MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiêp “họ” Ocean lún sâu vào thua lỗ kể từ sau biến cố liên quan đến ông Hà Văn Thắm

15-02-2017 - 09:08 AM | Doanh nghiệp

Lỗ ròng tăng mạnh đang trở thành kịch bản chung cho các doanh nghiệp “họ” Ocean sau khi báo cáo tài chính quý 4/2016 được công bố.

Mới đây, các công ty “họ Ocean” bao gồm CTCP Tập đoàn Đại Dương – Oceangroup (OGC), CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương - Ocean Hospitality (OCH) và CTCK Đại Dương - Ocean Securities (OCS) đã công bố BCTC quý 4/2016. Có thể thấy việc sụt giảm thương hiệu Tập đoàn từ nguyên nhân khách quan đối với sự cố về pháp luật năm 2014 tại Ngân hàng OceanBank, mặc dù đã qua hơn 2 năm nhưng vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, năm 2016 tiếp tục là một năm buồn đối với các công ty này khi cả 3 cùng đồng loạt báo lỗ.

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Oceangroup - OGC) khi doanh nghiệp này ghi nhận thêm khoản lỗ ròng 727 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 2.482 tỷ đồng. Trong đó riêng quý 4/2016, OGC lỗ ròng gần 259 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của OGC ở mức 6.031 tỷ đồng, giảm 13% so với hồi đầu năm. Khoản phải thu chiếm tới 47% tổng tài sản với hơn 2.826 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn hơn 2.011 tỷ đồng và phải thu dài hạn hơn 815 tỷ đồng. Mặt khác, OGC đang có 1.377 tỷ đồng nợ vay, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn hơn 1.035 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 342 tỷ đồng. Hiện OGC đang có khoản lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm 2016 ở mức 2.482 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ 1.780 tỷ đồng hồi đầu năm.

Với kết quả này, Sở GDCK TP HCM đã có lưu ý Công ty về nguy cơ cổ phiếu OGC sẽ bị đưa vào diện kiểm soát nếu lợi nhuận sau thuế năm 2016 của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 của Công ty là số âm, bởi hiện tại cổ phiếu này đang thuộc diện cảnh báo.

Một doanh nghiệp Ocean khác là CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Ocean Hospitality - OCH) cũng đã báo lỗ ròng hơn 154 tỷ đồng trong năm 2016, nâng số lỗ lũy kế lên gần 982 tỷ đồng. Trong đó riêng quý 4/2016 OCH lỗ ròng hơn 105 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 (chỉ lỗ gần 31,8 tỷ đồng). Tính đến thời điểm 31/12/2016, OCH đang có khoản lỗ lũy kế gần 982 tỷ đồng, tăng so với con số 879.7 tỷ đồng hồi đầu năm. Tổng tài sản của OCH ở mức 3.392 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Bên cạnh đó, OCH cũng đang có 932 tỷ đồng nợ vay tài chính, chiếm 40% nợ phải trả, trong đó có 590 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 342.5 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

CTCK Đại Dương - Ocean Securities (OCS) cũng công bố khoản lỗ trong quý 4/2016 hơn 120 tỷ đồng cao gấp đôi khoản lỗ cùng kỳ, lỗ ròng cả năm 2016 là 179 tỷ đồng trong khi năm 2015 lỗ hơn 91 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất khiến OCS rơi vào cảnh "lận đận" đến từ việc CTCK thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu khó đòi về giao dịch ký quỹ lên tới 118,75 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán này cũng đã thu hẹp so với trước. Tại ngày 31 tháng 12 năm 2016, OCS đã trích lập dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp số tiền lên tới 277,4 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ, lỗ lũy kế là 213,4 tỷ đồng.

Trong năm 2016, OCS còn bị bà Hà Hồng Hợp khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường do OCS đã lập tài khoản giả, cho vay margin cao gây thiệt hại cho cá nhân bà Hợp. Với đơn kiện này, tòa đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hà Hồng Hợp về việc buộc OCS trả bà Hợp số tiền hơn 3 triệu đồng; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hợp về yêu cầu buộc OCS bồi thường số tiền tổng cộng 213 triệu đồng; không chấp nhận yêu cầu phản tố của OCS về việc yêu cầu đòi lại số tiền 118 triệu đồng công ty đã giao cho bà Hợp.

Trên sàn niêm yết các cổ phiếu OGC và OCH cũng đã giảm sâu trong khi OGC được giao dịch ở mức giá 1.430 đồng/CP trong khi đã từng có thời điểm cổ phiếu này được giao dịch với mức giá gần 35.000 đ/CP, OCH có mức giá khá hơn là 5.200 đ/CP tuy nhiên khối lượng giao dịch lại rất thấp thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.

Trung Kiên

Tài chính Plus

Trở lên trên