MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp sushi Việt Nam “lọt mắt xanh” Tập đoàn Sushi lớn nhất Nhật Bản

07-12-2017 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Kiên Hùng được biết đến là đơn vị đi đầu trong xuất khẩu mực sushi, sashimi và cá đông lạnh của tỉnh Kiên Giang.

Nhắc đến sushi, Sashimi, surimi – những món ăn làm từ thủy, hải sản tươi, người ta sẽ nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản. Nhưng xứ sở Phù Tang không chỉ nổi tiếng bởi các món ăn từ cá tươi, họ còn nổi tiếng bởi sự khắt khe và cẩn thận trong mọi công việc. Vậy làm thế nào một doanh nghiệp Việt lại có thể bước chân vào thị trường Nhật Bản với sản phẩm Sushi?

Bí quyết của doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được tiêu chuẩn của Tập đoàn Sushi lớn nhất Nhật Bản

Các khách hàng tiêu thụ sản phẩm của CTCP Kiên Hùng (Kihusea VN) hiện nay là những tên tuổi trên thị trường Nhật - Mỹ - Canada - Đức – Hongkong như Progress, Marine Food, Marutomo, Mitsubishi, Matsuda Sangyo…

Trong tháng 10/2017, Kihusea VN đã đạt được yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho tập đoàn Sushiro - Tập đoàn sushi lớn nhất Nhật Bản với chuỗi hơn 500 nhà hàng tại Nhật Bản và khắp thế giới. Đây là tấm vé thông hành cho hàng hóa của Kihusea VN tiến vào thị trường thế giới qua hệ thống nhà hàng của Sushiro. Lô hàng đầu tiên 25 tấn sushi đã được xuất cho Sushiro trong tháng 11/2017.

Kihusea VN được biết đến là đơn vị đi đầu trong xuất khẩu mực sushi, sashimi và cá đông lạnh của tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là công ty đứng đầu cả nước về công suất chế biến bột cá (nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi) với quy mô lên tới 33.000 tấn/năm.

Nói riêng về mảng sản phẩm đông lạnh, công suất thiết kế của nhà máy sản xuất mực, cá và tôm là 1.500 tấn/năm (dự kiến tăng lên 3.000 tấn vào năm 2019). Công suất của nhà máy sản xuất Surimi là 9.000 tấn/năm.

Lãnh đạo Công ty kể lại, trước khi tiến hành hợp tác, khách hàng Nhật sẽ cử cán bộ kỹ thuật qua kiểm tra điều kiện sản xuất 3-4 lần. Khi điều kiện của Nhà máy đạt yêu cầu, họ mới xúc tiến làm hàng mẫu và cử nhân viên kỹ thuật hướng dẫn. Nếu hàng mẫu do Kihusea VN sản xuất đạt tiêu chuẩn, việc triển khai hợp đồng mới được tiến hành. Hàng năm, đối tác Nhật Bản vẫn sang kiểm tra và giám sát lại 2-3 lần.

Lãnh đạo Công ty cho biết đã đạt được những hợp đồng lớn với người Nhật nhờ 3 chữ: Kiên trì, Cầu thị và Chân thành. Đó có lẽ điều quan trọng thứ 2 khi làm việc với đối tác Nhật Bản, sau tiêu chí về kỹ thuật.

Bên cạnh đó, sản phẩm của doanh nghiệp này đáp ứng được nhiều phân khúc, từ chất lượng cao (Nhà hàng - Siêu thị) đến chất lượng trung bình (sản phẩm bán cho Nhà phân phối, nhà chế biến tại nước nhập khẩu), tuy nhiên Kihusea VN chủ yếu chú trọng đến phân khúc sản phẩm chất lượng cao.

Được biết, khi Sushiro đến tham quan Công ty đã đánh giá điều kiện vệ sinh của nhà máy "rất tốt" cả về phần cứng và phần mềm quản lý, đạt chuẩn 90/100 tiêu chí khắt khe của đối tác. Đặc biệt dây chuyền sản xuất của Kihusea VN được đánh giá có mức độ đáp ứng cao gấp 10 lần so với tiêu chuẩn hàng tươi sống đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật và EU.

Bước chuyển mình lên sàn niêm yết

Về kế hoạch niêm yết, Ông Trần Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kihusea VN chia sẻ: Trong những năm gần đây số lượng đơn hàng sản phẩm đông lạnh luôn vượt quá khả năng cung cấp của nhà máy. Trước nhu cầu thị trường ngày càng lớn, công suất Nhà máy đông lạnh hiện tại đã không còn đáp ứng đủ cho thị trường, do vậy Công ty đang xây dựng dự án Nhà máy đông lạnh tại khu công nghiệp Thạnh Lộc với tổng vốn đầu tư dự kiến là 140 tỷ đồng, công suất nhà máy dự kiến 3.000 tấn/năm.

Ông Trần Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kihusea VN.
Ông Trần Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kihusea VN.

Với kinh nghiệm gần 20 năm hoạt động, Công ty có cơ sở nhận định rằng trong tương lai ngành thủy sản sẽ còn phát triển hơn nữa theo xu thế của thế giới - con người ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm từ thủy sản. Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018-2020 được nhận định sẽ mang lại kết quả tốt căn cứ trên niềm tin và nhu cầu ngày càng cao của các khách hàng.

Phục vụ định hướng phát triển hàng giá trị gia tăng từ Tôm và Chả cá, Công ty cũng xây dựng dự án nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính với kinh phí đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 53 tỷ đồng, diện tích vùng nuôi là 32,5 ha.

Với những kế hoạch trên, Kihusea VN chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán HNX (Mã cổ phiếu: KHS) để bổ sung thêm một kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh dòng vốn tín dụng nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu cho một thị trường đang rất nhiều tiềm năng.

Mặt khác, Ông Trần Quốc Dũng cũng cho rằng là một công ty niêm yết thì tính chất minh bạch trong hoạt động cũng giúp Kihusea VN khẳng định thêm niềm tin cho cổ đông cũng như các đối tác kinh doanh với Công ty trong hiện tại và tương lai.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên