MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CSG: “Cuộc chiến” giữa 2 phe cổ đông

16-06-2012 - 17:00 PM | Doanh nghiệp

Ngày 28/6, CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án giảm vốn điều lệ.

Ghi nhận từ thị trường, cổ đông CSG hiện chia làm 2 phe. Một bên là nhóm cổ đông lớn chiếm đa số cổ phần, gồm CTCP Đầu tư Sacom (SAM) và các cá nhân do ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT SAM, đồng thời là Chủ tịch CSG làm đại diện. Một bên là nhóm cổ đông do ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch HĐQT CSG, có sự ủng hộ của Tổng giám đốc CSG là ông Phạm Ngọc Cầu.

Phe ông Trắc là bên đề xuất và ủng hộ phương án giải thể CSG, bán tài sản, chia tiền mặt cho cổ đông, vì cho rằng, sản xuất cáp đồng không có tương lai và việc duy trì hoạt động Công ty nhiều khả năng dẫn đến thua lỗ, làm mất vốn cổ đông. Ở thời điểm giá cổ phiếu CSG thấp hơn giá trị cổ sách khá nhiều, trong khi Công ty có nguồn tiền mặt dồi dào, thì phương án giải thể Công ty không những tránh thiệt hại sau này, mà còn mang lại quyền lợi tức thời cho cổ đông là được trả tiền mặt theo giá trị sổ sách của cổ phiếu, chứ không phải bán với giá thấp trên sàn.

Tại ĐHCĐ thường niên ngày 21/4/2012, 64,58% số phiếu có quyền biểu quyết tham dự Đại hội tán thành giải thể Công ty, thấp hơn tỷ lệ cần có để thông qua phương án này là 75%. Phe ông Trắc tuy chiếm đa số, nhưng chưa tập hợp được đủ số phiếu quyết định. Nhóm ông Sơn không ngần ngại tuyên bố tại ĐHCĐ thường niên là “đã biết trước kết quả này”, dựa trên số cổ phần nhóm cổ đông mà ông Sơn đại diện nắm giữ.

Không quyết được phương án giải thể, nhưng nhóm cổ đông lớn không đồng ý để bên kia sử dụng tiền mặt dồi dào của CSG để phát triển sản xuất - kinh doanh, bởi không tin vào kế hoạch kinh doanh mà ông Sơn vạch ra là tiếp tục sản xuất, xuất khẩu cáp, mở rộng trồng cao su. Mục đích của phía ông Trắc là muốn bảo toàn vốn tiền mặt, tránh thất thoát. Tính đến ngày 31/5/2012, nguồn tiền mặt của CSG là 278,056 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ hiện tại.

Chính vì thế, phương án giảm vốn điều lệ, thu hẹp quy mô hoạt động của CSG được đặt ra. Theo phương án này, CSG sẽ giảm vốn điều lệ từ 297,420 tỷ đồng xuống 266,808 tỷ đồng. Phần vốn điều lệ giảm tương đương lượng cổ phiếu quỹ CSG đã mua, trị giá theo mệnh giá là 30,612 tỷ đồng.

Bước thứ hai, CSG sẽ chào mua công khai 80% vốn điều lệ sau khi giảm vốn. Theo đó, mỗi cổ đông bán cho CSG 80% cổ phiếu, với giá 13.000 đồng/CP. Vốn điều lệ CSG sau khi chào mua công khai 80% lượng cổ phiếu là hơn 53,3 tỷ đồng, nên Công ty sẽ phải huỷ niêm yết trên sàn TP. HCM và cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Vấn đề đặt ra là, liệu phía ông Trắc có thuyết phục được các cổ đông bỏ phiếu tán thành thông qua việc giảm vốn điều lệ của Công ty?

Theo kết quả bỏ phiếu tại ĐHCĐ thường niên của CSG nêu trên, ngoài 26,83% cổ phiếu có quyền biểu quyết tán thành giữ nguyên vốn và phát triển Công ty, có 8,47% tán thành phương án giảm vốn điều lệ.

Như vậy, tại ĐHCĐ bất thường sắp tới, nếu 8,47% cổ phần nêu trên tiếp tục tán thành phương án giảm vốn điều lệ, thì nhóm cổ đông phía ông Trắc sẽ có 73,05% cổ phần, chỉ cần có thêm gần 2% cổ phần đồng ý nữa là phương án giảm vốn CSG sẽ được thông qua.

Ngày 31/5/2012, Quỹ Tầm nhìn SSI đã không còn là cổ đông lớn của CSG, sau khi bán bớt cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%. Số cổ phần mà quỹ này bán ra và lượng cổ phiếu mua bán trên sàn trước ngày 11/6 - ngày chốt danh sách hưởng quyền tham dự ĐHCĐ bất thường CSG sẽ thuộc về nhà đầu tư nào? Nhà đầu tư mới mua cổ phiếu CSG để kiếm lợi nhuận khi Công ty giảm vốn, chia tiền mặt hay nhóm cổ đông phía ông Sơn hoặc phía ông Trắc? Câu hỏi này sẽ được giải đáp tại ĐHCĐ bất thường của CSG sắp tới và nhiều khả năng Đại hội sẽ không êm ả.

Theo Thành Nam

ĐTCK

thanhhuong

Trở lên trên