MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thời 4.0: Tài năng nhân sự quan trọng hơn vốn tài chính

Tổng giám đốc Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại cho rằng, trong tương lai, tài năng nhân sự quan trọng hơn nguồn vốn tài chính.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lý - công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Là quốc gia đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường…

Tuy nhiên, cách mạng 4.0 cũng đặt các doanh nghiệp Việt trước những nguy cơ, thách thức như việc tụt hậu về công nghệ, trình độ quản trị chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế… Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động trong nâng cao năng lực để giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội, ứng dụng 4.0 thành công vào sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp thời 4.0: Tài năng nhân sự quan trọng hơn vốn tài chính - Ảnh 1.
Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi năng lực để thích ứng.

Nhìn nhận về sự phát triển cũng như tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, bà Vũ Thị Vân Phượng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại cho rằng, Cách mạng 4.0 đang phát triển với tốc độ đột phá không có tiền lệ lịch sử theo cấp lũy thừa và phá vỡ hầu như mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia.

“Xét về cả bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này cho thấy nó biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Chúng ta không thể dự đoán chính xác rằng kịch bản nào có khả năng xuất hiện, tuy nhiên, trong tương lai, tài năng nhân sự sẽ quan trọng hơn nguồn vốn tài chính, sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất”, bà Phượng cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 mở ra muôn vàn cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam trong việc mở rộng quy mô thị trường, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Với thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là kinh doanh qua không gian mạng, việc kết nối giữa nhà phân phối với người tiêu dùng đã thuân lợi hơn rất nhiều. Các nhà bán lẻ có thể giảm tối đa chi phí vận hành vì không cần mở rộng quá nhiều mặt bằng kinh doanh, sử dụng hệ thống bán hàng tự động từ đó sẽ giảm bớt được chi phí thuê nhân viên bán hàng…

Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Hội lưu ý các doanh nghiệp cần xác định tư tưởng chiến lược, sau đó ứng dụng ngay lập tức các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại 4.0, bà Vũ Thị Vân Phượng lưu ý, khách hàng đang ngày càng ở trung tâm của nền kinh tế, đó là vấn đề cốt yếu quyết định việc doanh nghiệp phải tập trung cải thiện cách thức phục vụ khách hàng.

Cụ thể, cách quảng bá và marketing sản phẩm của mỗi doanh nghiệp phải gắn liền với phương thức tiếp thị trải nghiệm, cần phải làm cho khách hàng nhận rõ giá trị của sản phẩm mà họ nhận được trước khi bỏ tiền ra mua về, phải làm cho khách hàng thấy rằng họ quyết định chi tiền cho giá trị mà họ nhận được thông qua sản phẩm, không phải chi tiền để mua sản phẩm về.

Muốn vậy, khi ra sản phẩm mới, doanh nghiệp luôn phải tìm hiểu văn hóa tiêu dùng gắn với lĩnh vực liên quan đến sản phẩm. Các công ty phải tập trung khai thác tài năng sáng tạo của nhân viên bằng cách thay đổi mô hình kinh doanh mới, thậm chí cơ cấu lại tổ chức hoạt động theo phương thức hoàn toàn khác để phù hợp và thích ứng với các biến đổi đột phá của thời kỳ 4.0.

“Doanh nghiệp hiện nay muốn trụ vững và phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải chú trọng giải quyết các vấn đề: Sự kỳ vọng của khách hàng, tăng cường chất lượng dịch vụ sản phẩm, đổi mới phương thức hợp tác, tư duy quản lý điều hành doanh nghiệp”, bà Phượng chỉ rõ.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và lưu thông hàng hóa trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là vô cùng cần thiết. Trong đó, cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cũng như vai trò, vị trí và mong muốn của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0.

“Cơ quan quan lý cần có các định hướng và giải pháp phát triển cho phù hợp, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vai trò của cuộc cách mạng 4.0. Khi đó, các doanh nghiệp mới tận dụng các cơ hội để nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ, giảm tiêu hao chi phí trong sản xuất và lưu thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”, ông Đông phân tích./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên