MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp hãy tự “lột xác” để phát triển

06-10-2014 - 09:05 AM | Doanh nghiệp

Giả sử các giải pháp vĩ mô để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là đúng và toàn diện thì việc thực hiện cạnh tranh ở quy mô DN cũng không hề đơn giản và thuận lợi.

Dù yếu tố chính sách có cởi mở đến đâu, song các DN không tự thân vận động để đổi mới, thích nghi với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy quản lý, đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ cao thì khó có thể cạnh tranh lâu dài và phát triển vững chắc.

“Thực tiễn là thước đo của chân lý”, đó không chỉ là câu danh ngôn nổi tiếng mà còn là kim chỉ nam cho việc ban hành các văn bản pháp luật.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên càng đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải cẩn trọng, khoa học và sâu sát mỗi khi đề ra chủ trương, chính sách cho một lĩnh vực nào đó.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng nói: “DN là hầu bao của Chính phủ”. Vì vậy, mọi đường lối chính sách có liên quan đến sự phát triển kinh tế cần đến các DN thảo luận, góp ý kiến trước khi phê duyệt.

Thực tiễn những năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm khá tốt quy trình ban hành các văn bản pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ đã nêu ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nội dung các giải pháp là khá toàn diện và cụ thể, vấn đề là tổ chức thực hiện các giải pháp đó như thế nào từ các cơ quan quản lý Bộ, ngành, các địa phương và từ cộng đồng DN trong cả nước.

Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mang nội hàm rất rộng, rất cụ thể ở nhiều cấp độ, cả vĩ mô và vi mô. Trong giới hạn của bài viết này, người viết sẽ đề cập tập trung đến các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của một DN.

Giả sử các giải pháp vĩ mô để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là đúng và toàn diện thì việc thực hiện cạnh tranh ở quy mô DN cũng không hề đơn giản và thuận lợi.

Nhà nước chỉ tạo ra luật chơi chung phù hợp với thông lệ quốc tế, còn tổ chức thực hiện như thế nào, các giải pháp cụ thể ra sao, các bước đi, cách ứng phó với từng đối tác cạnh tranh, từng thị trường cạnh tranh, các DN phải tự thực hiện. Do vậy, vấn đề quan trọng và không đơn giản đó là đi vào tổ chức thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết 19 đã nêu ra.

Cộng đồng DN ở nhiều thành phần kinh tế, ở nhiều quy mô đầu tư kinh doanh và dịch vụ nên các giải pháp cạnh tranh không chỉ cần sự đồng thuận trong ban giám đốc, hội đồng quản trị mà cần phải có tiềm lực về tài chính, có người thực hiện. Tài chính có thể huy động, vay mượn; nhưng yếu tố con người thực hiện mới là vấn đề khó. Bởi, mọi nội dung hình thức cạnh tranh cuối cùng vẫn là cạnh tranh của trí tuệ.

Một ví dụ thực tế được đúc kết từ kinh nghiệm của chính người viết, đó là, cách đây hơn 20 năm khi người viết được giao thay mặt phần vốn Nhà nước và điều hành một liên doanh có 3 nước tham gia góp vốn. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải làm gì để có giải pháp quản lý tối ưu, có mô hình liên doanh hiệu quả, để mau chóng làm chủ được công nghệ… và quan trọng là để liên doanh có lãi ngay từ năm đầu sản xuất?

Để giải được bài toán, những người được giao nhiệm vụ đã bắt đầu từ việc thiết kế bộ máy quản lý và tìm chọn cán bộ.

Để có đội ngũ cán bộ đủ sức thay thế chuyên gia ngay sau khi lắp đặt dây chuyền và vận hành sản xuất. Những người lãnh đạo liên doanh đã mạnh dạn cử hàng chục kỹ sư giỏi có 1-2 ngoại ngữ đi thực tập, thay vì cử công nhân kỹ thuật. Sau thời gian thực tập, một kỹ sư có thể hướng dẫn cho 10 công nhân. Và với hàng chục kỹ sư thì DN đã có trong tay hàng trăm công nhân kỹ thuật có thể thay thế cho chuyên gia nước ngoài.

Sau khi làm chủ công nghệ thì phải làm chủ phần nhập khẩu vật tư nguyên liệu để không phụ thuộc vào hãng mẹ, rồi hướng dẫn một vài DN Việt Nam sản xuất cung cấp những vật tư mà liên doanh đang phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, đối với một liên doanh sản xuất, việc sớm làm chủ công nghệ, điều hành quản lý sản xuất; nhập khẩu vật tư nguyên liệu chưa phải là cái sống còn để tiếp tục phát triển.

Vấn đề là làm chủ thị trường, nắm thông tin về giá cả, chất lượng vật tư, máy móc thiết bị, nắm rõ các tiến bộ về công nghệ, về nguyện vọng và kế hoạch phát triển của khách hàng. Để từ đó không chỉ sản xuất một ít loại sản phẩm, mà là hầu hết các chủng loại phát triển các sản phẩm để phục vụ xuất khẩu.

Từ những kinh nghiệm thực tế của DN liên doanh, người viết có thể khẳng định rằng, cho dù yếu tố chính sách có cởi mở, thuận lợi hóa đến đâu, song các DN không tự thân vận động để đổi mới, thích nghi với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy quản lý, mau chóng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và trí tuệ cao, thì DN đó khó có thể cạnh tranh lâu dài và phát triển vững chắc được.

Hãy tự “lột xác” mình để phát triển đừng để người khác phải “lột xác” mình. Đó cũng là quy luật để phát triển của thế giới tự nhiên. Mà “lột xác” phải từ đầu trước rồi mới đến phần đuôi.

Hãy đổi mới từ cấp cao nhất trong mỗi tổ chức quản lý thì hệ thống đổi mới có sức phát triển lâu dài và bền vững. Xin đừng làm ngược quá trình mang tính quy luật này.

Cạnh tranh là gắn với khả năng thích nghi và quá trình tái cấu trúc của mỗi hệ thống kinh tế.

Theo TS. Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN FDI

thunm

Chinhphu.vn

Trở lên trên