MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch CTCP Đường sắt Phía Nam và ước mơ sở hữu một đoàn tàu

20-02-2015 - 08:39 AM | Doanh nghiệp

“Tôi ước mơ sẽ thay đổi cách thức vận hành ngành đường sắt, xây dựng được một hãng vận tải danh tiếng để Việt Nam cũng có những đoàn tàu 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển vận tải và du lịch đường sắt.”

Tóm tắt:

- Ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT của CTCP Đường sắt phía Nam – đại diện của một doanh nghiệp đã cổ phần hóa của ngành đường sắt đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về những tiềm năng và hạn chế của ngành.

- Doanh nhân này cũng chia sẻ về niềm đam mê với những con tàu, ước mơ xây dựng một hãng vận tải đường sắt mang tầm quốc tế


Ấn tượng của chúng tôi khi gặp ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT của CTCP Đường sắt phía Nam (DPN) là ánh mắt rực sáng mỗi khi nhắc đến những con tàu. Người đàn ông này đã nuôi dưỡng ước mơ thay đổi ngành đường sắt Việt Nam “cũ kỹ và lạc hậu” từ khi còn rất trẻ. Và bây giờ, với sự quyết liệt trong công tác cổ phần hóa các Doanh nghiệp trong Bộ Giao thông vận tải, ông đã thấy cơ hội để hoàn thiện ước mơ sở hữu một đoàn tàu riêng của mình…

Ngành đường sắt chưa tận dụng hết tiềm năng

Năm 2015, Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Là lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành đường sắt đã được cổ phần hóa, ông đánh giá việc cổ phần hóa sẽ giúp gì cho doanh nghiệp trong ngành?

Trước hết tôi phải nói rằng, việc cổ phần hóa một số doanh quốc doanh trước đây là không đúng nghĩa với cổ phần hóa. Cán bộ nhân viên mỗi người đóng 100.000 đồng để mua cổ phần và không quan tâm gì đến khoản đó nữa. Như thế, nó là cổ phần theo trào lưu, chỉ là hình thức chứ không có sự thay đổi về nội dung.

Cổ phần hóa đúng nghĩa thì cổ đông phải được quyền tham gia giám sát doanh nghiệp, nhà đầu tư phải nghiên cứu xem công ty thực sự có năng lực không, có tiềm năng phát triển và đem lại lợi nhuận cho người ta hay không? Và theo đó sẽ đặt áp lực lên đội ngũ lãnh đạo, buộc họ phải có chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hiệu quả.

Như thế, ý tôi là việc cổ phần hóa có giúp được gì cho doanh nghiệp hay không còn phải xem doanh nghiệp có thực sự cổ phần hóa đúng nghĩa không.

Vậy, với vị trí là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đường sắt phía nam – một công ty đã cổ phần hóa của ngành đường sắt, ông thấy sau CPH, công ty mình có gì thay đổi?

Công ty này đã trải qua nhiều biến cố, thậm chí đã lâm vào tình trạng rất khó khăn trước khi tôi quay lại điều hành. Như tôi đã nói, việc cổ phần hóa có lợi cho công ty hay không còn phải xem sau CPH, tư duy lãnh đạo có thay đổi hay không, cổ đông có thực sự có quyền hay không. Và việc thay đổi lãnh đạo chính là sự thay đổi lớn nhất rồi.

Kết quả cổ phần hóa đúng nghĩa như bạn cũng thấy, hiện nay, CTCP Đường Săt Phía Nam đã giải quyết hoàn toàn được những tồn tại cũ, đã có nhiều bạn hàng chiến lược và đang trở thành thương hiệu uy tín trong mắt các bạn hàng.

Làm trong ngành đã lâu, ông thấy ngành có những khó khăn và thuận lợi gì?

Lợi thế của ngành đường sắt từ trước đến giờ là đường độc đạo, vận chuyển đường dài và giá tốt. Giá đường sắt bao giờ cũng tốt hơn đường bộ nhiều. Ví dụ, đi đường biển giá cước rẻ nhưng tàu chỉ chở 5.000 -7.000 tấn, khi giải phóng hàng, chủ hàng phải chuyển vào kho và chịu chi phí lưu kho lớn. Trong khi đó, khi vận chuyển bằng đường sắt, vốn của chủ hàng không bị đọng nhiều.

Còn khó khăn của ngành đường sắt chính là tư duy bao cấp quá nặng. Bây giờ ngành cũng đang chuyển mình và đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn những tồn tại, đơn cử như số lượng nhân viên vẫn quá lớn. Đồng thời, mặc dù đã có cơ chế tư nhân nhưng tư duy vẫn chưa đi theo, không tạo động lực cho mình phát triển và suy nghĩ nên nhiều tiềm năng nhưng ngành vẫn chưa sử dụng được hết.

Tiềm năng đó là gì, thưa ông?

Ngành Đường sắt giàu năng lực về Tuyến, năng lực về đầu máy toa xe, năng lực về nhà Ga… Những tiềm năng đấy đều chưa khai thác triệt để. Vì không cạnh tranh nên năng lực bị dư thừa.

Tôi thấy hầu hết các tuyến đều chưa dùng hết năng lực, thậm chí một số tuyến gần như không dùng đến. Điểm bất cập của đường sắt là cơ chế về giá cước. Tuyến thế mạnh hay tuyến không có thế mạnh thì giá cước cũng bằng nhau. Nếu thế, thay vì đi đường sắt, tôi đi ô tô cho nhanh. Ví dụ tuyến Lạng Sơn chẳng hạn, đường sắt thừa tuyến nhưng đi ô tô vừa tiện vừa nhanh. Còn tuyến Lào Cai, bây giờ có đường cao tốc mới đã giảm tải cho đường sắt nhiều, chứ trước đây, đường sắt gần như là độc đạo, vận chuyển hàng hóa và hành khách trong tình trạng chen chúc nhau.

Lẽ ra phải có sự điều tiết hợp lý hơn nhằm nâng cao cạnh tranh vận tải giữa đường bộ, đường biển và đường sắt.

Theo ông thì làm sao để tận dụng được hết tiềm năng của ngành?

Đầu tiên phải thay đổi công tác điều hành. Theo tôi biết là Bộ GTVT đã thuê 1 công ty nước ngoài viết một phương án điều hành rất khoa học. Bao nhiêu năm nay, Tổng công ty Đường sắt vẫn điều hành theo hình thức “cục tẩy và cây bút chì”, tức là khi đoàn tàu chạy, những người điều hành vẫn làm theo hình thức thủ công, gọi điện hỏi “đến ga chưa”, nếu ghi nhầm lại xóa đi. Tàu chỉ chạy trên một đường, không như đường ô tô để mà tránh nhau được, nên người làm phải khoa học. Phương pháp điều hành thủ công như thế làm sao mà hiệu quả được.

Và chính sự minh bạch hóa, khoa học trong điều hành sẽ chống được mọi tiêu cực. Chủ hàng có thể biết được hàng của mình đang nằm ở toa xe nào, thời gian vận chuyển bao lâu, chi phí mất bao nhiêu… Đó là mấu chốt của việc khai thác năng lực. Nếu điều tàu không chuẩn thì khách hàng sẽ không trả tiền. Đấy là đổi mới.

Ngoài ra còn vấn đề quản lý và hạ tầng, nhưng hạ tầng là vấn đề quá lớn và dài, đó là câu chuyện của nhà nước.

“Ước mơ của tôi là 5 năm nữa có một đoàn tàu với cả đầu máy”

Thưa ông, năm 2014 vừa qua, kết quả kinh doanh của công ty như thế nào?

Trong đại hội cổ đông đầu năm, Ban lãnh đạo cam kết đạt lợi nhuận 6 tỷ và tháng 12/2014 lên sàn Upcom, tháng 4/2015 lên niêm yết trên HNX. Nhưng theo tư vấn thì chúng tôi nên niêm yết thẳng trên sàn HNX.

Về phần lợi nhuận, về lợi nhuận, Q1/2014 chúng tôi tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp nên kết quả kinh doanh chưa thực sự ấn tượng, tuy nhiên, tính riêng 3 quý còn lại thì LNST của DPN đạt 4,5 tỷ đồng.

Vậy kế hoạch 2015 của công ty ra sao?

Tôi khẳng định với bạn rằng năm 2015 sẽ là năm thay đổi thực sự của công ty. Chúng tôi mới ký kết hợp đồng với tập đoàn Vissai Ninh Bình vận chuyển toàn bộ khối lượng hàng hóa cho Tập đoàn này.

Với những hợp đồng khác nữa, chúng tôi phấn đấu năm 2015 đạt doanh thu 170 tỷ và lợi nhuận sẽ phải là hàng chục tỷ.

Năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư 100 tỷ đồng mua 100 toa xe kín có thùng để chạy đoàn tàu của mình. Điểm khác biệt của toa xe mới là được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng lực vận tải, vì vậy, giảm giá thành và nâng cao lợi nhuận của công ty. Theo tính toán sơ bộ, nếu thuê cả tàu kéo cùng với các chi phí khác nữa, lợi nhuận của công ty được khoảng 15%.

Ước mơ của tôi là sau 5 năm có cả một đoàn tàu với đầu máy nữa.

Trong tháng 1 vừa rồi, Tổng công ty Đường Sắt đã chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên, tiến tới theo đúng lộ trình của Bộ GTVT là cổ phần hóa vào tháng 10. Như vậy sau này chúng tôi cũng là những hãng vận tải và cạnh tranh như lĩnh vực hàng không.

Ngành đường sắt tại Việt Nam là một ngành khá “khép kín” và có ít nhà đầu tư hiểu về ngành cũng như doanh nghiệp. Nhưng dù sao, với một doanh nghiệp quy mô nhỏ như Đường sắt phía Nam, những kế hoạch mà ông vừa nói trên cũng khiến nhà đầu tư nghi ngờ. Ông làm sao để thuyết phục nhà đầu tư?

Những người làm trong ngành vận tải đường bộ đều biết lợi nhuận có thể đạt được như thế nào. Từ giai đoạn rất khó khăn, chỉ trong một năm, tôi đã khắc phục hoàn toàn những khó khăn đó và đưa công ty trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Cùng với kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành đường sắt, tôi tự tin có thể đưa công ty này trở thành một hãng vận tải đường sắt lớn.

Niềm đam mê của tôi là những toa tàu và những đường ray. Khi tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải, tôi đã trèo lên cột cờ để ngắm nhìn toàn bộ các cung đường sắt từ trên cao. Và tôi ước mơ sẽ thay đổi cách thức vận hành ngành đường sắt cũ kỹ khi đó, xây dựng được một hãng vận tải danh tiếng để Việt Nam cũng có những đoàn tàu 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển vận tải và du lịch đường sắt.

Tuổi trẻ của tôi đã cống hiến hết cho đường sắt nhưng ước mơ thay đổi ngành đã gặp trở ngại và chưa được hoàn thiện. Đến giờ tôi vẫn ước mơ và sẽ vẫn nỗ lực để hoàn thành ước mơ ấy.

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên