MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các “trụ cột” của FPT

27-03-2011 - 23:57 PM | Doanh nghiệp

"Tứ trụ" của FPT đều tăng trưởng lợi nhuận dưới 20% trong năm 2010. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 4 lần trong 4 năm thì mỗi năm FPT phải tăng trưởng hơn 40%.

Năm 2010, theo kết quả hợp nhất đã kiểm toán, Công ty cổ phần FPT đạt 20.017 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 8,76% so với mức 18.404 tỷ đồng của năm 2009. Tính theo tỷ giá chính thức thì doanh thu của Tập đoàn đã vượt mức 1 tỷ USD.

Lợi nhuận trước thuế đạt 2.023 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2009.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.246 tỷ đồng, tăng 17,2%, tương ứng với EPS đạt 6.584 đồng.

FPT Telecom, FPT Trading, FPT IS và FPT Software có thể coi là “tứ trụ” tức bốn công ty quan trọng nhất, đóng góp tới 85-90% tổng lợi nhuận trước thuế của FPT trong những năm gần đây.

Các mảng hoạt động khác như Giáo dục, Dịch vụ tin học, bất động sản, đầu tư tài chính… chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Bảng 1: Cơ cấu doanh thu/lợi nhuận theo bộ phận năm 2010 của FPT

FPT Trading: Năm 2010, FPT Trading chiếm tới hơn 2/3 tổng doanh thu của FPT, tương ứng hơn 13.000 tỷ đồng. Vì tỷ trọng hoạt động thương mại lớn nên nhiều khi FPT được xếp vào nhóm ngành “Thương mại” chứ không phải “Công nghệ thông tin”.

Mặc dù tỷ trọng doanh thu rất lớn nhưng tỷ trọng đóng vào lợi nhuận của hoạt động thương mại (phân phối, bán lẻ các sản phẩm công nghệ thông tin) ngày càng giảm xuống.

Năm 2007, hoạt động này đóng góp tới 45% lợi nhuận của FPT. Sang năm 2008 giảm xuống còn 34% và hai năm 2009-2010 chỉ còn 20-21%.

Năm 2010, lợi nhuận của FPT Trading đã tăng trở lại sau khi giảm 2 năm trước.

FPT Telecom: Viễn thông là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của FPT hai năm gần đây, chiếm 30-32%.

Tuy nhiên, dù có lợi nhuận trước thuế lớn nhất nhưng mảng này lại đóng góp lợi nhuận ròng không nhiều. FPT chỉ nắm giữ hơn 40% vốn tại công ty này trong khi cổ đông nhà nước (SCIC) nắm hơn 51%.

FPT Telecom vẫn được tính là công ty con của FPT do FPT nắm quyền kiểm soát hoạt động của công ty này.

Sau khi tăng trưởng trên 50% trong 2 năm 2009 và 2008, lợi nhuận năm 2010 của FPT Telecom chỉ còn tăng 12%.

Bảng 2: Tỷ trọng đóng góp vào LNTT của các bộ phận chủ chốt

FPT IS: Mảng hoạt động tích hợp hệ thống tăng trưởng khá mạnh trong các năm qua và hiện là mảng đóng góp lớn thứ 2 vào cơ cấu lợi nhuận.

FPT Software: Phần mềm là mảng chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong “tứ trụ” cả về doanh thu và lợi nhuận.

Tỷ trọng lợi nhuận của mảng này từ 17-18% trong năm 2007-2008 đã giảm xuống còn 11-12% trong 2 năm vừa qua.

Mảng giáo dục với Đại học FPT đã trở thành hoạt động quan trọng nhất ngoài “tứ trụ”, đóng góp 102 tỷ đồng LNTT, tương đương 5% tổng lợi nhuận. Tốc độ tăng trưởng của Đại học FPT trong những năm qua luôn đứng ở mức cao (xem bảng 3).

Mảng dịch vụ tin học (FPT Services) đóng góp 2% lợi nhuận trong 3 năm gần đây.
 
Bảng 3: Tăng trưởng lợi nhuận 2008-2010

Lợi nhuận của công ty mẹ chủ yếu là lợi nhuận từ các công ty liên kết và đầu tư tài chính như FPT Securities, FPT Capital, Ngân hàng Tiên phong…

Trong một bài trả lời phỏng vấn CafeF, tân Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh cho biết: FPT sẽ thành lập một tổ chức đầu tư chuyên nghiệp là FPT Investment do FPT sở hữu 100% để quản lý toàn bộ phần vốn đầu tư của FPT tại Ngân hàng Tiên Phong, FPT Securities, FPT Capital, FPT Land.

Tham vọng lớn

Cùng với thay Tổng giám đốc, FPT đã nhấn mạnh việc đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần lợi nhuận trong giai đoạn 2011-2014.

Như vậy, lợi nhuận trước thuế năm 2014 phải tối thiểu là 8.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân mỗi năm phải trên 40%.

Đây là điều không đơn giản khi trên bảng 3 có thể thấy tốc độ trưởng của FPT Telecom và FPT IS đã giảm rất mạnh trong những năm gần đây; trong “tứ trụ” thì cũng không có doanh nghiệp nào có mức tăng trưởng trên 20% trong năm 2010.

Hiện FPT chưa công bố rõ về những kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu trên. Liệu FPT sẽ phát triển đồng thời dựa trên các trụ cột hay dựa trên một lĩnh vực nào đó?

Trong số “tứ trụ” thì mảng viễn thông vẫn có khả năng tăng trưởng lớn nhất. Việc dự định góp vốn vào EVN Telecom cho thấy tham vọng rất lớn của FPT trong lĩnh vực này.

Trong mảng kinh doanh viễn thông, FPT còn thiếu giấy phép kinh doanh di động và băng tần – đây là tài nguyên đã được phân chia hết cho các doanh nghiệp viễn thông khác.

Đối với mảng hệ thống thông tin, FPT IS đặt mục tiêu đạt doanh số 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.500 tỷ đồng vào năm 2014.
 
KAL
 
Bảng 4: Các công ty con và công ty liên kết của FPT
(*) Sau khi FPTS bán cổ phần cho SBI Securities thì tỷ lệ sở hữu của FPT giảm xuống còn 20%
Đầu năm 2011, FPT đã chuyển nhượng lại 8% vốn tại FPT Capital cho SBI VEN Holdings
 
 

duchai

Trở lên trên