MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra tính kế chia lại thị phần

19-03-2013 - 07:27 AM | Doanh nghiệp

Động thái đầu tiên từ phía các DN xuất khẩu của Việt Nam nằm ngoài danh sách áp thuế của lần POR8 này là tăng cường sản lượng vào thị trường Mỹ.

Trước nguy cơ “knock out” khỏi thị trường Mỹ vì bị áp thuế chống bán phá giá cao, một mặt, các DN cùng hiệp hội đại diện quyết tâm theo kiện nhưng cũng chuẩn bị cho một cuộc chuyển hướng sang thị trường ít sóng gió hơn.

Thay nhau tấn công

Việc áp thuế vào những DN cụ thể khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sẽ tác động không nhỏ đến thị phần xuất khẩu của các DN xuất khẩu. Cơ hội của người này bị thu hẹp đồng nghĩa với việc thời cơ của người khác. Các DN không thuộc diện bị áp thuế có thể sẽ lên kế hoạch tăng lượng hàng vào thị trường này.

Động thái đầu tiên từ phía các DN xuất khẩu của Việt Nam nằm ngoài danh sách áp thuế của lần POR8 này là tăng cường sản lượng vào thị trường Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty Agifish An Giang cho hay: "Nhiều năm nay công ty không nằm trong diện áp thuế CBPG ở mức cao nên đang tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản lượng để xuất khẩu. Với các đơn hàng hiện tại nhà máy sẽ làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách. Hiện tại nhiều nhà nhập khẩu đang liên hệ để đặt hàng."

Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep khẳng định, chưa thấy có dấu hiệu chững lại với thị trường xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Việc áp thuế vẫn chưa có hiệu lực trong khi đó các DN nằm ngoài danh sách bị áp thuế cao vẫn có thể cố gắng thay thế được. Con số dự kiến xuất khẩu cá tra hơn 300 triệu USD trong năm nay của Vasep nhiều khả năng vẫn có thể thực hiện. Ngoài ra việc tăng thuế lên cao nên các nhà nhập khẩu đẩy nhanh tiến độ và lượng hàng nhập nhằm đề phòng giá cá nguyên liệu sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Trước nguy cơ tăng thuế, không ít người nuôi cá tra hoang mang. Ông Lâm Thành Phú, hộ nuôi cá tra xuất khẩu Vĩnh Long cho biết: "Hiện tại gia đinh đang có khoảng 200 tấn cá tra đã đến kỳ xuất ao. Không thể biết giá cá nguyên liệu có thể tăng lên hay không sau vụ việc vừa rồi nhưng việc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên việc thu mua của các doanh nghiệp cũng ít khi ổn định.

"Đã 2 năm liên tục người nuôi cá tra bị lỗ nặng, hết vốn đầu tư, ao đầm bỏ phế rất nhiều vì giá cả thất thường. Nghề nuôi cá chưa được vực dậy thì nay lại dính đòn thuế từ Mỹ", ông Phú nói.

Dò dẫm tìm ngã rẽ

Hiện tại, dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra chủ lực nhưng đã không hẳn là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều DN. Hầu hết đều cho rằng ngoài vẻ hấp dẫn bên ngoài thì thị trường này chứa đựng nhiều rủi ro và luôn thấp thỏm với kiện tụng. Chưa thể nói phán quyết vừa rồi là giọt nước làm tràn ly nhưng cũng khiến nhiều DN cân nhắc hơn với thị trường Mỹ và tìm hướng mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN cần tìm sang các thị trường khác như Trung Đông, EU, Nam Mỹ... không có những lực cản phi lý như thị trường Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Đạo Tổng Giám đốc công ty CP thủy sản Gò Đàng cho biết: "Mức thuế mà công ty bị áp quá lớn khiến công ty khó lòng có thể duy trì dài hơi ở thị trường này. Trước mắt công ty tạm ngừng xuất hàng sang Mỹ, thay vào đó sẽ đẩy mạnh cho thị trường EU, mặc dù khắt khe hơn Mỹ nhưng đây cũng là thị trường lớn của cá tra Việt Nam".

Sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ đã khiến nhiều DN khó trở tay sau những đợt xem xét hành chính. Đối với những DN không có hoặc rất ít thị phần tại Mỹ mặc dù khắt khe và giá thấp, nhưng luôn mang tính ổn định kể cả mặt thị trường lẫn tăng trưởng doanh số. Đây cũng là cách để các DN có nhiều thị phần tại Mỹ cân nhắc chuyển hướng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Phấn, Tổng Giám đốc CP chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh nhìn nhận: "Mặc dù xuất khẩu sang thị tường Mỹ luôn có sức hấp dẫn ở bề nổi là giá cao, tuy nhiên tính rủi ro của thị trường này cũng cực kỳ lớn. Nếu tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ sẽ dẫn đến việc phụ thuộc vào một thị trường thiếu ổn định về pháp lý và nhiều rủi ro. Hơn hết là doanh nghiệp nên tìm cách đa dạng hóa thị trường để ổn định doanh thu và phòng ngừa biến cố như đẩy mạnh sản phẩm sang các nước Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ".

Mexico là điểm đến hấp dẫn với phương thức thanh toán đơn giản, rõ ràng, khối lượng nhập khẩu tương đối ổn định, giá cả phải chăng, phí vận chuyển trung bình, yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật... sản phẩm không quá cao... Chính những lý do này khiến Mexico tạo sức hút đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Đến nay, nhiều DN xuất khẩu cá tra Việt Nam đang chuyển hướng thành công sang thị trường này như Hung Vuong Corp, Bianfishco, Thimaco, CL-Fish, Navico, Thufico, Bien Dong Seafood, Ocean Food Corp... đã phần nào tạo được sự ổn định.

Một số DN trong diện bị áp thuế cao trên 3 USD/kg đang cân nhắc về chiến lược dài hơi với thị trường Mỹ. "Năm qua công ty vừa mới xuất khẩu thử nghiệm vào Mỹ mà phải chịu mức thuế cao như vậy thì không có cơ hội để cạnh tranh. Có thể thị trường này sẽ bị loại ra khỏi danh sách xuất khẩu của công ty để tập trung cho các thị trường khác. Hiện tại mặc dù tiêu chuẩn nhập khẩu của Châu Âu còn nhiều khắt khe nhưng vẫn có cơ hội phục hồi khi các DN quyết tâm chinh phục".

Theo Nam Phong


thanhhuong

Vef

Trở lên trên