MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 vấn đề doanh nghiệp đối mặt khi tăng trưởng nóng

04-03-2015 - 17:33 PM | Doanh nghiệp

Tăng trưởng nhanh là tốt nhưng tăng trưởng quá nhanh thì lại khiến công ty đối mặt với rất nhiều vấn đề. Tăng trưởng quá nhanh không phải là tương lai màu hồng mà đó là thách thức.

Ths Bùi Thị Hà Linh
Ths Bùi Thị Hà Linh
Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính
3 bài viết

Tóm tắt:

-Tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng là mong muốn của bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng tăng trưởng quá nhanh lại là một thách thức không nhỏ.

-Tăng trưởng nóng đồng nghĩa với việc "đốt cháy" nhanh chóng các nguồn lực, cả tài chính và nhân sự, trước khi doanh nghiệp tự ổn định, cũng như các rủi ro khác như chưa nghiên cứu đầy đủ về tính kinh tế của mô hình kinh doanh cũng như thực tiễn thị trường.

-Các vấn đề mà các nhà điều hành cần phải thận trọng khi đối mặt với tăng trưởng nóng: Tăng trưởng liệu có bền vững, Huy động vốn có dễ dàng, Thận trọng với các khoản phải thu của khách hàng, Chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, Hệ thống kiểm soát nội bộ, Chi phí tăng cao, Sân chơi không chỉ có một người.


Tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng là mong muốn của bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng tăng trưởng quá nhanh lại là một thách thức không nhỏ. Khi cỗ xe lăn bánh quá nhanh thì người lái xe phải kiểm soát được tốc độ, hệ thống phanh và kết cấu hạ tầng phải tốt.

Tăng trưởng nhanh là tốt nhưng tăng trưởng quá nhanh thì lại khiến công ty đối mặt với rất nhiều vấn đề. Tăng trưởng quá nhanh không phải là tương lai màu hồng mà đó là thách thức. Nó giống như người lái mất kiểm soát với cỗ xe khi chính họ tăng tốc cho nó. Một nghiên cứu gần đây về hơn 1.000 doanh nghiệp trên toàn cầu của tạp chí Mc Kinsey chỉ ra rằng, chỉ 10% các doanh nghiệp có được lợi thế lâu dài từ tốc độ tăng trưởng nhanh. Trường hợp ngược lại, phát triển nhanh không đưa lại lợi ích gì, thậm chí còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Kỳ vọng tăng trưởng một cách thái quá khiến người lãnh đạo đưa ra những thách thức vượt quá khả năng và kinh nghiệm lãnh đạo của họ để rồi chính họ bị nhấn chìm.

Tăng trưởng nóng đồng nghĩa với việc "đốt cháy" nhanh chóng các nguồn lực, cả tài chính và nhân sự, trước khi doanh nghiệp tự ổn định, cũng như các rủi ro khác như chưa nghiên cứu đầy đủ về tính kinh tế của mô hình kinh doanh cũng như thực tiễn thị trường. Nếu như công ty lại tham vọng nhảy vào cả những lĩnh vực vốn không phải là thế mạnh thì rủi ro là rất lớn. Và việc này chắc chắn sẽ “ngoạm” vào không ít vốn của công ty nếu muốn làm cho “ra tấm ra món” và cũng phải mất khá lâu mới có thể tạo ra dòng tiền dương. Để tăng trưởng công ty cần phải tiêu tốn không ít tiền, điều này có nghĩa là áp lực “tiền lấy ở đâu” luôn thường trực. Khi tiền không được bơm kịp thời thì nó cũng giống như cỗ máy đang chạy nhanh mà không được tiếp nhiên liệu nữa.

Dưới đây là những vấn đề mà các nhà điều hành cần phải thận trọng khi đối mặt với tăng trưởng nóng:

Tăng trưởng liệu có bền vững? Nhà quản trị phải đặt ra được câu hỏi là liệu quyết định mở rộng thị trường là dựa vào cảm tính hay dựa trên những nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, những phân tích kinh tế và tài chính một cách thận trọng? Trên thực tế các nhà điều hành và các chủ sở hữu thường tận dụng lợi thế thị trường để mở rộng quy mô hơn là dựa trên khả năng nội tại của công ty cũng như sự cần thiết có nên mở rộng hay không.

Huy động vốn có dễ dàng? Như đã nói ở trên, để mở rộng được quy mô thì câu hỏi đầu tiên là “tiền đâu”. Tăng trưởng cần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Có thể đi vay nhưng vay thì phải trả, nếu tăng trưởng là không bền vững thì rủi ro không trả được nợ là vô cùng nguy hiểm. Có thể phát hành cổ phiếu, nếu thị trường chứng khoán hồ hởi, phấn khởi thì cũng có thể huy động được nhưng nếu các nhà đầu tư khôn ngoan nhận thấy rằng sự tăng trưởng ấy là không bền vững thì rất khó thuyết phục. Và bây giờ thì nhà đầu tư đang ngày càng trở nên khôn ngoan hơn! Nhiều công ty vội vã đầu tư nhưng chưa lường hết khó khăn dẫn tới mất cân đối nguồn vốn, thanh khoản kiệt quệ.

Thận trọng với các khoản phải thu của khách hàng. Trên thực tế những công ty tăng trưởng nhanh thường phải đối mặt với vấn đề quản trị các khoản nợ của khách hàng. Mặc dù doanh thu tăng lên không ngừng nhưng nếu việc thu nợ từ các khách hàng không phù hợp và kịp thời thì công ty sẽ gặp vấn đề trong việc tiếp nhiên liệu cho cỗ máy. Khi tiền vào ít, tiền ra nhiều thì đấy là nguy cơ. Khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ niêm yết chưa quản trị tốt dòng tiền. Một khi vướng vào 'bẫy' tăng trưởng nóng thì dễ rơi vào trạng thái mất cân đối dòng tiền.

Chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Khi mở rộng quy mô quá mức thì việc quản lý sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát trong khi khách hàng nhiều hơn, đòi hỏi khắt khe với chất lượng và dịch vụ của công ty. Tất yếu các dịch vụ dành cho khách hàng sẽ không còn được như trước. Khách hàng mới chưa biết sẽ tăng được bao nhiêu nhưng khách hàng cũ thì sẽ không hài lòng. Khi các thượng đế không hài lòng đấy là sự cảnh báo!

Khả năng quản trị. Khi có quá nhiều thứ phải quan tâm thì mức độ quan tâm đến từng thứ sẽ ít đi. Khi lực lượng sản xuất phát triển thì quan hệ sản xuất phải có sự phát triển cho phù hợp. Khi người điều hành đóng quá nhiều vai thì tất nhiên màn trình diễn sẽ không còn hay nữa. Khi công ty tăng trưởng nhanh thì cần có nhiều cánh tay và khối óc trợ giúp cho sự tăng trưởng đó. Điều đó có nghĩa là cần phải thuê và đào tạo những nhân viên quản lý có năng lực thực sự để trở thành những cánh tay đắc lực phục vụ cho sự tăng trưởng. Và ngay bản thân nhà lãnh đạo cũng phải có bản lĩnh đương đầu với các vấn đề cùng một lúc và phải ra quyết định một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nó giống như việc đi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, tác phong phải được thay đổi.

Hệ thống kiểm soát nội bộ. Các công ty tăng trưởng cần phải đảm bảo được khả năng thu thập và xử lý thông tin nội bộ một cách kịp thời và phù hợp (đó là những thông tin liên quan đến chi phí, ngân sách, cạnh tranh, hàng tồn kho, dòng tiền, doanh số…). Khi nhà lãnh đạo cần ra quyết định thì các thông tin này phải được thu thập luôn và ngay với độ tin cậy cao. Muốn vậy khi mở rộng quy mô thì việc tái cơ cấu hoạt động hệ thống là cần thiết.

Chi phí tăng cao. Tăng trưởng nhanh “ngốn” không ít tiền của công ty, chi phí tăng cao sẽ làm xẹp lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi lợi nhuận sụt đi thì việc huy động nguồn cho hoạt động ngày càng phình ra của công ty là không dễ vì thật khó để thuyết phục các nhà đầu tư. Và lợi nhuận sụt đi sẽ gây căng thẳng cho công ty để trả các khoản nợ cũ, khả năng trả nợ cũ mà chưa giải quyết được thì việc vay nợ mới là không dễ.

Sân chơi không chỉ có một người. Suy cho cùng những công ty tăng trưởng nhanh không thể tăng trưởng đột biến mãi mãi. Điều này vì nhiều lý do, đơn giản nhất là ngay từ nội lực bản thân công ty không đáp ứng được yêu cầu của sự tăng trưởng. Và một điều chắc chắn rằng sẽ xuất hiện các đối thủ cạnh tranh và sẽ san bằng tỷ suất lợi nhuận đột biến đó.

Các nhà quản trị chính là người lèo lái cỗ máy, vì thế họ phải có trách nhiệm lắp hệ thống phanh phù hợp cho cỗ máy mình đang vận hành, lúc nào tăng tốc lúc nào hãm phanh đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và đôi khi cả sự may mắn, điều quan trọng là đừng để nó mất kiểm soát. Điều này có vẻ khó bởi các nhà quản trị muốn mở rộng đế chế của mình hơn là chỉ muốn duy trì trạng thái hiện tại của nó.

Bùi Hà Linh

CTV Doanh nghiệp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên