MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp tư nhân và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

19-10-2019 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Khởi đầu bằng con số 0 tròn trĩnh, trải qua một chặng đường dài tới 30 năm, kinh tế tư nhân (KTTN) đã trở thành một chân kiềng vững chắc của kinh tế nước nhà. Đó là hành trình xứng đáng được tôn vinh.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ

Nhớ lại những ngày đầu gian khó của KTTN, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế chia sẻ: "Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khu vực KTTN vẫn không được thừa nhận sự tồn tại. Chỉ khi bước vào thời kỳ Đổi mới, kinh tế tư nhân mới được người ta nhắc đến".

Nhìn lại công cuộc Đổi mới của Việt Nam từ năm 1986, nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng ở mức trung bình 7%/năm, vị thế của Việt Nam trên thế giới đã thực sự thay đổi. Việt Nam đã ghi dấu ấn là đất nước tăng trưởng nhanh, được quốc tế đánh giá cao về việc đổi mới mô hình tăng trưởng, là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo. Để có được những kết quả tăng trưởng đó, bên cạnh khối kinh tế nhà nước, doanh nghiệp FDI, có sự đóng góp không nhỏ của KTTN.

Tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rõ: Khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Doanh nghiệp tư nhân và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Ảnh 1.

Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn vừa được Tổ chức Giải thưởng du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Sân bay mới hàng đầu Châu Á 2019".

Các doanh nghiệp tư nhân đã thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế khi tham gia ngày càng sâu rộng vào hầu hết tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có những lĩnh vực mà trước đây vẫn được coi là độc quyền của nhà nước như sân bay. Nhiều doanh nghiệp còn tiên phong đi đầu trong những lĩnh vực mới, vốn được coi là điểm yếu của Việt Nam như sản xuất ô tô, điện thoại di động…

Xác định vị trí xứng đáng cho các Tập đoàn KTTN

Dòng chảy phát triển của khu vực tư nhân qua mỗi thời kỳ đều gắn chặt với nhiều tên tuổi. Nếu như thời kỳ đầu, người ta nhắc đến kem đánh răng Dạ Lan, giày dép Biti's, nước rửa chén Mỹ Hảo, bánh Kinh Đô... thì hiện giờ, đó là những cái tên như Vietjet Air, Vingroup, Sun Group, FLC, FPT, TH True Milk... Sự lớn mạnh của những doanh nghiệp này đã góp phần đưa Việt Nam "tăng tốc" trên bản đồ kinh tế thế giới.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngoài sự đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân với các tên tuổi lớn đã tạo ra thế đối trọng, thế "kiềng ba chân" với khu vực doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI, giúp gia tăng cạnh tranh lành mạnh trong các ngành nghề.

Một trong những doanh nghiệp hàng đầu có thể kể tới là Tập đoàn Sun Group. Những công trình du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và hạ tầng giao thông được đầu tư quy mô, có chất lượng và giá trị thẩm mỹ đã góp phần vào sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành du lịch quốc gia và ghi tên Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Hay như Tập đoàn Vingroup khai mở con đường chế tạo và sản xuất trong các lĩnh vực mà trước nay chỉ là "sân chơi" của các nước phát triển như điện thoại di động, ô tô, xe điện… Hãng hàng không Vietjet trong việc hiện thực hóa giấc mơ bay của người Việt…

Doanh nghiệp tư nhân và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Ảnh 2.

Quần thể kiến trúc, văn hóa, tâm linh Sun World Fansipan Legend đã "đánh thức" ngành du lịch tại Sapa, Lào Cai.

Thời gian qua, Thủ tướng và Chính phủ đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau từ công nghệ cao, gỗ, ngành lúa gạo, sản xuất, lắp ráp ô tô... Thủ tướng tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đây là sự ghi nhận của người đứng đầu Chính phủ với những nỗ lực của khối doanh nghiệp tư nhân trong hành trình đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Nhưng nó cũng cho thấy trách nhiệm đặt lên vai các Tập đoàn KTTN, đó là trở thành "cánh chim đầu đàn", đưa nền kinh tế Việt Nam bắt kịp các xu hướng của kinh tế thế giới.

Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, nhà nước cũng đang có rất nhiều cơ chế, chính sách, thay đổi thể chế, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. "Trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã chú trọng tạo môi trường nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của khu vực KTTN. Chắc chắn KTTN sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và nó sẽ là "đầu kéo" chủ lực của cả nền kinh tế nếu từ nghị quyết đến thực thi được đồng bộ", ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên