MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền: DN có quyền khởi kiện

18-05-2015 - 08:47 AM | Doanh nghiệp

“Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan ngang cấp có đủ tiếng nói để can thiệp vào công việc nội bộ của bộ,ngành khác không?

Hiện vẫn còn khoảng trên 1.700 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nằm tại các thông tư, thậm chí vẫn còn có bộ đang tiếp tục soạn thảo các dạng điều kiện kinh doanh dưới hình thức hướng dẫn.

Loại bỏ những ĐKKD trái thẩm quyền

Mặc dù, kể từ 01/7, thẩm quyền ban hành ĐKKD chỉ thuộc về Chính phủ. Theo ông Cung, những ĐKKD do các bộ và UBND các cấp ban hành là trái thẩm quyền. Hiện có khoảng 1.697 ĐKKD loại này, trong đó những ngành nhiều ĐKKD trái thẩm quyền là GTVT (175), y tế (373), NN&PTNT (257)… Điều này cho thấy tinh thần của Luật DN, Luật Đầu tư chưa thấm được vào tư duy quản lý của các bộ, ngành. Ông Cung đặt vấn đề: Từ ngày 1-7, những ĐKKD này đương nhiên không có hiệu lực thi hành nhưng thực tế là các cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể áp đặt ĐKKD cho các DN. Vậy DN phải làm sao? “Trước hết, các DN không tuân thủ, không chấp hành sự áp đặt này. Nếu ai bắt DN phải tuân thủ các ĐKKD này thì DN hãy khởi kiện ra tòa án” - ông Cung đề xuất. Cách tiếp cận về ĐKKD hiện nay vẫn theo hướng kìm hãm lẫn nhau. Đơn cử như ĐKKD về địa điểm kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch hoặc không nằm trong khu vực cấm. Thực tế, đây chủ yếu theo phương pháp chọn – cho, chọn người thắng cuộc hay nói cách khác là cơ chế xin – cho. Còn về điều kiện số lượng, công suất, chất lượng tài sản, máy móc, thiết bị, phương tiện về bản chất là biến tướng của vốn pháp định. Theo phân tích của TS Cung, quy định này về hình thức đã bị pháp luật loại bỏ từ gần 20 năm qua.

Những ĐKKD bất hợp lý đang khiến DN không lớn lên được. Bởi vì, ĐKKD bất hợp lý sẽ khiến chi phí gia nhập thị trường tăng cao, kéo dài thời gian. Nó cũng gây nên sự bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho các DNVVN. Đồng thời, mặt trái của ĐKKD là không khuyến khích, thậm chí thui chột sáng tạo, loại bỏ các cách làm ăn khác, cách làm ăn mới. Nó cũng làm méo mó quan hệ cung – cầu… Có thể đưa ra một loạt các ĐKKD vô lý như: DN muốn xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN-PTNT ban hành. DN phải có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN-PTNT ban hành… Đối với DN kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ tại TP Hà Nội và TP HCM phải có tối thiểu 20 xe, ngoài TP Hà Nội, TP HCM phải có tối thiểu 10 xe… Đặc biệt, một số ĐKKD đã bãi bỏ hàng chục năm nay lại tái lập trở lại. Như DN ngành in phải có Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy. DN phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự và giấy tờ thể hiện việc đáng ứng đủ điều kiện về bảo vệ môi trường…

Khởi kiện thế nào?

Khoảng cách giữa văn bản pháp luật và thực tế vẫn luôn là nỗi lo thường trực đối với người dân và DN.

Các DN đều đồng tình với những ĐKKD trái thẩm quyền. Tuy nhiên, LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) băn khoăn, nếu DN muốn khởi kiện thì kiện ở đâu bởi hiện chúng ta vẫn chưa có tòa án Hiến pháp.

PGS TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, ngành kế toán, kiểm toán có những đặc thù yêu cầu về chuyên môn. Dịch vụ kế toán, kiểm toán là loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ có điều kiện. Tất cả các ĐKKD của loại hình dịch vụ này vẫn do Bộ Tài chính ban hành.

Vậy ai sẽ là người phân xử một ĐKKD, quy trình, hồ sơ đáp ứng ĐKKD đã hợp pháp, hợp lý, thuyết phục? Theo luật sư Ngô Việt Hòa - Cty Luật Russin&Vecchi, quy định DN được kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm rất “đẹp đẽ”, nhưng có khả thi không là chuyện khác. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được coi như cơ quan phân xử tính hợp pháp, hợp lý, minh bạch, thống nhất, đồng bộ của một điều kiện kinh doanh nhất định và việc thực thi điều kiện kinh doanh đó. “Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan ngang cấp có đủ tiếng nói để can thiệp vào công việc nội bộ của bộ, ngành khác không?” - ông Hòa phân tích.

Từ thực tế trên, vị luật sư này cho rằng, quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy con người, tư duy nhà quản lý về quyền tự do kinh doanh của DN. “Chỉ khi thay đổi tư duy, mới mong có sự đổi mới triệt để về xây dựng và thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh. Ngược lại, việc ban hành các cơ chế kiểm soát mới hay thành lập thêm các cơ quan kiểm soát sẽ không có nhiều tác dụng, đặc biệt trong dài hạn”- ông Hòa nhấn mạnh.

Theo Bá Tú

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên