MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp phản đối gay gắt điều kiện nhập khẩu máy móc cũ

18-03-2015 - 17:20 PM | Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp phản ứng gay gắt và đều cho rằng, không cần thiết phải ban hành thêm một Thông tư quy định điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hội thảo góp ý về dự thảo lần 3, thông tư sửa đổi quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ (Thông tư 20) đã qua sử dụng của sử dụng của Bộ Khoa học - Công nghệ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/3 đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ứng quyết liệt từ doanh nghiệp.

Điều kiện mù mờ, doanh nghiệp thêm khổ

Đề cập tới những điều kiện được nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng như chất lượng máy móc còn lại 80%, thời gian sử dụng 10 năm trong dự thảo lần 3 Thông tư 20, ông Lê Anh Ba – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nói thẳng, là thiếu tính chủ quan, thiếu cụ thể. Ngay việc xác định 80% chất lượng thiết bị còn lại mang định tính hơn là định lượng. Chưa kể sẽ làm phát sinh thủ tục phức tạp, mất thời gian vào công việc giám định và phát sinh chi phí giám định cho doanh nghiệp…

Tỏ ra phiền lòng vì đã góp ý nhiều lần bằng văn bản gửi tới Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) nhưng ý kiến của Hiệp hội chưa được bộ tiếp nhận, một lần nữa tại hội thảo góp ý lần này ông Vũ Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam vẫn mạnh dạn nêu quan điểm.

Theo ông, trong 30 năm qua ngành giấy chỉ nhập 6 thiết bị dây chuyền cũ, 5 trong số đó có tuổi đời 50 năm và 1 dây chuyền thiết bị được sản xuất từ năm 1945. Chu kỳ công nghệ trong ngành giấy khoảng 10-15 năm, nên dù máy móc sản xuất từ những năm 1945 thì tới kỳ doanh nghiệp vẫn duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, tân trang lại … nên vẫn chạy tốt, đảm bảo các quy định về an toàn, môi trường, hiệu quả kinh tế. “Chúng tôi không dại gì nhập máy móc trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ rồi bỏ mặc đấy”- ông Bảo chia sẻ.

Với nội dung quy định điều kiện doanh nghiệp được nhập khẩu máy móc, thiết bị phải đáp ứng thời gian thời gian sử dụng không quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập và chất lượng đạt từ 80% trở lên, ông Bảo nhấn mạnh, là không khả thi và chưa sát thực tế. Bởi lẽ, Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn đối với máy móc, thiết bị nên không có căn cứ nào để xác định chất lượng còn lại. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đều có quy định bộ tiêu chuẩn riêng với doanh nghiệp nếu muốn nhập khẩu máy móc. Nếu thêm quy định như Thông tư 20 thì đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ chịu “một cổ hai tròng”.

“Chúng tôi không rõ cơ sở khoa học nào để đưa ra quy định chất lượng còn 80% là phù hợp chứ không phải 70% hay thấp hơn? Liệu các cơ quan đăng kiểm của Việt Nam có đủ năng lực, máy móc thiết bị để khẳng định máy móc, công nghệ cần kiểm tra còn đạt 80% chất lượng hay 70%, hay đó chỉ là cái cớ, là điều kiện phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu…?”, ông đặt câu hỏi.

Về điều này ngay cả với một người trong ngành giám định như ông Phạm Hoài Long - Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol cũng phải thừa nhận rằng, để xác định chất lượng máy móc đạt con số chính xác 80% là rất khó. “Việc giám định chỉ có thể đưa ra con số tương đối chứ khó có thể đưa ra được con số tuyệt đối. Hơn nữa, chất lượng 80% ở đây được xác định dựa trên cơ sở nào: chất lượng hoạt động, tiêu hao nhiên liệu, hay tổng quát kết quả hệ thống cả dây chuyền… cũng không được quy định rõ”- ông Long thẳng thắn.

Không những thế, riêng từng bộ, ngành đã có quy định tiêu chuẩn riêng buộc doanh nghiệp tuân thủ khi nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ. Nay lại “thong” thêm thủ tục này nữa, vô hình chung doanh nghiệp là đối tượng chịu khổ nhất. Môi trường kinh doanh không những không cải thiện mà ngày càng khó khăn hơn.

Không cần ban hành Thông tư 20

Tại hội thảo đa số các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đều phản ứng gay gắt về nội dung quy định trong dự thảo lần 3 Thông tư 20 và đồng tình, không nên và không cần thiết phải tồn tại một Thông tư như vậy.

Tham dự với tư cách chuyên gia, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài lo ngại, nếu ban hành thêm những quy định như trong nội dung Thông tư 20 sẽ là bước cản cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian tới. Hàng loạt tập đoàn lớn như Microsoft, Intel, Samsung… đang chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam với vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ. “Họ không dại gì tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ để dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam để rồi vì chính sách cản trở mà không hoạt động được. Cho nên tư duy của chúng ta phải thay đổi. Bộ KHCN cần xem xét lại, quy định về nhập khẩu máy móc cũ có cần thiết phải ban hành thông tư này?” – GS. Mại đặt vấn đề.

Nhắc đến bài học kinh nghiệm của Thái Lan, ông Mại cho rằng, đây là mô hình Việt Nam nên học tập, nghĩa là không cần thêm bất kỳ quy định, rào cản nào. Còn nếu trong trường hợp bắt buộc phải có một Thông tư thì phải trích lược các tiêu chí cụ thể về an toàn, môi trường như tiêu hao hiệu suất nguyên liệu, năng lượng, hiệu quả kinh tế…. thì mới rõ ràng, minh bạch và dễ kiểm tra. Ngoài ra, cũng không nên phân biệt 2 đối tượng doanh nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, bởi như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong khi chúng ta đang cố gắng tạo ra sự bình đẳng giữa tất cả các loại bình doanh nghiệp.

Trước những ý kiến phản đối gay gắt của các doanh nghiệp, đại diện đến từ Bộ KHCN bà Trần Tuyết Nhung – Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ cho rằng, việc Bộ KHCN đưa ra quy định trong Thông tư 20 là tạo ra “barem” nhằm mục đích “ngăn thô” đối với doanh nghiệp muốn nhập máy móc cũ. Còn các quy định cụ thể khác về chất lượng máy móc thiết bị doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ theo quy định riêng của bộ, ngành….

Theo Nguyễn Hoài

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên