MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các "đại gia" nhận được bao nhiêu cổ tức mùa này?

02-08-2015 - 09:52 AM | Doanh nghiệp

Tính ra, vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng nhận về khoảng 5.500 tỷ đồng; Ông Trần Lệ Nguyên, phó Chủ tịch Kinh Đô nhận về gần 300 tỷ đồng...

Năm 2015 đã trôi qua được 7 tháng, phần lớn các doanh nghiệp trên sàn niêm yết đã thông qua mức cổ tức sẽ chi trả cho các cổ đông. Có doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền, bằng cổ phiếu hoặc cả 2 loại hình trên. Và rất nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành việc trả cổ tức năm 2014, thậm chí, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 tốt đã cho cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2015.

Mới đây, các cổ đông của Kinh Đô (KDC) đã nhận được thông báo chốt quyền nhận cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt với tỷ lệ 200% (01 cổ phiếu sẽ được nhận 20.000 đồng). Mức cổ tức "hiếm có" này được quyết định chi trả sau khi Kinh Đô hoàn thành chuyển nhượng 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương cho đối tác nước ngoài. Ghi nhuận doanh thu và lợi nhuận từ thương vụ này, nên kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, KDC đạt mức lãi gần 6.600 tỷ đồng, chính thức vượt 1% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với tỷ lệ chi trả cổ tức 200%, Kinh Đô sẽ chi khoảng 4.700 tỷ đồng tiền mặt trả cho các cổ đông. Công ty TNHH MTV PPK, cổ đông lớn nhất của KDC, đang sở hữu gần 20,9 triệu cổ phiếu sẽ nhận về khoảng 418 tỷ đồng cổ tức lần này. Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô cũng sẽ nhận được trên 330 tỷ đồng.

Đó là các cổ đông là tổ chức,còn về phía cá nhân, ông Trần Kim Thành, chủ tịch HĐQT công ty, nhận về không đáng kể khi chỉ sở hữu 276.000 cổ phiếu KDC. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT sẽ nhận về gần 300 tỷ đồng.

Không trả cổ tức bằng tiền như Kinh Đô, cũng không có tỷ lệ trả cổ tức cao như Kinh Đô, nhưng mới đây, Tập đoàn Vingroup đã thanh toán cổ tức năm 2014 và tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25,8%.

Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch HĐQT Vingroup đang là cổ đông lớn nhất của VIC với việc nắm giữ hơn 423 triệu cổ phiếu. Theo đó, ông Vượng được nhận cổ tức tương đương 109,2 triệu cổ phiếu mới, nâng tổng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 532,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 28,9%). Bà Phạm thu Hương, vợ ông Vượng, cũng nhận được 18,8 triệu cổ phiếu từ đợt trả cổ tức này, nâng tổng lượng nắm giữ từ 73 triệu cổ phiếu lên 91,8 triệu (tỷ lệ sở hữu 4,99%).

Như vậy, vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng đã thu về tổng cộng 128 triệu cổ phiếu. Với giá giao dịch xoay quanh mức 43.000 đồng đến 44.000 đồng, thì giá trị cổ tức vợ chồng ông Vượng nhận về rơi vào khoảng 5.500 tỷ đồng.

Các cổ đông của Vinamilk cũng đang rất hân hoan. Mới cuối tháng 6 vừa qua đã được nhận 20% còn lại trong số 40% cổ tức bằng tiền mặt năm 2014, thì tháng 8 này Vinamilk sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền cho các cổ đông tỷ lệ 40% và trả cổ phiếu thưởng 20% do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, đợt này, Vinamilk sẽ chi khoảng 4.000 tỷ tiền mặt trả cổ tức và phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu thưởng cho các cổ đông.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà Nước (SCIC) là đơn vị nhận về nhiều nhất khi sở hữu trên 450 triệu cổ phiếu VNM. Tạm tính, chỉ riêng đợt này, SCIC sẽ thu về khoảng 1.800 tỷ đồng tiền mặt và 90 triệu cổ phiếu thưởng. Với giá giao dịch xoay quanh mức 120.000 đồng, thì giá trị cổ phiếu thưởng mà SCIC được nhận lần này là rất lớn.

Vinamilk không có cổ đông lớn nào là cá nhân.Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc công ty, hiện sở hữu hơn 2,7 triệu cổ phiếu VNM. Bà Liên sẽ nhận về hơn gần 11 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt và 540.000 cổ phiếu thưởng. Dự kiến, đầu tháng 9/2015, Vinamilk sẽ thực hiện thanh toán cổ tức cho các cổ đông.

CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài – NoibaiCargo (NCT) cũng sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% trong tháng 8 này, và mục tiêu cả năm, NoibaiCargo sẽ trả cổ tức cho các cổ đông tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, không có cá nhân nào là cổ đông lớn của NoibaiCargo. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP Vietnam Airline (VNAIRLINE) là cổ đông lớn nhất sở hữu 14,4 triệu cổ phiếu NCT. Vietnam Airline sẽ nhận về khoảng 72 tỷ đồng tiền cổ tức lần này từ NoibaiCargo.

PVDrilling (PVD) cũng vừa chốt quyền nhận cổ tức năm 2014 bằng tiền tỷ lệ 15% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Như vậy, PVD chi trên 450 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức, đồng thời cuối tháng 7 vừa qua, PVDrilling đã phát hành gần 45,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông. Tuy nhiên, PVD cũng không có cổ đông lớn là cá nhân. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ nhận từ PVD gần 220 tỷ đồng tiền mặt và xấp xỉ 22 triệu cổ phiếu mới. Với mức giá giao dịch xấp xỉ 44.000 đồng như hiện nay., thì số cổ tức bằng cổ phiếu mà PVN nhận về có giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) thì lại nhận được từ CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất lâm Thao (LAS) hơn 200 tỷ khi sở hữu trên 54 triệu cổ phiếu LAS. Supe Phốt phát và Háo chất Lâm Thao đã trả cổ tức năm 2014 cho các cổ đông bằng tiền tỷ lệ 40%.

Với tỷ lệ sở hữu lớn tại các doanh nghiệp ăn nên làm ra và chịu chi cổ tức hấp dẫn, các "đại gia" cũng là những đối tượng được hưởng nhiều nhất từ quyết sách chi cổ tức cao.

 

Mai Nguyễn

Tài chính Plus

Trở lên trên