MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Alsimexco bỏ mặc lời kêu cứu của người lao động

06-03-2013 - 15:58 PM | Doanh nghiệp

Một nhóm lao động tại Nhật và lao động phải về nước trước hạn do CTCP Cung ứng và xuất khẩu lao động hàng không (Alsimexco) đưa đi đã gửi đơn kêu cứu vẫn chưa được giải quyết.

Số lao động tại Nhật thì đang sống vất vưởng chờ ngày trở về. Những lao động đã về nước thì chờ cả năm nay nhưng chưa được thanh lý hợp đồng đến mức phải bán nhà trả nợ.

Ở lại: lang thang

Võ Đình Hải quê tại Phú Yên và Đỗ Thị Thu Hoài quê ở Phú Thọ gửi tới phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị lá đơn kêu cứu khẩn cấp đẫm nước mắt. Cả Hải và Hoài được công ty Alsimexco chi nhánh tại TP.HCM đưa sang Nhật tu nghiệp tại nghiệp đoàn Hagano tỉnh Tochighi (nằm ở phía Bắc Nhật Bản), ngành nông nghiệp, vào tháng 10.2011. Tuy nhiên đến nay, hai lao động này đã phải lang thang khắp nơi xuống miền Nam nước Nhật để đi ở nhờ những tu nghiệp sinh khác trong tình trạng không tiền bạc, không việc làm.

Theo đơn, trước khi xuất cảnh, những lao động này ký hợp đồng với công ty và được cam kết về mức lương, số giờ làm việc hàng tuần, bảo hiểm và được miễn phí tiền nhà, tiền phí sinh hoạt. Tuy nhiên ngay khi bắt đầu công việc họ đã bị vi phạm tất cả những cam kết này. Cụ thể, ngay tháng lương đầu tiên, lao động bị trừ 30.000 yen (tương đương với khoảng 7,8 triệu đồng) mà không biết lý do vì sao. Sau đó họ bị ép phải ký lại hợp đồng với mức lương thấp hơn nhưng người lao động không ký. Người lao động thường xuyên bị chấm công sai và trả lương trễ. Họ phải ở trong nhà container với thời tiết khắc nghiệt của cái lạnh phía Bắc nước Nhật, nhà tắm ngoài trời và không có nước nóng. Hàng tháng mỗi lao động bị trừ tới 48.000 yen tiền thuê nhà (tương đương với khoảng 12,5 triệu đồng).

“Công việc của chúng tôi rất nặng nhọc, ngoài việc trồng dâu, hái dâu chúng tôi phải trèo lên mái nhà lồng, khuân vác nặng, sấy lúa... nhưng chúng tôi hoàn toàn không có bảo hiểm”, Hải cho biết. Tất cả những thắc mắc này, những lao động như Hải, Hoài đã trao đổi với đại diện công ty môi giới cho công ty Alsimexco tại Nhật là vợ chồng bà Xuân và ông Mashiko nhưng đã nhận về những lời chửi bới, lăng mạ của họ.

Do bị chèn ép, Hải và Hoài đã nhiều lần điện thoại trực tiếp, gửi đơn kêu cứu về công ty và ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật, cục Quản lý lao động ngoài nước nhưng không ai giải quyết cho họ. Hải và Hoài đã tìm đến văn phòng tổ chức Hợp tác đào tạo lao động Nhật Bản (Jitco) tại tỉnh Osaka để kêu cứu và nhận được lời động viên, hứa giải quyết. Tuy nhiên, trong quyền hạn của tổ chức Jitco, họ có kiểm tra nghiệp đoàn Hagano và yêu cầu nghiệp đoàn không được vi phạm. “Chúng tôi muốn trở về, nhưng chúng tôi cũng đề nghị công ty Alsimexco phải có trách nhiệm với chúng tôi khi đưa chúng tôi sang đây làm việc rồi bỏ mặc chúng tôi để cho môi giới chèn ép tới mức không thể sống nổi như vậy được”, Hoài cho biết.

Về nước: bán nhà trả nợ

Cùng được công ty Alsimexco đưa sang Nhật làm việc tại nghiệp đoàn Hagano, vào tháng 11.2011, Trịnh Thị Thuỳ Linh ở trong tình cảnh tương tự như Hoài và Hải, bị trừ lương không lý do, bị ép phải nộp tiền mua gạo, tiền bảo hiểm hàng tháng nhưng không được tham gia bảo hiểm, bị trừ tiền thuê nhà với mức chi phí rất đắt dù đang ở trong những căn phòng tồi tàn... Tuy nhiên, Linh đã bị ông Mashiko là chồng bà Xuân, đại diện cho công ty môi giới của công ty Alsimexco ném tất cả đồ đạc ra ngoài và khoá cửa phòng lại.

Sau nhiều tháng lang thang vất vưởng để chờ giải quyết nhưng không được giải quyết, cuối cùng Linh đã đồng ý để bà Xuân trừ 90.000 yen vào lương (tương đương với khoảng 23,5 triệu đồng) để mua vé máy bay về nước. Tới nay, sau gần một năm trở về, Linh vẫn chưa được công ty thanh lý hợp đồng với lý do “lỗi hoàn toàn thuộc về người lao động và người lao động phải chịu trách nhiệm”. Do chi phí trước khi đi phải vay lãi, mới sang chưa kiếm được tiền, lại bị trừ đủ các loại chi phí như vậy, cuối cùng gia đình Linh đã phải bán căn nhà tại quận 12, TP.HCM để trả nợ.

Một lao động khác cũng về nước trước hạn là Huỳnh Lan Cát Phương cũng gần một năm nay không được thanh lý hợp đồng. “Em sang Nhật để làm việc và kiếm tiền phụ giúp gia đình chứ đâu phải đi chơi, nhưng công ty vu khống là em tự nguyện xin về nước là không đúng. Em bị chèn ép quá và bị đại diện môi giới lôi ra xe bắt về nước chứ không hề làm đơn xin về nước”, Phương cho biết.

Cả những lao động còn đang vất vưởng bên Nhật và những lao động phải về nước do không chịu nổi cuộc sống vất vưởng như vậy nên đã phải về nước đều nhận được sự im lặng từ công ty Alsimexco và cơ quan quản lý cả năm nay. Ai sẽ là người giải quyết quyền lợi cho họ và chịu trách nhiệm về việc đó? Không lẽ tất cả sự thua thiệt đều dồn lên đầu những lao động yếu thế?

Theo Tây Giang

SGTT

Ông Đỗ Tất Thành (cha của lao động Đỗ Thị Thu Hoài, địa chỉ tổ 3 khu Hương Trầm, phường Dữu Lâm, Việt Trì, Phú Thọ):

Không ai giải quyết

Con tôi được công ty Alsimexco tại phía Nam đưa đi Nhật, ngay khi sang đã làm không đúng hợp đồng, đến sân bay là công ty thu lại hết các hợp đồng và yêu cầu con tôi ký lại hợp đồng mới. Khi ở nhà thì cam kết là sang không phải nộp thêm bất cứ loại tiền gì nữa nhưng đến khi làm việc thì thu hết tiền nọ tiền kia. Đến khi các cháu có ý kiến thì không giải quyết và đuổi các cháu ra khỏi nơi làm việc.

Hiện giờ con tôi đang lang thang bên Nhật, không có chỗ ở, không có công ăn việc làm. Muốn về nước các cháu buộc phải ký vào cam kết là các cháu sai và tự nguyện xin về nước trong khi lý do là công ty vi phạm cam kết. Tôi đã vào TP.HCM để làm việc với công ty từ trước tết âm lịch, đã gửi hợp đồng của cháu xuống trụ sở công ty tại Hà Nội nhưng cũng không ai giải quyết. Gần một năm rồi cháu cứ lang thang như vậy.

Bà Trần Minh Thư (phó trưởng phòng thanh tra, cục Quản lý lao động ngoài nước):

Chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại ba bên!

Tháng 7.2012, chúng tôi có nhận được đơn của lao động Trịnh Thị Thuỳ Linh về việc về nước trước hạn. Sau đó cục chỉ đạo ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật xác minh trường hợp này, ban cũng đã có công văn trả lời cục về trường hợp tu nghiệp sinh Linh về nước. Phòng thanh tra của cục cũng đã làm việc với công ty Alsimexco và công ty cũng đưa ra các bằng chứng khẳng định về nước trước hạn là lỗi do tu nghiệp sinh Linh.

Vậy đã bao giờ cục làm việc với người lao động để nghe xem thực sự người lao động vì sao phải về nước chưa?

Chúng tôi chưa gặp lao động, có thể chúng tôi sẽ tổ chức cuộc gặp ba bên, trong đó có cả người lao động để lắng nghe cho khách quan.

Vậy sự việc từ tháng 7.2012 đến giờ không có thêm tiến triển gì, người lao động yếu thế phải mòn mỏi chờ đợi, lao động ở nước ngoài thì lang thang vất vưởng, việc này sẽ xử lý thế nào?

Chúng tôi sẽ nghiên cứu hồ sơ, đôn đốc công ty giải quyết. Chúng tôi cũng sẽ thu thập đầy đủ chứng cứ, tuy nhiên do đây là chứng cứ bên Nhật nên sẽ mất thời gian.


thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên