MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cục tiền trên trời rơi xuống" cứu Gỗ Trường Thành như thế nào?

12-02-2016 - 07:15 AM | Doanh nghiệp

Trong trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Hồng Thu (lúc đó là Giám đốc tài chính của Gỗ Trường Thành) nói đùa: “Nếu có một cục tiền từ trên trời rơi xuống” – những khó khăn của công ty sẽ được giải quyết triệt để.

Từ những khó khăn

Những ngày cuối năm 2012 – cách đây 3 năm, Gỗ Trường Thành (TTF) lần đầu tiên đưa ra phương án phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá. Đó là một lựa chọn chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán. Và cũng là lựa chọn cực kỳ khó khăn của Gỗ Trường Thành.

Cụ thể, công ty lên kế hoạch phát hành 19,7 triệu cổ phiếu với giá bằng một nửa mệnh giá (5.000 đồng/cổ phiếu) – dự kiến thu về khoảng 98,4 tỷ đồng. Nhờ có khoản thặng dư vốn dồi dào (vượt vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2012), cuối cùng Gỗ Trường Thành cũng thành công trong việc phát hành thêm kỳ lạ như vậy. Lúc đó, thị giá cổ phiếu TTF cũng chỉ xoay quanh mức 5.000 đồng.

Những khó khăn lúc đó của Gỗ Trường Thành luẩn quẩn vẫn là câu chuyện tiền nong. Chấp nhận phát hành dưới mệnh giá, công ty phải bù đắp bằng nguồn thặng dư vốn, đổi lại thu được nguồn tiền chưa đến 100 tỷ đồng, nhưng vô cùng cần thiết để có thể ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai các đơn hàng. Khi đó, các ngân hàng không dám cho TTF vay tiền vì những khó khăn mà công ty đang phải hứng chịu do những rủi ro từ các quyết định trong quá khứ. Gỗ Trường Thành mất dần vị thế thương lượng trong việc vay vốn ngân hàng, dẫn tới lãi suất vay có khi lên tới 17%.

Trong trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Hồng Thu (lúc đó là Giám đốc tài chính của Gỗ Trường Thành) nói đùa: “Nếu có một cục tiền từ trên trời rơi xuống” – những khó khăn của công ty sẽ được giải quyết triệt để.

Cất cánh…

Ngày 25/1/2016, cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành chinh phục mức giá cao nhất trong lịch sử niêm yết: 33.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đã tăng giá như vũ bão, một điều mà cách đây 3 năm không ai có thể tưởng tượng nổi. Thậm chí có nhà đầu tư cá nhân, mua một ít cổ phiếu TTF, rồi bỏ quên, cũng bất ngờ khi nhìn lại tài khoản của mình sau vài năm…

Biến động giá cổ phiếu TTF trong 3 năm

Biến động giá cổ phiếu TTF trong 3 năm

TTF không phải là cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường trong thời gian qua cùng với tình hình kinh doanh của Gỗ Trường Thành đang tốt lên từng ngày so với giai đoạn khủng hoảng dòng tiền.

Với đặc trưng là “khủng hoàng dòng tiền”, kết quả kinh doanh của Gỗ Trường Thành gắn liền với chi phí tài chính mà doanh nghiệp mà công ty phải gánh.

Năm 2014, lần đầu tiên Vietcombank xóa lãi vay cho Gỗ Trường Thành, giá trị lên tới 104 tỷ đồng. Việc xóa lãi vay này căn cứ biên bản thỏa thuận giữa DATC và TTF, hợp đồng mua bán nợ giữa DATC và Vietcombank. Việc xóa lãi vay này, về bản chất, không khác gì “một cục tiền từ trên trời rơi xuống” – như Giám đốc tài chính Gỗ Trường Thành đã từng nói vui.

Dấu hiệu hồi phục của Gỗ Trường Thành bắt đầu từ đây. Năm 2014, công ty lãi ròng 71 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 3,4 tỷ đồng năm 2013. Để đến 9 tháng đầu năm, khi dòng tiền đã không còn là nỗi lo, Gỗ Trường Thành bứt phá với khoản lợi nhuận lên tới 218 tỷ đồng. Cổ phiếu TTF cũng bắt đầu cất cánh từ đây.

Tổng số tiền mà các ngân hàng xóa lãi vay cho Gỗ Trường Thành tính đến cuối tháng 9/2015 lên tới 228 tỷ đồng. Việc bán nợ xấu cho DATC rõ ràng đã mang lại những lợi thế đáng kể cho Gỗ Trường Thành.

Nhìn vào những con số về kết quả kinh doanh là chưa đầy đủ khi đánh giá hoạt động của một doanh nghiệp. Với Gỗ Trường Thành, thuận lợi không chỉ đến từ việc dòng tiền được giải phóng, mà còn từ cơ hội đến từ hiệp định TPP mà Việt Nam vừa ký kết. Hiệp định này sẽ mở đường cho Gỗ Trường Thành xuất khẩu sang Mỹ và Nhật, 2 quốc gia chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu của công ty. Gỗ Trường Thành còn có lợi thế từ nguồn gỗ từ rừng trồng đến tuổi khai thác, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ sản phẩm trong TPP.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên