MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCP Xây dựng công trình giao thông (Đồng Tháp): Hàng trăm lao động lao đao vì bị “treo” lương

11-09-2015 - 09:42 AM | Doanh nghiệp

Không chỉ bị nợ lương, nợ tiền trợ cấp nghỉ việc, hàng trăm lao động (LĐ) tại Cty CP Xây dựng công trình giao thông Đồng Tháp (Cty) còn bị thiệt hại về chế độ BHXH. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa biết đến bao giờ NLĐ mới đòi được quyền lợi, khi các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Doanh nghiệp nợ đầm đìa

Ông Đoàn Văn Thế (SN 1959, Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) là thợ điện của Cty từ tháng 8.1978 và đến tháng 8.2014 nghỉ theo quyết định chấm dứt HĐLĐ số 419/QĐ-CTGT-TCHC, gửi đơn đến Báo Lao Động kêu cứu vì bị Cty nợ nhiều khoản với tổng số tiền 126 triệu đồng. Đáng lưu ý, trong đó có cả tiền lương và tiền xăng xe mà ông tự ứng trước cho Cty.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, hiện Cty đang nợ hàng chục LĐ với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng/người. Điển hình như ông Nguyễn Văn Hoàng làm việc 30 năm, 6 tháng bị nợ lương và trợ cấp thôi việc 57,879 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Sáu làm việc 32 năm, 1 tháng bị nợ tiền trợ cấp thôi việc 51,704 triệu đồng; ông Nguyễn Ngọc Ẩn làm việc 26 năm, 7 tháng bị nợ tiền trợ cấp thôi việc 48,804 triệu đồng.

Đáng lo là không chỉ thiếu nợ NLĐ, Cty còn “ăn quỵt” cả tiền BHXH dù hằng tháng vẫn đều đặn trừ tiền BHXH của NLĐ nhưng không đóng vào BHXH Đồng Tháp. Tính đến năm 2011, số tiền Cty nợ BHXH, BHYT và BHTN lên đến 4,4 tỉ đồng. Điều này không chỉ trực tiếp đánh cắp tiền mồ hôi, nước mắt của NLĐ, mà còn dồn đẩy gia đình NLĐ vào thế thiệt hại nặng vì nhiều chế độ bị sụt giảm theo tỉ lệ thuận với thời gian mua BHXH. Ông Thế chia sẻ: “Tôi có 32 năm 5 tháng đóng BHXH, trong đó có 31 năm và 3 tháng làm việc độc hại, nhưng do bị “cắt” mất 5 năm nên chỉ thực lĩnh 65%, tính ra mỗi tháng tôi bị mất oan gần 900.000 đồng”.

Đùn đẩy và trả nhỏ giọt

Kết quả 2 cấp xét xử của TAND TP.Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp (28.9.2012 và 20.3.2013) xác nhận Cty thu tiền BHXH của NLĐ đến tháng 5.2010 và đồng thời buộc Cty trả cho BHXH Đồng Tháp số tiền nợ 4,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, do Cty vẫn không thực hiện việc trả nợ nên BHXH Đồng Tháp chỉ chốt sổ đến tháng 12.2005 và từ chối chi trả chế độ cho NLĐ từ tháng 1.2006 - 6.2010 với lý do “không đúng quy định của pháp luật”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Trước - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ Đồng Tháp) - cách xử lý này quá “cứng” và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. “NLĐ đang rất khổ và cơ hội hồi phục của Cty là rất thấp nên khả năng trả nợ cũng rất thấp, vì thế LĐLĐ Đồng Tháp đã nhiều lần đề nghị Cty thực hiện phá sản theo luật định để giải quyết lương và chế độ cho NLĐ nhưng không được chấp nhận. Việc từ chối chi trả BHXH cho NLĐ trong trường hợp này theo tôi là quá máy móc. Bởi thực chất đối tượng vi phạm ở đây là Cty, còn NLĐ đã hoàn thành việc đóng BHXH” - ông Trước cho hay.

Trong khi đó, hàng trăm NLĐ đang “chết mòn” với lối trả nợ nhỏ giọt 2 triệu đồng/người/năm của Cty. Bởi sẽ không có nhiều NLĐ sống đến ngày được trả hết nợ, vì phần lớn là người gắn bó lâu năm với Cty, tuổi đã cao, trong khi đó số tiền nợ lại khá cao. Ông Thế chua chát: “Với số nợ 126 triệu đồng, tôi phải sống đến 120 tuổi mới nhận hết nợ”.

Và hệ lụy của nạn trả nợ nhỏ giọt này đã dồn đẩy nhiều LĐ vào thế không có vốn để chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống. Vợ chồng ông Hoàng, bà Sáu phải mua bán tạp hóa tại nhà, còn ông Ẩn giúp việc cho người bán quần áo lề đường. Chưa kể còn nhiều LĐ khác lại tứ tán làm thuê xứ người, không có điều kiện trở về quê. Do đó, vẫn còn tới 56/214 LĐ của Cty chưa thể chốt sổ BHXH.

Theo LỤC TÙNG

Lao động

Trở lên trên