MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các Bộ đồng ý đề xuất nhập khẩu đường sản xuất từ Lào của Hoàng Anh Gia Lai

23-01-2014 - 22:22 PM | Doanh nghiệp

Các Bộ trên cũng lưu ý cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo lượng đường NK không bị tiêu thụ trong nước, cạnh tranh không lành mạnh với thị trường sản xuất chế biến đường trong nước.

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 355/BCT-XNK báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiến nghị cho phép NK đường của Công ty TNHH mía đường Hoàng Anh Attapeu (trực thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) sản xuất tại Lào. Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng việc này sẽ gây tác hại nghiêm trọng với ngành mía đường nội địa.

Theo đó, về đề nghị giải quyết hạn ngạch NK tiêu thụ tại Việt Nam 40.000 tấn đường trong năm 2013 – 2014 của Hoàng Anh Attapeu, Bộ Công Thương cho biết Công ty này không thuộc đối tượng được giao hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2013.

Tuy nhiên để tạo điều kiện cho Hoàng Anh Attapeu tiêu thụ đường đầu tư, sản xuất tại Lào nhằm nâng cao kim ngạch XNK giữa 2 nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Lào do đó Bộ Công Thương đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP đường Biên Hòa được NK 30.000 tấn đường thô sản xuất tại Lào của Hoàng Anh Attapeu sau đó gia công, tinh luyện và bán, trao đổi qua biên giới (cửa khẩu Bản Vượt tỉnh Lào Cai) toàn bộ lượng đường này.

Bộ Công Thương sẽ xây dựng quy chế, quy trình giám sát và phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lào Cai để chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường và Hải quan kiểm tra quá trình NK, sản xuất, gia công và bán, trao đổi qua biên giới nhằm không để thẩm lậu đường vào thị trường nội địa ảnh hưởng đến thị trường đường trong nước.

Bộ Công Thương cho biết đã nhận được ý kiến của Bộ NN & PTNN, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao về vấn đề trên và nhìn chung các Bộ đều đồng ý hoặc không phản đối việc Công ty CP đường Biên Hòa NK đường thô của Hoàng Anh Attapeu.

Tuy nhiên, các Bộ trên cũng lưu ý cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo lượng đường NK không bị tiêu thụ trong nước, cạnh tranh không lành mạnh với thị trường sản xuất chế biến đường trong nước.

Trả lời về thủ tục hải quan đối với việc NK đường của Hoàng Anh Attapeu, Bộ Tài Chính cho biết trường hợp NK đường theo loại hình SXXK và việc XK hàng gia công đề nghị hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định về thủ tục hải quan tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013. Về việc XNK qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, đề nghị thực hiện theo điều 9 Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 7-11-2006 và khoản 4 điều 1 Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nếu Công ty CP đường Biên Hòa được cấp phép NK đường của Hoàng Anh Attapeu về để tinh luyện sau đó tái xuất qua cửa khẩu Bản Vượt sang Trung Quốc sẽ xảy ra cạnh tranh về giá XK với đường của các Công ty mía đường trong nước. Do Bản Vượt hiện là cửa khẩu duy nhất đường sản xuất của Việt Nam XK được qua Trung Quốc. 

Khi cạnh tranh xảy ra, để tồn tại được, các Công ty đường trong nước sẽ hạ giá mua mía thấp hơn giá mua mía hiện nay, một số nông dân trồng mía trên những vùng đất có năng suất và chất lượng thấp sẽ bị lỗ.

Đồng thời nếu Bộ Công Thương dễ dãi trong việc cấp phép cho tạm nhập khẩu đường thô để chế biến rồi tái XK qua cửa khẩu phụ thì các Công ty đường trong nước cũng sẽ xin tạm nhập khẩu đường thô giá rẻ từ Thái Lan, Brazil về để bổ sung vào dây chuyền sản xuất và tái xuất qua cửa khẩu phụ.

Hiện nay, ngoài Công ty CP đường Biên Hòa, VSSA có 8 Công ty đường có đủ khả năng sản xuất đường tinh luyện RE từ mía và/hoặc đường thô, bao gồm: Việt Đài, Lam Sơn (Thanh Hóa), KCP (Phú Yên), Khánh Hòa (Khánh Hòa), La Ngà (Đồng Nai), Bourbon Tây Ninh (Tây Ninh), NIVL (Long An), Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Sản xuất đường RE theo phương thức trên, các Công ty đường khác có lợi thế hơn vì có công nghệ mới hơn, có bã mía làm chất đốt không phải mua và dùng đồng thời cả 2 loại nguyên liệu là mía và đường thô để sản xuất. Trong khi Công ty CP đường Biên Hòa chỉ sản xuất đường tinh luyện từ đường thô, tốn nhiều chi phí do phải mua than đá và dùng công nghệ cũ.

thanhhuong

Báo Hải quan

Trở lên trên