MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bát nháo” doanh nghiệp bán đấu giá tài sản

01-12-2011 - 09:10 AM | Doanh nghiệp

Hà Nội là một trong những địa phương tập trung khá lớn số doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.

Xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS) là một chủ trương đúng, tuy nhiên trong giai đoạn “quá độ” của Nghị định 05, với những quy định được coi là dễ dãi, việc thành lập quá nhiều doanh nghiệp đấu giá cũng như cấp thẻ đấu giá viên vô hình đã gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, mà đến khi thực hiện Nghị định 17/CP cũng chưa khắc phục triệt để.

Doanh nghiệp đấu giá ít bán đấu giá

Với những quy định hết sức thông thoáng của Nghị định 05/CP về bán đấu giá tài sản, nhiều tư nhân đã “bung” ra lập doanh nghiệp bán đấu giá, phấn đấu được cấp thẻ đấu giá viên dù họ không hành nghề đấu giá chuyên nghiệp.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2010, trong cả nước có hơn 100 doanh nghiệp BĐGTS, tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM , Đà Nẵng ... Một số địa phương có 2 doanh nghiệp, còn lại chủ yếu 1 doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong số này chỉ có 6 doanh nghiệp BĐGTS chuyên nghiệp, số còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Hà Nội là một trong những địa phương tập trung khá lớn số doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: hiện Hà Nội có 54 doanh nghiệp bán đấu giá, nhưng chỉ có 23 doanh nghiệp đủ điều kiện bán đấu giá theo quy định của Nghị định 17/CP. Một cuộc kiểm tra của Hà Nội cho thấy trong 18 doanh nghiệp được kiểm tra thì chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là bán đấu giá tài sản, còn 17 doanh nghiệp khác bán đấu giá chỉ là một trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng tại một cuộc kiểm tra của Sở Tư pháp Hà Nội, các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hoạt động rất “bát nháo”. Có công ty chăng biển nhưng không có người, có đấu giá viên từ khi được cấp thẻ chưa một lần đi làm đấu giá. Hàng năm, hầu hết các doanh nghiệp đấu giá tài sản không thực hiện chế độ báo cáo, không đăng ký danh sách đấu giá viên; một số doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh, vi phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản…

Còn tại Đồng Tháp, năm 2011 xảy ra “hiện tượng” khách hàng “đổ bộ” vào doanh nghiệp thẩm định và bán đấu giá tài sản vì lý do hoa hồng của doanh nghiệp cao hơn trung tâm. Có địa phương khác, khách hàng còn ra điều kiện “phần trăm” nếu muốn ký hợp đồng bán đấu giá.

Việc cấp thẻ đấu giá do tồn tại của Nghị định 05/CP về bán đấu giá tài sản cũ là khá dễ dàng (có bằng tốt nghiệp đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành học từ hai năm trở lên; có phẩm chất dạo đức tốt; không phải là người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…) nên dẫn đến tình trạng cấp tràn lan, ồ ạt. Nghị định 17 cơ bản đã khắc phục tình trạng này, tuy nhiên, một quy định khác cũng nảy sinh bất cập đó là doanh nghiệp đấu giá chuyên nghiệp lại có thể cấp thẻ đấu giá viên cho đấu giá viên để sử dụng. Quy định “tự mình cấp thẻ cho mình” theo nhiều đấu giá viên là chưa phù hợp.

Tài sản nhà nước chỉ nên giao trung tâm?

Quá trình thực hiện Nghị định 17/CP, Sở Tư pháp Quảng Ngãi cho biết: vướng mắc phát sinh là, cả hai tổ chức (trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá) đều có chức năng bán đấu giá, nhưng riêng việc bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thì sẽ giao cho tổ chức nào?

Hiện nay theo Sở Tư pháp Quảng Ngãi hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đang được áp dụng theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mà theo Điều 16 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 216 thì chỉ UBND tỉnh mới có quyền hạn quyết định giao việc tổ chức đấu giá cho tổ chức của Nhà nước có chức năng đấu giá quyền sử dụng đất. Vì vậy, với quy định này thì nhiệm vụ bán đấu giá quyền sử dụng đất ở đây sẽ được giao hoàn toàn cho tổ chức nào là vấn đề chưa được phân định.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, nếu giao doanh nghiệp bán đấu giá được quyền như các Trung tâm thì sẽ thiếu sự công bằng. “Đấu giá tư nhân dễ tạo ra sự móc ngoặc, thao túng, nhất là trong việc bán tài sản nhà nước. Trong khi đó, nếu giao việc bán tài sản nhà nước cho các trung tâm đấu giá của nhà nước sẽ yên tâm hơn.

Do vậy, để tránh thất thoát, đề nghị tài sản nhà nước dứt khoát chỉ giao cho trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản”, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương Nguyễn Đại Dân đề nghị.

Tuy nhiên, quan điểm trái ngược lại cho rằng, cả trung tâm và doanh nghiệp đều đang “chơi” trong một “sân” chung, đó là Nghị định 17/CP. Không thể có chuyện phân biệt nhà nước hay tư nhân, mà đó là quyền lựa chọn của khách hàng với những địa chỉ uy tín.

Theo Duy Hưng

Phapluatvn.vn

thanhhuong

Trở lên trên