MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp điện phân hóa trong quý I

Khó khăn của các nhà máy thủy điện có thể là cơ hội của nhiệt điện than và khí khi EVN cần huy động nhiều hơn từ 2 nhóm này, bên cạnh một số dự án điện mặt trời sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Thủy điện gặp khó

Kết thúc quý I, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp thủy điện giảm. Trong đó, Thủy điện Se San 4A giảm lãi 60%, xuống còn 8,7 tỷ đồng. Theo giải trình, đơn vị này cho biết điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến các máy chạy ít ổn định hơn là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh sụt giảm.

Tương tự Se San 4A, Thủy điện Miền Nam và Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hình báo lãi giảm hơn 51%, một số đơn vị khác như Thủy Điện Gia Lai, Thủy Điện Sông Vàng... đều giảm 34-43%.

Cá biệt trường hợp của Thủy điện Miền Trung (HoSE: CHP) dẫn đầu tăng trưởng trong ngành điện. Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 156 tỷ đồng và 59,6 tỷ đồng, vượt xa con số 33 triệu đồng, và số lỗ hơn 74 tỷ đồng trong quý I/2018, do năm trước công ty xử lý đường hầm và đại tu tổ máy H1 nên không phát sinh doanh thu điện.

Một số đơn vị khác trong mảng thủy điện chỉ ghi nhận tăng trưởng thấp như Thủy điện Nậm Mu, Thủy điện - Điện lực 3 tăng 3,3 - 4,4%.

KQKD của các doanh nghiệp điện (Đvt: tỷ đồng)

Doanh nghiệp điện phân hóa trong quý I - Ảnh 1.

Dẫn dự báo của Viện nghiên cứu thời tiết quốc tế của Đại học Columbia, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đề cập xác suất xảy ra hiện tượng thời tiết gây khô hạn El Nino kể từ cuối năm 2018 đến giữa 2019 là trên 70%. Đặc biệt giai đoạn đầu năm xác suất xảy ra El Nino trên 90%.

Theo quan sát hơn 10 năm gần đây, thủy văn thuận lợi khó diễn ra 3 năm liên tiếp. Sau 2 năm 2017 và 2018, BVSC đánh giá thủy văn năm nay sẽ không còn diễn biến tốt. Điều này dẫn tới nguồn cung điện từ các nhà máy thủy điện sẽ bị sụt giảm.

Điều này mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp nhiệt điện khi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần huy động nhiều hơn từ nhóm này, trong lúc giá điện trên thị trường điện cạnh tranh có thể tiếp tục ở mức cao.

Tuy nhiên, nhóm thủy điện có thể nhận ảnh hưởng tích cực từ việc sản lượng điện hợp đồng (Qc) năm 2019 tiếp tục hạ từ 85% về 80% khiến sản lượng Qc của các nhà máy giảm. Lý do là giá trên thị trường phát điện cạnh tranh cao hơn giá bán theo hợp đồng với nhà máy thủy điện, ngược lại các nhà máy điện khí và điện than sẽ chịu ảnh hưởng suy giảm lợi nhuận do giá trên thị trường phát điện cạnh tranh thường thấp hơn giá bán theo hợp đồng.

Giá vốn các doanh nghiệp thuỷ điện luôn thấp hơn nhiệt điện than và khí, nên EVN sẽ ưu tiên mua điện từ các nhà máy thuỷ điện.

Điều này còn cho thấy EVN đang thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ Qc hàng năm (tối đa là giảm về mức 60%). Với lộ trình này, các nhà máy thủy điện sẽ được hưởng lợi do .

Nhiệt Điện gặp thời và cơ hội cho năng lượng tái tạo

Ngược lại, một số đơn vị nhiệt điện đã cho kết quả khả quan. Đơn cử như Nhiệt điện Phả Lại có lợi nhuận sau thuế tăng 27%, đạt 242,6 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,7% lên 19,4%. Tương tự với Nhiệt Điện Ninh Bình, lãi ròng cũng tăng 21%.

Doanh nghiệp điện phân hóa trong quý I - Ảnh 2.

Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Ảnh: PPC

Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW), đơn vị sở hữu nhiều nhà máy nhiệt điện than và khí, báo lãi gần 916 tỷ đồng, tăng 17%.

Tuy nhiên một số đơn vị vẫn ghi nhận sụt giảm, đứng đầu là CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE: BTT). Doanh nghiệp báo doanh thu thuần giảm 58% xuống 263 tỷ đồng và lỗ ròng 137 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 110 tỷ đồng.

Theo Nhiệt điện Bà Rịa, nguyên nhân chính gây ra sự chênh lệch trong quý đầu của 2 năm là do khác biệt giá khí tạm tính và thực tế thanh toán. Không riêng Nhiệt điện Bà Rịa, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) cũng báo giảm lợi nhuận hơn 47% trong quý I do giá vốn tăng cao, chủ yếu từ chi phí nhiên liệu khí.

Bên cạnh thủy điện và nhiệt điện, điện mặt trời, năng lượng tái tạo cũng là một trong những mảng được doanh nghiệp điện đẩy mạnh trong thời gian qua.

Điện Gia Lai ghi nhận lợi nhuận cao hơn 16,8% so với quý I/2018. Việc đưa 2 nhà máy điện mặt trời tại Huế và Gia Lai vào hoạt động đã đóng góp vào kết quả quý đầu năm. Tỷ trọng doanh thu chuyển dịch với 51% đến từ điện mặt trời, trong khi đóng góp của thủy điện giảm từ 87% xuống còn 47%.

Chính sách ưu đãi giá bán điện 9,35UScent trong 20 năm, cho các dự án hoàn thành trước 30/6 của Thủ tướng đã tạo ra "làn sóng" đầu tư điện mặt trời. Hàng loạt doanh nghiệp như Tập đoàn Sao Mai, Thành Thành công, Bamboo Capital, Tư vấn Xây lắp điện 2... đều có các dự án điện mặt trời đã và đang triển khai trong năm qua.

Doanh nghiệp điện phân hóa trong quý I - Ảnh 3.

Nhà máy điện mặt trời Phong Điền tại Huế của Điện Gia Lai. Ảnh: GEG.

Giá điện bán lẻ đã tăng 8,36% từ cuối quý 1. Dự kiến sau đợt tăng giá điện lần này, mỗi năm EVN sẽ thu thêm được 20.000 tỷ đồng, ước tính của CTCK BIDV (BSC). Số tiền này sẽ được EVN thanh toán cho các đối tác cung cấp than khí và các nhà máy bán điện cho EVN.

Một điểm tích cực khác được BVSC đề cập là các khoản lỗ tỷ giá so với phương án giá điện năm 2016 sẽ được EVN thanh toán vào năm 2019. Qua đó các doanh nghiệp có khoản chênh lệch tỷ giá được hoàn lại nợ đọng từ EVN sẽ được thanh toán, giảm áp lực về tài chính. BVSC ước tính khoản thanh toán lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2016 cho một số doanh nghiệp như Nhiệt điện Phả Lại là 106 tỷ đồng, Nhiệt điện Hải Phòng khoảng 150 tỷ đồng và Nhơn Trạch 2 là 25 tỷ đồng.

Theo Lê Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên