năm 2017 của Vietinbank.

Một "ông lớn" khác ngành ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID-HoSE) từ giữa năm cũng đã được NHNN chấp thuận phương án phát hành trái phiếu năm 2017 của Ngân hàng với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá lên tới 20.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) cũng đã được NHNN cho phép phát hành trong năm 2017 nhưng với giá trị 8.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối quý II, số dư trái phiếu của BIDV không có nhiều thay đổi. Còn tại Vietcombank, đã có thêm hơn hơn 2.750 tỷ đồng được huy động qua các giấy tờ có giá trung, dài hạn.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB) lên kế hoạch phát hành với tổng số lượng trái phiếu chuyển đổi dự kiến phát hành tối đa là 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị là 2.000 tỷ đồng để phát hành cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng, cán bộ công nhân viên và các nhà đầu tư khác. Theo lãnh đạo ngân hàng này từng chia sẻ, số trái phiếu trên sẽ được chuyển đổi ngay trong năm 2018.

Cũng trong năm 2017, LienVietPostBank đã dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của nhà băng nay sau đợt phát hành trên dự kiến đã tăng thêm 15,4%. Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi nhờ đó giảm được áp lực pha loãng cổ phiếu của nhà băng này.

Để tăng vốn, ngân hàng có 5 phương án cơ bản: Tăng vốn từ cổ đông hiện hữu, phát hành thêm cổ phiếu, chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, sáp nhập với ngân hàng yếu hơn và phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Tối ưu nhưng không thể duy trì dài lâu

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2016 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 129.636 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 42.769 tỷ đồng trong năm 2015. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng khá lớn với 34,5%. Hình thức phát hành trái phiếu bao gồm phát hành riêng lẻ và phát hành công chúng.

Nguồn trái phiếu ngân hàng trở nên dồi dào vì năm 2016, NHNN ban hành dự thảo Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Thông tư đưa ra thời gian áp dụng Basel 2 tại 10 ngân hàng thí điểm bắt đầu từ tháng 9/2017.

Sau đó Thông tư 41 chính thức được ban hành đã lùi thời hạn áp dụng Basel 2 đến năm 2020 và áp lực của các ngân hàng cũng đã giảm bớt. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó tăng vốn như hiện nay, đa số các ngân hàng đều lên kế hoạch để tăng vốn cấp 1 lẫn cấp 2, vì nếu ngân hàng có khả năng thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư trước thời điểm quy định (ngày 1/1/2020) vẫn tốt hơn và NHNN cũng cho phép các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu có thể trình để áp dụng sớm hơn.

Theo các chuyên gia tài chính, phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 được nhiều ngân hàng ưa chuộng là bởi vì vừa đáp ứng được yêu cầu cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) tiến tới áp dụng Basel 2, vừa giúp cân đối cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn. Do đó, dự báo việc phát hành trái phiếu hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay.

Ở diễn biến khác, theo thông điệp mới đây của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, NHNN đang xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức khoảng 21%, từ mức kế hoạch 18% trước đó. Với kế hoạch này, sẽ có thêm lượng vốn lớn được bổ sung thêm vào nền kinh tế.

Giới hạn hệ số CAR tối thiểu (hiện là 9% theo Basel I) nhằm yêu cầu các ngân hàng phải đủ vốn để đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn. Tăng tiềm lực tài chính càng trở thành yêu cầu cấp thiết khi các ngân hàng muốn mở rộng hoạt động cho vay.

Cùng với việc gia tăng nguồn vốn, cải thiện hệ số CAR, trái phiếu với kỳ hạn dài còn giúp cân đối cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn khi quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống mức 45% từ 1/1/2018.

Hiện nay trong các phương án tăng vốn của ngân hàng các phương án không chia cổ tức cho cổ đông và phát hành trái phiếu đang là giải pháp tăng vốn tối ưu, song các giải pháp này cũng không thể duy trì dài lâu. Bởi tăng vốn bằng cổ tức ảnh hưởng đến tâm lý cổ công, còn việc tăng vốn bằng trái phiếu cấp 2 chỉ giúp ngân hàng giải quyết tình thế trong vài năm và còn đối mặt với khó khăn là chi phí vốn của ngân hàng tăng lên do lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất huy động vốn thông thường.

Do đó, theo các chuyên gia, về dài hạn ngân hàng vẫn cần nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn bền vững.

Theo Châu Huệ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên