MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp niêm yết 2011: Khó khăn chồng chất

29-12-2011 - 06:42 AM | Doanh nghiệp

Gặp khó do nặng nợ, thiếu vốn, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh; Hàng loạt doanh nghiệp bị thị trường định giá thấp hơn giá trị thực...là những vấn đề lớn của DNNY năm nay.

1. Hơn 50% số cổ phiếu niêm yết có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách

Sự suy giảm của TTCK kéo theo hơn 50% số cổ phiếu niêm yết có thị giá rơi xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng) và thấp hơn nhiều so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đứng trước áp lực bị thâu tóm hoặc một số đi đến quyết định rời khỏi thị trường niêm yết.

Thị giá xuống thấp còn dẫn đến hoạt động gọi vốn trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp bị nghẽn lại. Nếu năm 2010 là năm ồ ạt tăng vốn và thị trường đón nhận thông tin chào bán ưu đãi khá hồ hởi thì năm nay hàng loạt vụ tăng vốn bằng phương thức chào bán lớn hầu hết bị vỡ kế hoạch như Xây lắp dầu khí Nghê An (PVA), Đông Hải Bến Tre (DHC)...và hàng loạt doanh nghiệp phải chùn chân hoãn kế hoạch tăng vốn đã được ĐHCĐ thông qua như Anvifish (AVF), Ticco (THG), Chế tạo máy Dĩ An (DZM)...

2. Nặng nợ, sợ tồn kho, lo thiếu vốn

Kết thúc quý III/2011, theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, có tới 14 doanh nghiệp có Tổng nợ/ Tổng tài sản lớn hơn 90%; hơn 50 doanh nghiệp có hệ số nợ từ 80%-90% và hơn 80 doanh nghiệp từ 70%-80%. Đòn bẩy vốn của doanh nghiệp lên tới 1:9 (một đồng vốn, 9 đồng nợ). Mức đòn bẩy tài chính này kéo theo không ít rủi ro trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nguồn lợi tạo ra từ vay nợ không đủ bù đắp chi phí vốn phải trả.

Số dư hàng tồn kho cuối quý III/2011 của các doanh nghiệp niêm yết tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, vốn liếng làm ăn của doanh nghiệp đọng vào hàng tồn kho nhiều hơn năm ngoái nhiều. Lượng hàng tồn kho cao kéo theo vòng quay tài sản chậm lại và hiệu quả sử dụng vốn giảm.

Năm 2011 cũng là năm đánh dấu sự khan hiếm tiền do lãi suất cao và chính sách tín dụng chặt chẽ của CP. Khó vay vốn hoặc chi phí vốn cao, không huy động được vốn trên thị trường chứng khoán qua các hoạt động phát hành thêm, tiền đọng trong hàng tồn kho nhiều...Khó khăn về vốn được xem là điểm nóng của DN vừa và nhỏ trong năm nay.

3. Doanh thu suy giảm, chi phí tăng mạnh

Doanh thu của các DNNY chỉ tăng với con số khá thấp chưa đầy 5% trong khi đó do lạm phát tăng nên các chi phí tiền lương, chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí tài chính đều tăng mạnh đã khiến nguồn lợi nhuận thu về của doanh nghiệp eo hẹp dần.

Xét trên báo cáo tài chính kết thúc quý III/2011, tổng lợi nhuận toàn thị trường quý III giảm hơn 25% so với cùng kỳ. Càng về cuối năm, các doanh nghiệp lại ‘đua’ nhau xin ý kiến cổ đông giảm kế hoạch kinh doanh của năm. 

4. Mục đích mua cổ phiếu quỹ thất bại

Mục đích giữ giá cổ phiếu khỏi giảm sâu, hay tạo thặng dư vốn khi mua vào cổ phiếu quỹ đều thất bại khi thị giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh. Đáy mới của giá hình thành trong bối cảnh đói vốn do năm sau được dự đoán sẽ khó vay vốn, hoặc nếu vay được thì chi phí vốn cũng quá cao nên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh bắt buộc phải bán rẻ cổ phiếu quỹ.
 
Điển hình cho trào lưu này là SHN bán cổ phiếu quỹ trong khi thị giá hiện tại chỉ hơn phân nửa giá vốn hồi mua vào; NDN bán khi thị giá thấp hơn giá vốn hơn 15%; SDH lên kế hoạch bán khi thị giá chưa bằng 30% giá vốn; FBT lên kế hoạch bán cổ phiếu quỹ khi thị giá chưa từng qua mức giá vốn từ giữa năm 2009 đến nay.

5. Sacombank: Dấu hỏi ngỏ về tin đồn bị thâu tóm

Quãng thời gian đầu quý III, thị trường rộ lên tin đồn Sacombank đã và đang bị ngấm ngầm thâu tóm. Những thông tin về Sacombank trở nên dồn dập trong một quãng thời gian dài khi hết Dragon Capital đến vợ, con gái và con dâu đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu. Nghi án bị thâu tóm càng lớn hơn khi các công ty con (thực chất là các công ty này đều do STB và những người có quyền lợi) đăng ký mua vào cộng với quyết định bất ngờ mua 100 triệu cổ phiếu quỹ.

Chủ tịch HĐQT Sacombank đã không ít lần lên tiếng trấn an cổ đông nhưng trong bối cảnh nhiều đại gia nhăm nhe tìm doanh nghiệp có thế để thâu tóm khi giá cổ phiếu xuống thấp càng khiến những lời đồn đoán trở nên được nhà đầu tư...tin nhất.

6. Vinacafe Biên Hòa- Dấu ấn ‘thâu tóm’ 2011

Masan Consumer đã hoàn tất việc chào mua và nắm giữ 50,11% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa (VCF) đã đánh dấu một thương vụ thâu tóm doanh nghiệp niêm yết năm 2011 qua hình thức chào mua công khai. Đại gia dư tiền Masan Consumer đã chi hơn 1.100 tỷ đồng để có quyền kiểm soát tại doanh nghiệp có nhiều tiềm năng trong ngành cà phê hòa tan này.

Thương vụ này được các chuyên gia nhìn nhận là doanh nghiệp đi thâu tóm và doanh nghiệp bị thâu tóm đều có lợi. Thương hiệu lâu năm cộng với hệ thống phân phối khá vững của VCF và sự quản trị chuyên nghiệp của đại gia Masan sẽ tạo được những giá trị thực sự cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho sự phát triển bền vững.

7. Thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao

Chuyện đi hay ở của nhân sự cấp cao ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến hoạt động của từng công ty, thậm chí còn kéo theo sự thay đổi “core business” và định hướng phát triển về sau.

1 số câu chuyện đổi Tổng giám đốc của SJS, bổ nhiệm và miễn nhiệm thành viên HĐQT ở ORS, SBS thay gần hết các lãnh đạo cũ... là một vài ví dụ trong hàng loạt thay đổi nhân sự cấp cao thời gian qua.

Một số doanh nghiệp thay đổi nhân sự cấp cao do có sự thay đổi lớn về cổ đông nắm phần vốn lớn như VCF, FBT thay một loạt lãnh đạo sau khi Masan Consumers và HVG nắm phần lớn vốn.

Các công ty chứng khoán thì phải giảm quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự do thị trường sa sút. Tổng số cán bộ, nhân viên đang làm việc tại 17 công ty chứng khoán niêm yết là 3.417 người, giảm 370 người, tương ứng giảm 9,8% so với năm 2010. Nhân sự cấp cao của các CTCK cũng ra đi hàng loạt.

Ngoài những lý do trên, hàng loạt doanh nghiệp cũng có sự biến động lớn về nhân sự do nhu cầu nội tại và diễn ra khá âm thầm chỉ với một bản nghị quyết thông báo thay đổi như PGT, TCT, KTT, SEC, DCC, VSP, BPC, BTS, DTC, HNM, TVD, NDN, MKV…

8. Tái cấu trúc thành câu chuyện sống còn

Bối cảnh khó khăn chung về kinh tế cộng với nội tại DN yếu khiến việc tái cấu trúc diễn ra mạnh mẽ hơn.

Dễ nhìn thấy hiện tại là tái cấu trúc nhân sự, thanh lý tài sản và tiết giảm chi phí.

Các doanh nghiệp đi đầu tái cấu trúc bằng thanh lý tài sản như SHC, VNA, VOS, VFR, TLC…Một số doanh nghiệp khác lại chọn phương án giảm các chi nhánh hoạt động không hiệu quả, nhiều công ty định hướng lại mô hình hoạt động như ALP, VCG…

Ban Biên tập CafeF

thanhhuong

Trở lên trên