MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Doanh nghiệp càng lớn càng bị ngành thuế thanh tra nhiều”

11-08-2015 - 14:59 PM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp càng lớn có xu hướng bị thanh, kiểm tra càng cao nguyên nhân có thể do áp lực thu của địa phương. Đây có thể là rào cản để doanh nghiệp ngại lớn hơn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

Sáng 11/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), World Bank Group (IFC), Hội đồng tư vấn cải cách thuế đã công bố báo cáo Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014. Cuộc khảo sát đánh giá do VCCI tổ chức lấy ý kiến từ 2.542 doanh nghiệp, tỷ lệ phản hồi điều tra trên mẫu gửi đi là 27%.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, qua đánh giá của doanh nghiệp cho thấy chất lượng thông tin về thủ tục hành chính thuế tương đối tốt nhưng vẫn còn không ít không gian để cải cách khi 79% doanh nghiệp cho biết thông tin về thủ tục hành chính thuế là sẵn có, dễ tìm và thống nhất.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy chỉ có 58% doanh nghiệp cho rằng các thông tin về thủ tục hành chính là đơn giản và dễ hiểu.

Đáng chú ý, doanh nghiệp FDI có mức độ hài lòng thấp nhất về thông tin cũng như quá trình tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính từ cơ quan thuế.

Ông Tuấn cho biết, trung bình 10 doanh nghiệp có tới 7 doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế. Khi gặp vướng mắc có đến 92% doanh nghiệp FDI tìm sự hỗ trợ từ Cục thuế tỉnh, chỉ 3% từ Tổng Cục thuế, 1% từ Bộ Tài chính.

Cũng nhóm doanh nghiệp FDI khi được hỏi đã từng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế đa số đều cho biết phiền hà gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi, lên đến trên 70%. Kết quả này đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh là tương đương.

Phiền hà lớn thứ 2 theo doanh nghiệp FDI là thời gian giải quyết miễn giảm thuế và hoàn thuế quá dài. "Có đến 37% doanh nghiệp FDI thấy khó khăn trong vấn đề hoàn thuế, đây là dẫn chứng cho thấy cải cách hoàn thuế là vấn đề lớn trong thời gian sắp tới", ông Tuấn đánh giá.

Báo cáo về thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, ông Tuấn cho biết trung bình có 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp đoàn thanh, kiểm tra thuế trong năm 2014, các doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng lớn xu hướng bị thanh tra, kiểm tra thuế càng cao.

"Doanh nghiệp càng lớn có xu hướng bị thanh, kiểm tra càng cao nguyên nhân có thể do áp lực thu của địa phương. Đây có thể là rào cản để doanh nghiệp ngại lớn hơn", ông Tuấn nói.

Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả Chi phí không chính thức (%). Nguồn: VCCI

Mặc dù các doanh nghiệp đánh giá việc thanh, kiểm tra về cơ bản là tích cực nhưng vẫn có tới 26% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh, kiểm tra thuế còn trùng lặp.

Đồng thời có 26% doanh nghiệp cho biết phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trong các lần thanh, kiểm tra thuế. Và có tới 32% doanh nghiệp từng bị thanh tra kiểm tra cho biết cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh, kiểm tra của cán bộ thuế luôn có xu hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, việc điều tra câu hỏi về chi phí không chính thức là rất khó khăn để cho kết quả khách quan.

Theo ông Tuấn, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy trung bình có 32% doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp trong ngành của họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp theo nguồn vốn chủ sở hữu.

"Kết quả khảo sát cho thấy trong khi chỉ khoảng 19% doanh nghiệp nhà nước cho biết chi trả không chính thức trong khi có tới 33% doanh nghiệp dân doanh phải chi trả khoản này trong khi có tới 41% doanh nghiệp FDI cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho công chức thuế", ông Tuấn nói.

 

Theo NGUYỄN THẢO

BizLIVE

Trở lên trên