MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội kiếm tiền từ Myanmar: Đầu tư vào điện năng

29-01-2015 - 10:27 AM | Doanh nghiệp

Khoảng 70% số hộ dân của Myanmar chưa có điện – tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN. Tại các khu vực nông thôn, tỷ lệ này lên tới 90%.

Tóm tắt:

- Báo cáo mới ra của Công ty chứng khoán VPBS đánh giá ngành điện là ngành hấp dẫn để đầu tư tại Myanmar do tình trạng thiếu điện tại đất nước này (70% hộ dân chưa có điện)

- Theo kế hoạch 15 năm từ giai đoạn 2016-2017 đến 2030-2031, chính phủ Myanmar dự định sẽ thành lập 41 nhà máy điện mới. Bộ Điện lực Myanmar dự kiến điện khí trở thành nguồn điện chính của Myanmar.

- Khi đầu tư xây dựng nhà máy điện tại đây, nhà đầu tư có thể gặp phải một số rủi ro và thách thức bao gồm chính sách chưa ổn định, rủi ro chính trị, giá điện thấp và hệ thông truyền tải và phân phối điện kém. Đồng thời nên quan tâm đến những ảnh hưởng của dự án đến xã hội và môi trường.


Báo cáo mới công bố của Công ty chứng khoán VPBS cho biết, ngành năng lượng là ngành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất Myanmar. Mặc dù số dự án đầu tư không nhiều nhưng theo cục trưởng Cục quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp (DICA), tổng vốn FDI vào ngành điện đã lên tới 19,32 tỷ USD, chiếm 36,57% tổng vốn FDI lũy kế.

Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành điện của Myanmar (chủ yếu là thủy điện) với tổng giá trị đầu tư hơn 13 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ hai với 6 tỷ USD. Gần đây, một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Mỹ cũng khá quan tâm đến ngành điện của Myanmar.

70% hộ dân của Myanmar chưa có điện

Theo ước tính của Bộ Điện lực Myanmar, nhu cầu tiêu thụ điện có thể tăng mạnh lên khoảng 20GW vào năm 2031.

Hiện tại, công suất tiêu thụ điện của nước này ước khoảng 110 kWh/người/năm – mức tiêu thụ thấp nhất tại ASEAN. Khoảng 70% số hộ dân của Myanmar chưa có điện – tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN. Tại các khu vực nông thôn, tỷ lệ này lên tới 90%. Yangon và một số thành phố chính thường xuyên xảy ra việc cắt điện luân phiên. Hầu hết doanh nghiệp phải sử dụng máy phát điện tại chỗ với chi phí đắt đỏ.

Chính vì vậy, công suất hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện đang ngày một tăng cao. Tính đến cuối năm 2012, công suất điện lắp đặt tại Myanmar chỉ vào khoảng 3.896 MW (so với 26.500 MW tại Việt Nam) và một phần trong số đó dành cho xuất khẩu. Công suất có thể sử dụng nhỏ hơn rất nhiều so với công suất lắp đặt vào mùa khô và do thiết bị, công nghệ truyền tải và phân phối cũ gây tổn thất điện năng.

Theo thống kê của VPBS, hơn 70% sản lượng điện của Myanmar được sản xuất từ các nhà máy thủy điện, 25% từ các nhà máy điện khí và số còn lại đến từ nhà máy điện than Takyit.

Những điều nhà đầu tư nước ngoài cần biết khi đầu tư làm điện tại Myanmar

VPBS cho biết, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành điện tại Myanmar cần phải nhận được sự cho phép của Chính phủ, giấy phép đầu tư từ MIC và đăng ký hoạt động với DICA.

Nếu được cấp phép đầu tư từ MIC, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và quyền sử dụng đất lên đến 70 năm.

Về khâu xin cấp phép của chỉnh phủ, đối với các dự án điện lực có công suất từ 30MW trở lên, nhà đầu tư cần đệ trình đơn xin đầu tư tới MOEP. Sau đó sẽ được mời kỳ kết biên bản ghi nhớ không ràng buộc (MOU). Cùng lúc đó, nhà đầu tư sẽ được yêu cầu thực hiện nghiên cứu tính khả thi tài chính và kỹ thuật.

Nếu dự án là khả thi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể đấu thầu hoặc được cấp phép riêng lẻ. Sau khi đấu thầu thành công, các bên sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOA). Sau đó các bên sẽ cần ký kết một loạt các hợp đồng bao gồm, hợp đồng mua bán điện (PPA) hay hợp đồng thuê đất.

Đối với các dự án điện lực công suất ít hơn 30MW, nhà đầu tư có thể đàm phán với Sở Điện lực và Công nghiệp của mỗi bang và vùng (với sự hỗ trợ của MOEP).

Về khâu xin giấy phép đầu tư của MIC, nhà đầu tư cần gửi bản đề xuất đầu tư tới MIC thông qua MOEP (không được phép gửi trực tiếp tới MIC). Bản đề xuất cần tập trung vào kế hoạch tài chính của dự án, ví dụ như dòng tiền, chi phí vốn, doanh thu và lợi nhuận. Quy trình này sẽ mất khoảng 90 ngày.

VPBS cung cấp thêm thông tin, theo luật đầu tư nước ngoài, hầu hết các hoạt động kinh doanh bao gồm sản xuất điện đã cho phép 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, "quản lý hệ thống điện" vẫn nằm trong hạng mục bị cấm đối với các nhà đầu tư nước ngoài. NĐT nước ngoài có thể tham gia đầu tư vào các nhà máy thủy điện hoặc điện than bằng cách góp vốn cổ phần với Chính phủ hoặc theo hợp đồng BOT trong đó NĐT nước ngoài có thể nắm giữ 80% vốn.

Những nhà máy thủy điện nhỏ có công suất dưới 10MW cũng bị hạn chế đối với NĐT nước ngoài và chỉ có thể thực hiện đầu tư bằng cách thành lập liên doanh với một công ty nội địa dưới sự cho phép của Chính phủ.

Quy trình xin cấp phép đầu tư dự án điện lực:

Nhà đầu tư có thể gặp phải một số rủi ro và thách thức bao gồm chính sách chưa ổn định, rủi ro chính trị, giá điện thấp và hệ thông truyền tải và phân phối điện kém.

Cùng với đó, VPBS khuyến nghị nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến những ảnh hưởng của dự án đến xã hội và môi trường. Dự án được biết đến nhiều nhất trong các dự án của Trung Quốc là dự án thủy điện Đập Myitsone trên sông Ayeyawady đã bị dừng thi công từ năm 2011 do sự phản đối của người dân về các ảnh hưởng đến xã hội và môi trường xung quanh.

"Thiếu hụt điện là một trong những mối quan tâm chính của Myanmar vì nó làm giảm sự phát triển kinh tế. Vì vậy, ngành điện sẽ vẫn là một trong những ngành được ưu tiên đầu tư của Chính phủ. Đồng thời, dù đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng ngành điện vẫn là ngành hấp dẫn khi nhu cầu điện tăng cao cả trong nước cũng như các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc." - VPBS nhận định.

>>> Dòng sự kiện: Myanmar - Con rồng mới ở châu Á

Mai Linh

Minh Trang

VPBS

Trở lên trên