MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 vấn đề của các Doanh nghiệp niêm yết năm 2012

23-12-2012 - 08:39 AM | Doanh nghiệp

Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khá u ám, hàng tồn kho lớn, vòng quay vốn chậm, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

1.      Doanh nghiệp chật vật kinh doanh

Tồn kho cao tăng gần 15% so với số dư cùng kỳ khiến dòng tiền mặt để duy trì hoạt động cũng như mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp thiếu hụt. Vòng quay vốn chậm lại, chu kỳ sản xuất kinh doanh cũng trễ hơn so với trước đây kéo theo hàng loạt hệ lụy trong đó có nỗi lo lớn nhất là lợi nhuận giảm dần đến lỗ.

Dư tiền mặt tương đương bằng mức thấp năm ngoái trong bối cảnh nợ tăng cao khiến khả năng thanh toán rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Tuy doanh thu thuần chỉ giảm 2% nhưng do biên lợi nhuận gộp thấp và gánh nặng chi phí tài chính đã khiến bức tranh lãi quý 3 trở nên u ám với tổng mức LNST sụt giảm đến 17%, 140 doanh nghiệp trên cả 2 sàn lỗ 9 tháng và chỉ mới 60 doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cổ đông giao phó.

2.      Báo động số doanh nghiệp hủy niêm yết

22 doanh nghiệp hủy niêm yết năm 2012, 14 doanh nghiệp đối diện nguy cơ phải rời sàn, 1 doanh nghiệp giải thể là những con số nói lên thực trạng đáng buồn của doanh nghiệp niêm yết.

Mục tiêu lên sàn không còn được đáp ứng, rời sàn để tái cấu trúc là số ít. Số nhiều vẫn là lượng doanh nghiệp buộc phải ra đi bởi không đáp ứng được điều kiện niêm yết hiện hành.

Chủ động huỷ niêm yết gồm: S64, SSS huỷ niêm yết để sáp nhập vào SD6, SDS; HBB hủy niêm yết để sáp nhập SHB; CSG hủy niêm yết để giải thể, MKP huỷ để đăng ký kinh doanh mới.

Bị huỷ niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp, âm Vốn CSH gồm: VSP, CAD, TRI, BAS, VKP, AGC.

Các trường hợp huỷ niêm yết do CBTT: SME, MCV, SD3.

Huỷ niêm yết vì các lý do khác: VMG (không có giao dịch trong 1 năm), V11 (kiểm toán không đưa được NX về BCTC).

Chưa kịp giao dịch đã bị huỷ niêm yết: Nhiều doanh nghiệp e ngại tình hình thị trường CK không thuận lợi và hoãn tiến độ niêm yết dù đã được 2 sở chấp thuận. Năm 2012 có đến 5 doanh nghiệp như vậy: PSE, MED, PXH, HU4, VTE.

3.      Hơn 2.200 tỷ đồng lên sàn theo đường vòng

Trước khi chuẩn niêm yết mới có hiệu lực, 3 doanh nghiệp niêm yết là Alpphanam, FLC, VIS đã gấp rút phát hành để hoán đổi cổ phần doanh nghiệp chưa niêm yết. 3 thương vụ này đã đưa hơn 220 triệu cổ phần phổ thông tương đương 2.200 tỷ đồng mệnh giá lên sàn.

Việc niêm yết đường vòng cũng khiến Top người giàu nhất TTCK biến động trong đó Chủ tịch tập đoàn FLC-ông Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Alphanam-ông Tuấn Hải đều ghi tên vào top 50 người giàu nhất TTCK.

Một số doanh nghiệp khác cũng đã có kế hoạch phát hành cổ phần hoán đổi cổ phần DN chưa niêm yết như: TTF hoán đổi cổ phần các công ty con, JVC hoán đổi cổ phần của Kyoto Medical Science, LCS hoán đổi cổ phần Licogi 16.9, KDC hoán đổi cổ phần Vinabco.

4.      Bùng nổ phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá

Thị giá xuống thấp khiến việc huy động vốn bằng/ cao hơn mệnh giá trở nên khó khăn. Hàng loạt doanh nghiệp đã chọn phương án phát hành dưới mệnh giá để gọi vốn cho hoạt động kinh doanh của mình.

Hành động phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá khiến công ty phải ghi âm thặng dư vốn. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là gọi được vốn cổ đông trong bối cảnh chi phí lãi vay tăng cao được giải quyết.

Đây là việc chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, cơ quan Quản lý cho biết phát hành dưới mệnh giá không trái luật. Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc DN phát hành dưới mệnh giá để gọi vốn trong bối cảnh khó khăn.

Đi đầu phong trào là VDS với kế hoạch được vạch ra từ đầu năm là chào bán riêng lẻ 35,02 triệu cổ phần với giá thấp nhất 7.000 đồng/CP. Đến nay kế hoạch này vẫn chưa thực hiện nhưng VDS đã mở đầu một làn sóng phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.

DTA,TTF, KSD tiếp phong trào nhưng bất ngờ và gây sốc nhất cho cổ đông là kế hoạch chào bán 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 1.500 đồng/CP-chỉ tương đương khoảng 1/6 giá trị sổ sách hiện tại của công ty.

5.      Nhiều doanh nghiệp nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn

Vấn đề nặng nợ của doanh nghiệp trở thành vấn đề nóng năm nay trong bối cảnh nợ xấu của các ngân hàng ở mức cao nhất nhiều năm trở lại đây.


Nhiều doanh nghiệp liên tục đầu tư mở rộng sản xuất những năm 2010-2011, ngân hàng cũng chạy đua tín dụng những năm đó nhưng rồi nửa cuối 2011 và 2012 gặp phải tình hình kinh tế khó khăn, sản xuất, tiêu thụ đều đình trệ kéo theo việc doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ đến hạn, nợ xấu ngân hàng tăng theo.

Thống kê tình trạng nợ của DN niêm yết, có nhiều doanh nghiệp có Nợ ngắn hạn >= 3 lần Tài sản ngắn hạn như: DDM (6,74 lần ), SBA (5,5 lần), VNG (4,31 lần), PVR (3,82 lần), VSG (3,64 lần), DCT (3 lần)...


Ban Biên tập

thanhhuong

Trở lên trên