MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp BĐS xoay sở thế nào khi vị cứu tinh cho nhà ở giá rẻ không còn?

Kki gói 30.000 vào giai đoạn kết thúc cũng là lúc một số chủ đầu tư đang xem xét lại chính sách phát triển; một số dường như đang giãn tiến độ dự án, tìm nguồn vốn hợp lý để hỗ trợ người mua nhà còn số còn lại chờ diễn biến vào cuối năm nay và quý I đầu năm sau để đánh giá lại nhu cầu và xu thế của thị trường.

Mặc dù quy mô vẫn còn khiêm tốn nhưng với lãi suất ưu đãi 5%, gói 30.000 tỉ đồng đã phần nào tạo bệ đỡ cho thị trường, củng cố niềm tin cho người mua và các nhà phát triển dự án, giúp thị trường địa ốc bước vào chu kỳ phục hồi kể từ năm 2015 sau thời gian dài đóng băng.

Tuy nhiên, khi gói 30.000 tỷ bắt đầu đến đoạn kết thì dường như phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cũng vào giai đoạn đuối sức. Theo báo cáo của CBRE, kể từ đầu năm 2016, nguồn cũng phân khúc nhà giá rẻ tụt giảm mạnh mẽ. Đặc biệt tại TPHCM, khi lượng cung đang sát mức gần 4.000 căn vào quý 4/2015 thì bỗng giảm mạnh còn 2.000 căn vào quý 1/2016. Tại Hà Nội, nguồn cung phân khúc nhà giá rẻ cũng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016.

Nguồn cung giảm kéo theo lượng giao dịch căn hộ cũng giảm mạnh. Tại TPHCM lượng giao dịch nhà giá rẻ giảm xuống còn một nửa so với cách đây nửa năm. Điều này cho thấy, gói 30.000 tỷ hết hạn đã có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ tâm lý của thị trường.

Vậy sau khi không còn gói 30.000 tỉ đồng nữa, liệu thị trường bất động sản phân khúc nhà giá rẻ sẽ phải ứng biến thế nào?

Theo quan sát của chúng tôi, một số chủ đầu tư đang xem xét lại chính sách phát triển; một số dường như đang giãn tiến độ dự án, tìm nguồn vốn hợp lý để hỗ trợ người mua nhà còn số còn lại chờ diễn biến vào cuối năm nay và quý I đầu năm sau để đánh giá lại nhu cầu và xu thế của thị trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Kim Giang - Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Hải Phát cho biết: "Đối với nhà ở xã hội chủ đầu tư gặp vô vàn khó khăn khi không còn sự giúp sức từ gói 30.000 tỷ đồng của nhà nước. Những người mua nhà ở xã hội là những khách hàng có thu nhập thấp, nhiều khi còn không đủ mức thu nhập yêu cầu tối thiểu của ngân hàng. Chính vì vậy, khi gói ưu đãi lãi suất không còn cơ hội sở hữu căn nhà của họ dần trở thành cánh cửa hẹp".

"Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, chúng tôi đã tìm cách san sẻ với khách hàng bằng cách đẩy nhanh tiến độ, cất nóc xong mới mở bán. Giãn tiến độ thanh toán cho khách hàng đến mức tối đa. Như tại dự án The Vesta chúng tôi đã cất nóc nhưng mới thu của khách hàng từ 20-30% giá trị hợp đồng", ông Giang cho biết.

Mỗi doanh nghiệp đang đi một hướng riêng trong bối cảnh chờ đợi nguồn vốn ưu đãi tiếp theo từ chính phủ.
Mỗi doanh nghiệp đang đi một hướng riêng trong bối cảnh chờ đợi nguồn vốn ưu đãi tiếp theo từ chính phủ.

Cũng đứng ở góc độ doanh nghiệp phát triển dự án ông Lại Văn Tư, Giám đốc sàn BĐS Phúc Hà cho biết: "Đối với các sản phẩm của Phúc Hà, chúng tôi đã bán hết được 90% tổng số căn hộ trước khi gói 30.000 tỷ đóng lại. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rõ ràng sau khi kết thúc gói vay ưu đãi này thì sức thanh khoản trên thị trường giảm sút hẳn, tâm lý trên thị trường cũng không còn phấn khởi như xưa".

"Để chia sẻ khó khăn về tài chính cho khách hàng chúng tôi cũng đã tìm cách giãn tiến độ thanh toán cho khách. Khách mua căn hộ tại Thăng Long Victory có thể nhận nhà ở ngay mà chỉ cần đóng 50% giá trị căn hộ. 50% giá trị còn lại sẽ được trả chậm trong vòng 24 tháng với lãi xuất 0%", ông Tư cho biết.

Chia sẻ về kế hoạch triển khai tòa T3 Thăng Long Victory và chiến lược bán hàng trong bối cảnh gói hỗ trợ không còn đại diện Phúc Hà cũng cho biết thêm: "Dự kiến cuối năm nay chúng tôi sẽ khởi công tòa T3. Với tâm thế thị trường không còn gói 30.000 tỷ nữa chúng tôi định hướng cao hơn về chất lượng sản phẩm để có thể tìm kiếm được nguồn khách hàng có tài chính tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ kết hợp với ngân hàng đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi 11,9% trong vòng 5 năm để khách hàng yên tâm về kế hoạch tài chính", ông Tư cho biết.

Trong bối cảnh gói 30.000 tỷ đã đóng lại những gói hỗ trợ khác vẫn chỉ nằm trong kế hoạch, thì người mua nhà vẫn có tâm lý chờ đợi. Điều này vô hình chung cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS trong quá trình lên kế hoạch triển khai dự án. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia BĐS cho biết chính phủ nên có quan điểm rõ ràng và cho thời gian cụ thể về gói hỗ trợ tiếp theo. Nếu không có thì cũng nên thông báo rộng rãi để tránh tình trạng mập mờ khiến cả người mua nhà và doanh nghiệp gặp khó.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên