MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP

18-06-2014 - 15:54 PM | Doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân làm cho dịch vụ logistics của nhiều DN Việt Nam cung cấp thiếu tin cậy là do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin kém.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực như Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8%, Mỹ là 7,7%.

Năng lực hậu cần suy giảm

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Tổng giám đốc Maersk Line Việt Nam và Campuchia- cho biết,trong 5 tháng đầu 2014,lượng hàng chuyên chở bằng container của hãng này từ Việt Nam xuất khẩu qua các nước tăng 10%, nhập khẩu tăng 20% và đưa ra dự báo giữ mức tăng trưởng ổn định đến cuối năm. Mức tăng trưởng hàng hóa này phản ánh đúng tình hình cán cân thương mại Việt Nam khi lượng hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu bằng container sang các nước châu Âu tăng 19%, nhập khẩu tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; riêng lượng hàng xuất sang Mỹ tăng 9%.

Tuy nhiên, bên cạnh mức tăng trưởng xuất khẩu thì năng lực cạnh tranh của ngành hậu cần của VN lại kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực như Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8%, Mỹ là 7,7%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cơ sở hạ tầng vận tải còn nhiều hạn chế. Việt Nam được xếp hạng thấp nhất về cơ sở hạ tầng vận tải trong số các nền kinh tế trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á. Thực tế với khoảng 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) được vận chuyển bằng đường biển nhưng phần lớn cảng biển tại Việt Nam không được thiết kế cho việc bốc dỡ hàng cho tàu chuyên dụng; các cảng không có dịch vụ hàng hải trực tiếp kết nối Việt Nam với các cảng biển tại châu Âu hay Mỹ; lượng hàng tồn trữ cao và chuỗi cung ứng chậm chạp là nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Còn các DN vận tải biển của Việt Nam cho đến nay vẫn hoạt động độc lập thiếu hẳn sự liên kết giữa các hãng tàu, chủ hàng, thương mại, bảo hiểm…

Một trong những nguyên nhân làm cho dịch vụ logistics của nhiều DN Việt Nam cung cấp thiếu tin cậy là do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin kém, kết nối thông tin với mạng logistics toàn cầu cũng không có nên thường xuyên thiếu thông tin, công việc phải giải quyết thông qua các đại lý của các công ty nước ngoài chậm…

Ứng dụng thương mại điện tử: Không thể chậm chân!

Ông Đặng Vũ Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics- cho biết xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thương mại điện tử được xem là giải pháp quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hậu cần. Áp dụng CNTT trao đổi dữ liệu trực tuyến nhằm giảm bớt chi phí về thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian và giúp DN kiểm soát, quản lý được thông tin về hàng hóa mọi lúc mọi nơi.

Chẳng hạn, các cảng biển ở Singapore và HongKong hiện đang sử dụng những hệ thống rađa và các hệ thống liên lạc để giám sát tàu. Dùng công nghệ để giúp chủ tàu hoạch định toàn bộ tiến trình, để xếp dỡ hàng, vận chuyển hàng đến hay đi khỏi bãi, thậm chí là xếp container cho tối ưu…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết thêm, một trong những giải pháp để cải thiện năng suất, năng lực cạnh tranh cho ngành hậu cần đó chính là ứng dụng thương mại điện tử. Maersk Line đã thực hiện một cuộc khảo sát mới đây tại các khách hàng tại Việt Nam cho thấy, cứ 10 khách hàng được hỏi thì có tới 7 khách hàng trả lời thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ. Maersk Line đã bắt đầu giới thiệu nhiều dịch vụ trực tuyến tại thị trường Việt Nam từ năm 2002 bao gồm các dịch vụ như: đặt chỗ trực tuyến (e-booking), nộp chứng từ trực tuyến (e-documentation) và nhiều giao dịch trực tuyến khác…

Hiện nay, có nhiều giải pháp đầu tư CNTT hiệu quả với chi phí thấp mà các DN cần nắm bắt cơ hội này để trang bị cho mình. Chẳng hạn, Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý container tại cảng Cát Lái làm giảm được nhiều thời gian chờ đợi, lấy hàng khỏi cảng, góp phần vào việc giải tỏa tắc nghẽn tại cảng này.

"Nhìn chung, việc tăng cường ứng dụng các giải pháp điện tử mở ra thêm nhiều cơ hội, bao gồm tăng hiệu quả làm việc và tiết kiệm chi phí, thúc đẩy đặc tính cạnh tranh của quốc gia"- bà Bích nhấn mạnh.

>>

Theo Ngọc Thảo


thunm

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên