MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp địa ốc than khổ về việc cấp phép dự án

07-08-2017 - 14:19 PM | Bất động sản

Xin được một giấy phép mất gần cả năm trời, DN phải gồng mình gánh chi phí lao động. Dự án đủ điều kiện khởi công thì lỡ mất thời cơ thị trường...

Đó là những bức xúc mà các doanh nghiệp địa ốc Sài Gòn than khổ tại buổi đối thoại giữa Sở Xây dựng TP.HCM và các doanh nghiệp (DN) địa ốc được tổ chức mới đây, hầu hết ý kiến các DN đều than phiền về việc cấp phép các dự án vẫn rất “trần ai”. Nhiêu khê nhất là khối các dự án chuyển đổi chủ đầu tư, hàng loạt DN kêu khổ khi bị treo giấy phép.

Ông Dương Quốc Hùng, đại diện Công ty CP Địa ốc Thảo Điền, thuật lại hành trình 9 năm xin giấy phép để triển khai dự án nhà ở xã hội (chung cư cao tầng Nam Lý tại phường Phước Bình, quận 9) mới được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư.

Tiếp đó, khi doanh nghiệp (DN) chờ quyết định giao đất để thực hiện các thủ tục tiếp theo thì bị ngưng để thanh tra về đất đai. Ông Hùng cho biết đất làm dự án là của DN, nằm trong dự án Bắc Rạch Chiếc do Công ty CP Địa ốc 10 xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Tuy nhiên, Công ty CP Địa ốc 10 không có đủ năng lực nên DN đã xin tách dự án ra nhưng vẫn bị dính thanh tra theo nhà đầu tư chính.

Cũng liên quan đến dự án Bắc Rạch Chiếc, đại diện Công ty CP Him Lam cho biết một dự án có quy mô khoảng 3 ha của công ty tại đây còn lâu hơn, từ năm 2002 và cũng bị đình trệ. Nguyên nhân là nhà đầu tư chính không đủ năng lực để hoàn thiện hạ tầng trục chính bàn giao lại cho TP, để TP bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Trả lời doanh nghiệp về vấn đề này, một đại diện của Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng Dự án Bắc Rạch Chiếc do chủ đầu tư làm hạ tầng kỹ thuật chính, sau đó phân ra các nhà đầu tư thứ cấp và sẽ được thành phố giao đất trực tiếp. Tuy nhiên, do Công ty cổ phần Địa ốc 10 triển khai rất chậm nên UBND TP.HCM giao thanh tra dự án. Đối với Công ty Thảo Điền, các thủ tục về đầu tư dự án đã hoàn tất, sở đã trình TP cho giao đất, nhưng vì nằm trong dự án Bắc Rạch Chiếc của Công ty cổ phần Địa ốc 10 và đang bị thanh tra, nên UBND TP chưa chấp thuận.

Đại diện Công ty cổ phần Him Lam cũng cho biết thêm Dự án Bắc Rạch Chiếc được Thủ tướng giao cho Công ty Địa ốc 10 đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính, khi hoàn thành sẽ bàn giao lại cho thành phố, lúc đó TP.HCM mới tiến hành giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. Vấn đề chính là Công ty Địa ốc 10 không hoàn thành được hạ tầng, kể cả phần giải tỏa kết nối giao thông cũng không thực hiện được.

Vì vậy, việc giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp bị tắc nghẽn, Him Lam cũng bị dính một dự án 3ha. Là nhà đầu tư thứ cấp và đền bù giải phóng mặt bằng hoàn tất từ năm 2002, hạ tầng đã làm xong, nhưng đến nay vẫn phải chờ!

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra nguyên nhân nào gây kéo dài thời gian và sẽ công khai minh bạch hướng giải quyết đến các doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi bên lề sự kiện, một DN đang có khu đất rộng hơn 150ha tại quận 7 cũng tiết lộ đã gần 10 năm nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng dù đã hoàn tất mọi thủ tục, giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Theo vị này, để chuẩn bị cho dự án, công ty trước đó đã đi huy động vốn từ một số đối tác ngoại. Nhưng đến nay, không biết bao nhiêu lần làm việc với các sở ngành liên quan mà giấy phép xây dựng vẫn chưa được ban hành. Nguyên nhân chính là trong quá trình ký kết hợp tác đầu tư, doanh nghiệp này có một số mâu thuẫn với một đối tác khác, đến giờ vẫn chưa giải quyết xong phần vốn góp mà đối tác muốn rút ra.

Đại diện Công ty CP Tư vấn Xây Dựng Sài Gòn cho rằng có một bất cập lớn trong việc kiểm tra thẩm định dự án. Luật quy định dự án cấp 1 thì thẩm quyền này thuộc Bộ Xây dựng. Dự án 24 tầng trở lên được coi là dự án cấp 1. Hầu hết các dự án chung cư tại TP.HCM đều thuộc dạng này. Việc chờ đợi kiểm tra thẩm định mất rất nhiều thời gian.

“Có những dự án phải nghiệm thu phê duyệt từng giai đoạn. Nói thật, mỗi lần như vậy chủ đầu tư phải đón cán bộ từ ngoài kia vào, lo nơi ăn chốn ở và chi phí đi lại, tốn kém và phiền hà vô cùng”- vị đại diện này thẳng thắn. Theo ông, năng lực thẩm tra của cơ quan chức năng sở tại hoàn toàn có thể đáp ứng được với các dự án nên cần phân cấp cho địa phương để bớt khổ cho DN.

Vấn đề này được đại diện Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn kể, công trình cấp 1 ở một vài thành phố lớn, trong đó có TPHCM, số lượng rất nhiều. Theo quy định hiện nay, thủ tục thẩm tra thiết kế công trình cấp 1 thuộc Bộ Xây dựng phụ trách. Trong khi, năng lực thẩm tra thiết kế công trình cấp 1 thì tất cả tư vấn địa phương đều có thể làm được, TP.HCM nên đề nghị phân cấp thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu về cho địa phương.

“Còn hiện tại, tôi thấy rất bất cập, khi chúng tôi thẩm tra xong thì phải ra Bộ Xây dựng để được phê duyệt lại, thẩm định lại; rồi kiểm tra công tác nghiệm thu từng phần cũng rất nhiêu khê vì mời bộ bay vào, bay ra…, rất tốn kém tài sản xã hội”, ông Hoàng Ngọc Ánh, Công ty cổ phần Kiểm định Sài Gòn, chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, chuyên gia về thị trường BĐS, giấy phép xây dựng chậm trễ chính là nguyên nhân lớn nhất làm cho nhiều quỹ đầu tư nước ngoài thời gian gần đây rút khỏi thị trường Việt Nam. Chiến lược của các nhà đầu tư ngoại là muốn mua lại nhiều khu đất sạch hoặc dự án đã hoàn thành, thủ tục pháp lý hoàn chỉnh 100% nhưng số này rất ít. Do vậy, các nhà đầu tư thường bắt tay với DN nội địa để làm, nhưng không phải dự án nào cũng "sạch" như yêu cầu nên cuối cùng họ không thể tiếp tục chờ đợi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng, đối với hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, nhân lực sở tại hoàn toàn có thể đáp ứng tốt việc thẩm tra, kiểm định đối với dự án. Trước đây, Bộ còn quy định dự án 20 tầng trở lên thì thuộc nhóm 1. Sau khi hiệp hội đề xuất nhiều lần thì mới nâng lên thành 24 tầng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ phân cấp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm tra, thẩm định dự án. Tùy vào đặc thù của địa phương để phân cấp. Nếu để tình trạng này kéo dài thì dự án bị ùn ứ, khổ sở rất nhiều”- ông Châu nói.

Tại buổi đối thoại, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định sẽ tiếp thu từng ý kiến một từ DN. Kiểm tra rõ ràng từng thông tin liên quan đến dự án cụ thể và tình hình chung. Nếu ách tắc do khâu thủ tục hành chính thì phải cố gắng cải thiện. Sở sẽ đề xuất với UBND thành phố hoặc Bộ Xây dựng tùy thẩm quyền để xử gỡ khó cho từng dự án cụ thể. Về thủ tục cấp phép dự án theo thẩm quyền địa phương, Sở sẽ đẩy mạnh mô hình một cửa một dấu đã áp dụng thành công trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện hết sức cho DN.

Đăng Khải

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên