MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài của FPT liệu có khả thi?

18-08-2015 - 09:28 AM | Doanh nghiệp

Để đạt được mốc 1 tỷ USD vào cuối năm 2020, doanh thu từ thị trường nước ngoài FPT sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục 40%/năm trong 5 năm tới.

Còn 5 năm rưỡi nữa để FPT hoàn thành mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài vào năm 2020. Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, con số này mới đạt 98 triệu USD. Vậy liệu Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này có hiện thực hóa được mục tiêu đã đề ra hay không?

Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT trong 5 năm gần đây (2011 - 2014), luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm. Trong sáu tháng đầu năm 2015, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng trưởng 44% so với cùng kỳ, đạt 2.118 tỷ đồng, tương đương 98 triệu USD. Dự kiến năm 2015, con số này vượt mốc 200 triệu USD, mới bằng 1/5 mục tiêu mà FPT đặt ra vào năm 2020.

Như vậy để đạt được con số 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài, FPT cần phải đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của 5 năm vừa qua, nghĩa là phải tăng trưởng ít nhất 40%/năm.

Để làm được điều này, theo phân tích của giới chuyên môn, một mặt FPT sẽ phải nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng tự thân ở mức 30%, mặt khác, M&A có thể bổ sung cho FPT 10% tăng trưởng còn thiếu.

 

Đơn vị: Tỷ đồng

Đơn vị: Tỷ đồng

 

Tăng trưởng của các thị trường trọng điểm

Với FPT việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao của các thị trường nước ngoài trọng điểm không hẳn là quá khó. Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm FPT vừa công bố, doanh thu của FPT từ thị trường Nhật Bản đạt 38 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ; thị trường Mỹ đạt 22 triệu USD, tăng 42%; thị trường châu Âu đạt 13 triệu USD, tăng 167%; thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đạt 10 triệu USD, tăng 32%; và nhóm các nước đang phát triển đạt gần 15 triệu USD, tăng 17%.

Tại thị trường các nước phát triển, Báo cáo “Dự báo Dịch vụ CNTT Toàn cầu 2012-2018” của Gartner cho thấy ngân sách hàng năm chi cho CNTT tại các quốc gia này là rất lớn, dẫn đầu là Mỹ với mức chi cho Ủy thác dịch vụ CNTT xấp xỉ 396 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản, và nhóm các nước Tây Âu.

Mặt khác, doanh nghiệp tại các nước phát triển đang phải tìm cách giảm chi phí liên quan đến CNTT và Việt Nam nói chung, FPT nói riêng đang có lợi thế đáng kể so với các thị trường ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) khác.

Để khai thác tiềm năng các thị trường này, gần đây FPT đã có những bước đi nhằm hiện thực hóa cơ hội như Chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư Cầu nối để giải quyết bài toán nhân lực tại Nhật Bản hay triển khai "con át chủ bài" S.M.A.C (Social – Mobile – Analytics – Cloud) tại thị trường Mỹ.

Còn tại các quốc gia đang phát triển như Bangladesh, Campuchia hay Myanmar đang có nhu cầu rất lớn về ứng dụng CNTT để phục vụ phát triển kinh tế quốc gia nhưng hầu như chưa có công ty CNTT nội địa nào đủ lớn để phát triển hệ thống CNTT quy mô lớn. Việc trúng nhiều hợp đồng tải mảng thị trường này sẽ bù đắp cho sự sụt giảm chi tiêu cho CNTT trong nước trong những năm qua, giúp FPT tiếp tục tăng trưởng.

Và ẩn số MA

Năm 2014, FPT đã hoàn tất thương vụ M&A đầu tiên trong lịch sử, mua lại công ty RWE IT Slovakia, công ty CNTT nội bộ của tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu, RWE. Sau khi hoàn tất, bên cạnh hợp đồng nhiều triệu USD với RWE, thương vụ này cũng đã mang về cho FPT hợp đồng với một số khách hàng khác trong lĩnh vực năng lượng tại thị trường châu Âu và mở rộng cơ hội cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong lĩnh vực này tại Nhật Bản.

Đây là một trong những nền tảng quan trọng để FPT có được sự tăng trưởng vượt bậc từ thị trường châu Âu và cũng là động lực để FPT tiếp tục theo đuổi con đường M&A.

Năm 2014, cùng với thương vụ M&A và việc thay đổi, đẩy mạnh chiến lược marketing, doanh thu của thị trường này đã đạt 421 tỷ đồng, tăng trưởng 117% so với năm 2013. Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng đầu năm 2015 với con số 274 tỷ đồng (tương đương 13 triệu USD), tăng 167% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, để có được những thương vụ M&A tạm gọi là thành công như thương vụ với RWE, FPT cũng sẽ phải tiếp tục “đãi cát tìm vàng”.

Theo một lãnh đạo của FPT, hiện tập đoàn vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty trong lĩnh vực dịch vụ CNTT có năng lực công nghệ và đội ngũ chuyên gia tư vấn trong các lĩnh vực mà FPT còn thiếu hoặc có cơ sở dữ liệu khách hàng phù hợp với mục tiêu của FPT tại các thị trường Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Châu Âu. Mới đây, FPT cũng đã bổ nhiệm ông Uwe Schlager, nhân vật chính giúp FPT thực hiện thành công thương vụ M&A với RWE, đảm nhiệm vị trí Giám đốc Phụ trách M&A nhằm chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm cơ hội M&A.

HUyền Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên