MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp FDI "xù nợ" vì… thủng quỹ

13-08-2013 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Hiện chúng ta đang gặp một số khó khăn, đó là ngay bản thân các cơ quan chức năng nơi có DN FDI bỏ trốn cũng không phát hiện được thời gian họ bỏ trốn.

Hiện tượng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có người đại diện vắng mặt, bỏ trốn hay "mất tích" không phải là vấn đề mới, nhưng vẫn chưa được các cơ quan nhà nước đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả.

Từ cuối năm 2012, tại một số tỉnh, thành phía Nam như: Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, xuất hiện tình trạng nhiều chủ DN nước ngoài đột ngột bỏ về nước, để lại "đống" nhà xưởng, nợ ngân hàng, lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động.

Lặng lẽ "trốn"...

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Dương, từ năm 2009 đến nay đã có 16 chủ DN FDI đang hoạt động trên địa bàn bất ngờ bỏ trốn, không thể liên lạc được. Ở Đồng Nai có gần 50 DN FDI thuộc diện vắng chủ, nhưng mới chỉ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án, số còn lại chưa xử lý được. Tình trạng này cũng diễn ra ở Hà Nội và Tp.HCM, với số lượng DN FDI bỏ trốn, xù nợ lên tới hơn 100.

Theo thống kê qua báo cáo từ các địa phương, tính đến hết tháng 5/2013, có 518 DN FDI thuộc diện vắng chủ, với tổng vốn đăng ký trên 900 triệu USD. Các DN này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, như: quản lý DN, xây dựng, bất động sản… Phần lớn đều là dự án có quy mô nhỏ, dưới 500.000 USD và thường thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác mà không có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong tình hình khó khăn, đã có nhiều DN FDI thua lỗ buộc phải xin dừng hoạt động trước thời hạn. Nhưng cũng có một lượng không nhỏ chủ DN FDI đã chọn "lối thoát" là lặng lẽ trốn khỏi Việt Nam. Hệ lụy để lại là khoản tiền nợ lương công nhân, BHXH, nghĩa vụ nộp thuế… đang trở nên rất khó xử lý.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, riêng 17 DN FDI bỏ trốn đã có số nợ với khách hàng gia công và nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hay thống kê của Cục Hải quan Tp.HCM vào cuối năm 2012 cho thấy chỉ riêng tại 128 DN FDI thuộc nhóm gia công bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh đã có khoản nợ thuế trên 400 tỷ đồng…

Tại buổi họp báo hồi đầu năm nay, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cũng thừa nhận có tình trạng DN FDI vay nợ của các tổ chức tín dụng trong nước rồi bỏ trốn tại một số địa phương, khu công nghiệp... do làm ăn thất bát. Tuy nhiên, xử lý vi phạm vấn đề này rất phức tạp vì nhiều trường hợp không biết địa chỉ, nên các khoản nợ hiện đang bị "treo".

Không ít DN FDI hiện có số nợ lên tới trên 1/2 giá trị tài sản của họ tại Việt Nam. Ông Lê Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết mới đây, một DN FDI bỏ trốn, giá trị tài sản còn lại của DN chỉ khoảng 300 triệu đồng, trong khi chỉ tính nợ lương công nhân đã lên đến 900 triệu đồng, nợ các nhà cung cấp 12 tỷ đồng. Hội đồng định giá của Sở Tư pháp tổ chức đấu giá để lấy tiền chi trả, nhưng không ai quan tâm do tình hình kinh doanh nói chung đang bị đình đốn.

Lộ "lỗ hổng"...

Theo Luật sư Trần Đức Phượng - Công ty Luật Hợp Việt, trong trường hợp này, tùy từng trường hợp, các chủ nợ có thể khởi kiện để đòi nợ hoặc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố DN phá sản. Theo luật pháp Việt Nam, đối với DN có người đại diện nhưng đã bỏ trốn thì vẫn xác định DN đó vẫn đang tồn tại ở địa chỉ cuối cùng trong hồ sơ đăng ký đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, toà án vẫn thụ lý giải quyết vụ án và tiến hành các thủ tục tống đạt để xét xử vắng mặt theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự cho dù không tìm thấy người đại diện theo pháp luật của DN.

Tuy nhiên, thực tế khi khởi kiện những DN này tại toà án đã cho thấy có nhiều vụ án, đương sự bất hợp tác, nên cơ quan tố tụng thường vi phạm thời gian chuẩn bị xét xử hoặc tìm cách tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Đây là nguyên nhân chính của việc khó xử lý hiện nay.

Vẫn theo ông Vinh: "Hiện chúng ta đang gặp một số khó khăn, đó là ngay bản thân các cơ quan chức năng nơi có DN FDI bỏ trốn cũng không phát hiện được thời gian họ bỏ trốn, các khu công nghiệp nơi có DN hoạt động cũng không nắm được. Do đó, để tìm được địa chỉ của họ sau khi bỏ trốn rất khó khăn".

Bên cạnh đó, khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư phải thực hiện việc góp vốn đầy đủ theo quy định và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp. Trách nhiệm cá nhân nhà đầu tư chỉ được đặt ra như trường hợp việc góp vốn điều lệ không đầy đủ. Tuy nhiên, việc góp vốn của nhà đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước quản lý.

Mặt khác, pháp luật Việt Nam (đặc biệt là pháp luật Tố tụng dân sự) còn thiếu các quy định để thực hiện xác định trách nhiệm cá nhân của nhà đầu tư đối với bên thứ ba (như chủ nợ). Do đó, trên thực tế, việc xử lý các DN dùng vốn "ảo" chưa có giải pháp hữu hiệu. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến các khoản nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp rất khó thu hồi.

Theo Việt Nguyễn

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên