MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bất động sản "chạy đua" trái phiếu trước quy định mới: Saigon Glory, Novaland, Quang Thuận… dẫn đầu với tổng phát hành lên đến 10.000 tỷ đồng

29-10-2020 - 13:56 PM | Doanh nghiệp

Riêng quý 3, lượng trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 63.000 tỷ đồng, tập trung vào tháng 7 và 8/2020, tương đương 44% tổng TPDN BĐS phát hành 9 tháng 2020.

Từ cuối năm 2019, khi Ngân hàng Nhà nước ra thông tư mới siết chặt dòng vốn tín dụng, doanh nghiệp bất động sản ồ ạt làn sóng phát hành trái phiếu để thoả cơn "khát vốn". Điều này có thể xem là chất xúc tác đầu tiên đưa thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh, và ngày càng nóng tính đến hiện tại.

Ghi nhận, 9 tháng đầu năm 2020 tổng lượng chào bán đã vượt con số của cả năm 2019. Đặc biệt riêng quý 3/2020, trước thềm áp dụng Nghị định 81 quy định chặt chẽ hơn về huy động vốn qua kênh này, doanh nghiệp cho thấy cuộc chạy đua phát hành  trái phiếu khủng, đặc biệt là nhóm bất động sản (BĐS) với đặc trưng nhu cầu vốn lớn.

Theo thống kê của SSI Research, trong tổng số 341 nghìn tỷ TPDN phát hành 9 tháng qua, các doanh nghiệp BĐS phát hành 137,5 nghìn tỷ đồng – tương đương hơn 40% tổng thị trường.

Riêng quý 3, lượng trái phiếu các doanh nghiệp BĐS phát hành gần 63.000 tỷ đồng, tập trung vào tháng 7 và 8/2020, tương đương 44% tổng TPDN BĐS phát hành 9 tháng 2020. Luỹ kế, có 88 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 137.500 tỷ đồng trái phiếu; trong đó chỉ có 16 doanh nghiệp BĐS niêm yết phát hành 26.700 tỷ đồng, còn lại 110.800 tỷ đồng (tương đương 80,6%) là do 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.

Có thể nói, khả năng huy động trái phiếu cũng phần nào phản ánh nội lực, quy mô ảnh hưởng cũng như quan hệ của doanh nghiệp. Thực tế, những tên tuổi đứng đầu danh sách huy động đều là những doanh nghiệp "khét tiếng".

Doanh nghiệp bất động sản chạy đua trái phiếu trước quy định mới: Saigon Glory, Novaland, Quang Thuận… dẫn đầu với tổng phát hành lên đến 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Đầu tiên phải kể đến VinHomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đầu tháng 7 vừa qua Công ty đã huy động thành công 12.000 tỷ đồng trái phiếu, đúng như kế hoạch trước đó. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảobằng cổ phần của Tập đoàn Vingroup và cổ phần của Vincom Retail. Đi cùng với lượng vốn huy động lớn, Vinhomes đặt mục tiêu năm 2021 chuyển đổi mô hình phân phối, tăng cường vai trò công nghệ trong hoạt động bán hàng.

Xếp thứ hai với tổng huy động 10.000 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2020, công ty con của Tập đoàn Bitexco – Saigon Glory thời gian gần đây nổi lên với dự án The Spirit of Saigon tại khu tứ giác Bến Thành. Theo quy hoạch, Spirit of Saigon là dự án có vị trí đắc địa, nằm tại khu tứ giác Bến Thành, có 4 mặt tiền là Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette thuộc trung tâm quận 1, Tp.HCM.

Một tên tuổi cũng khá nổi khác, Đầu tư Quang Thuận sau gần 90 lô trái phiếu chào bán liên tiếp, tập trung vào tháng 7 – 8/2020 hiện đã thu về 9.500 tỷ trái phiếu.

Không chỉ huy động trái phiếu, đầu năm 2019, Quang Thuận còn tiếp tục tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên hơn 2.600 tỷ. Mới nhất vào tháng 8/2020, Công ty tăng vốn điều lệ từ 2.610 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, không riêng Quang Thuận, thời gian gần đây một số doanh quy mô nghìn tỷ cùng nhóm cũng đã huy động thành công một lượng tiền lớn qua kênh trái phiếu, bao gồm CTCP Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Horizon (Horizon), CTCP Dịch vụ Thương mại Tp.HCM (Setra Corp) và Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc.

Hay Novaland cũng huy động giá trị gần 9.800 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc huy động 6.450 tỷ đồng - chia làm 47 đợt, CTCP BĐS Mỹ hút 2.364 tỷ đồng - chia làm 51 đợt…

Mặt khác, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng còn phát hành 75 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 9. Sang tháng 10, doanh nghiệp này phát hành tiếp 80 triệu USD trái phiếu niêm yết trên sở GDCK Đài Bắc (Đài Loan).

Doanh nghiệp bất động sản chạy đua trái phiếu trước quy định mới: Saigon Glory, Novaland, Quang Thuận… dẫn đầu với tổng phát hành lên đến 10.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Trở lại với trái phiếu, việc ra những quy định mới siết chặt là điều cần thiết trong bối cảnh tăng nóng hiện nay. Khi pháp lý ràng buột còn lỏng, cũng như thông tin nhà đầu tư có được về doanh nghiệp chào bán không nhiều… là những rủi ro tiềm ẩn đối với kênh huy động này. Từ đầu năm, Bộ Tài chính cũng liên tục đưa ra cảnh báo đầu tư trái phiếu khi ngày càng nhiều trường hợp không mong đợi xảy ra.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên