MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Đà Nẵng bắt đầu “ngấm đòn” tỷ giá

09-09-2015 - 09:51 AM | Doanh nghiệp

Đụng độ đã xảy ra tại một số khu vực điểm nóng về người di cư ở các quốc gia Châu Âu, khiến cuộc khủng hoảng di cư đứng trước nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Tỷ giá của đồng USD liên tục tăng mạnh trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước đang phải đối mặt với những khoản lỗ không nhỏ khi chi phí nhập khẩu liên tục tăng lên.

Nhiều DN ngành thép cho rằng hiện tại đang là thời điểm “vàng” để tiêu thụ sản phẩm nhưng thay vì vui mừng bán được hàng nhiều chủ DN lại đối mặt với nỗi lo lớn, nhất là áp lực tỷ giá. Bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Cty TNHH Thép Việt Pháp (KCN Điện Ngọc, Quảng Nam), than phiền: Trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng mạnh buộc DN phải mua USD với giá cao hơn để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, khiến chi phí đầu vào tăng mạnh.

Chưa dừng lại ở đó, thị trường thép trong nước càng trở lên rối rắm, lộn xộn bởi lượng phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc nhập về quá nhiều, khiến nhiều nhà sản xuất sử dụng nguồn phôi trong nước “toát mồ hôi” cạnh tranh tìm đầu ra. Theo bà Hạnh, phôi thép trong nước giá 7.700 – 7.800 đồng/kg trong khi phôi Trung Quốc về chỉ có 7.000 đồng/kg cán ra thép bán giá thấp nên DN không thể cạnh tranh nổi. Mỗi tháng Cty Việt Pháp nhập khẩu nguyên liệu từ 1,5 triệu USD, tỷ giá đã tăng từ 4-5% so với đầu năm, khiến chi phí tăng 600 triệu đồng. Vì vậy, Cty đang cắt giảm bớt lượng hàng sản xuất, giải phóng hàng tồn kho và tìm nguyên liệu trong nước để thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Văn Quang, Phó Tổng giám đốc Cty CP Thép Đà Nẵng chia sẻ, chưa bao giờ ngành sản xuất thép trong nước gặp khó khăn như thời điểm này. Tỷ giá tăng mạnh đẩy giá nguyên vật liệu “leo thang” làm giá thành sản tăng cao. Tuy nhiên, Cty không thể tăng giá bán mà ngược lại phải hạ xuống để cạnh tranh với thép Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam bằng nhiều hình thức.

Ông Quang giải thích mỗi tháng Cty phải nhập khẩu khoảng 8.000 tấn nguyên liệu với giá trị khoảng 5,8 triệu USD, với giá USD như hiện nay, Cty phải mất đi mỗi tháng gần 3 tỷ đồng do biến động tỷ giá. Ông Quang cho biết thêm do giá phôi nhập từ Trung Quốc quá rẻ nên một số nhà máy luyện phôi trong nước bắt đầu chuyển hướng làm ăn. Lâu nay nhà máy phôi trong nước nhập thép phế liệu về luyện ra phôi để bán thì gần đây họ chuyển hẳn sang nhập phôi từ Trung Quốc về để cán ra thép thành phẩm bán ra thị trường, tính ra lợi nhuận nhiều hơn lúc trước. Tuy vậy, ông Quang cũng lưu ý người tiêu dùng: Tiền nào của đó!

Là DN nhập khẩu hơn 60% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, ông Hà Phước Lộc, Phó tổng Giám đốc Cty Cao su Đà Nẵng cho biết, năm 2015 ngành cao su đang đối mặt với khó khăn do sức ép cạnh tranh rất lớn, việc tỷ giá được điều chỉnh tăng 2% từ đầu năm và sau đó lại tiếp tục được “nới” biên độ thời gian qua khiến DN như bị bồi thêm gánh nặng. Tỷ giá tăng đồng nghĩa các nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng khá mạnh, kéo theo chi phí đầu tư tăng theo.

Giá thành tăng nhưng không thể tăng giá bán tương ứng do sức mua của thị trường thấp, sự cạnh tranh trên thị trường cao càng khiến DN gặp khó. Ông Lộc than phiền: Chúng tôi phải móc “hầu bao” thêm mỗi tháng gần 20 tỷ đồng chi phí tăng thêm mà không có trong kế hoạch dự trù từ đầu năm để nhập nguyên liệu. Không còn cách nào khác, công ty phải cắt giảm nguyên liệu nhập khẩu và tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế dần.

Chịu thiệt hại trực tiếp khi tỷ giá biến động mạnh đó là ngành nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp ô-tô trong nước vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó tổng Giám đốc Nhà máy Lắp ráp ô-tô TCIE Đà Nẵng (Thương hiệu ô-tô Nissan Đà Nẵng) cho rằng, với hơn 83% thiết bị linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài về để lắp ráp khi tỷ giá tăng tác động rất lớn đến chi phí đầu vào, trong khi đó, các dòng sản phẩm ô-tô Nissan lắp ráp trong nước lại chưa có tính cạnh tranh cao, không thể tăng giá bán càng khiến DN như “ngồi trên đống lửa”.

 

Theo Xuân Đương

Công an Đà Nẵng

Trở lên trên